I. GIÁO HUẤN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II VỀ VIỆC ĐÀO TẠO GIÁO DÂN
Công đồng Vatican II (1962-1965) không chỉ đề cao vai trò, sứ mạng, ơn gọi của giáo dân, mà còn đưa ra một chỉ dẫn mà Giáo hội phải theo, một định mức mà Giáo hội cần đạt tới. Đó là:
“Giáo hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Ki-tô giữa loài người nếu như chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm. Thật vậy, Phúc âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân.
“Do đó, ngay khi thiết lập, Giáo hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng ngũ giáo dân Ki-tô giáo trưởng thành” (Sắc lệnh Truyền Giáo, số 21).
(Ghi chú: CÙNG làm việc VỚI hàng Giáo phẩm).
Khi đề cập đến nhu cầu đào tạo giáo dân, linh mục Jess S. Brena SJ, đã viết những dòng sau đây:
“Thật dễ nhận ra rằng đại đa số các Ki-tô hữu chúng ta đã không được huấn luyện để đảm nhận tích cực phận vụ của mình trong Giáo hội hoặc trong công tác tông đồ. Ai cũng thấy nhu cầu phải được huấn luyện thích đáng là điều quá rõ ràng và cần thiết.
“Giáo dân có quyền được huấn luyện như thế để có năng lực nhiều hơn mà đóng vai trò Thiên Chúa đã ủy thác cho mình.
“Về điểm này, Vatican II và Bộ Giáo luật mới đã tuyên bố rất rõ: “Do vậy, ngay cả khi phải bận rộn với những lo toan trần thế, người giáo dân cũng có thể và phải thể hiện những nỗ lực xứng đáng để đưa Tin Mừng vào trần gian. Đặc biệt, một số người trong họ sẽ vận dụng hết khả năng mình để đảm nhận các phận vụ thiêng liêng trong trường hợp thiếu linh mục hoặc linh mục bị cấm cách. Nhiều giáo dân sẽ dấn thân hoàn toàn cho công tác tông đồ. Nhưng công tác để mở rộng và phát triển sức mạnh của Nước Chúa Ki-tô trên trần gian là bổn phận của hết thảy mọi người. Vì vậy, người giáo dân phải rèn luyện để nắm vững hơn về chân lý mạc khải và phải nhiệt thành cầu xin Chúa ban cho mình ơn khôn ngoan” (Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 35).
“Phải coi sự huấn luyện này là nền tảng và là điều kiện cần thiết cho mọi hoạt động tông đồ hữu hiệu.
“Bởi vì sự huấn luyện trong lãnh vực tông đồ không chỉ bao gồm những chỉ dẫn thuần lý thuyết, nên ngay từ đầu cuộc huấn luyện phải dần dần và khéo léo giúp cho người giáo dân biết xem xét và làm mọi sự trong ánh sáng đức tin – cũng như biết hành động để phát triển và hoàn thiện bản thân mình và người khác; nhờ đó họ hòa nhập vào công cuộc phục vụ đầy năng động của Giáo hội” (Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 29).
(NGÀI GỌI CON, CON ĐÂY, Thủ bản huấn luyện Tông Đồ Giáo Dân, trang 145-148, Nhà xuất bản: Trung Tâm Đào Tạo và Thăng Tiến Đài Bắc- Đài Loan, 1984).
II. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC ĐÀO TẠO GIÁO DÂN
Tông huấn Người Ki-tô hữu giáo dân (Christifideles Laici) của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, nói rất rõ về ba mục đích của việc huấn luyện giáo dân là:
(a) Giúp giáo dân trưởng thành và nên giống Chúa Ki-tô hơn:
“Các Nghị phụ… diễn tả việc huấn luyện giáo dân như một tiến trình trưởng thành liên tục của cá nhân trong đức tin và là một tiến trình nên giống Đức Ki-tô, theo ý muốn của Chúa Cha, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” (số 57).
(b) Giúp giáo dân khám phá và sống ơn gọi riêng của mình:
“Việc huấn luyện giáo dân có nục tiêu nền tảng là giúp hô khám phá ra mỗi ngày một rõ ràng hơn ơn gọi cá nhân và luôn hết sức sẵn sàng chu toàn sứ vụ riêng của mình” (số 58).
(c) Giúp giáo dân có một đời sống thống nhất:
“Trong cuộc sống không thể có hai đời sống song song nhau: một bên là đời sống gọi là ‘thiêng liêng’, với những giá trị và những đòi hỏi riêng, và bên kia là đời sống ‘trần thế’, nghĩa là đời sống gia đình, nghề nghiệp, những tương quan xã hội, sự tham gia chính trị, các hoạt động văn hóa. Cành nho nào được nối với cây nho là Đức Ki-tô sẽ trổ sinh hoa trái trong tất cả mọi lãnh vực hoạt động và trong mỗi giai đoạn của cuộc sống. Thật vậy, tất cả mọi lãnh vực của đời sống giáo dân đều nằm trong ý định của Thiên Chúa, Đấng đã muốn những lãnh vực đó là “môi trường lịch sử” để mặc khải và thực thi Đức Ai của Đức Giê-su Ki-tô, nhằm vinh quang Chúa Cha để phục vụ anh em. Tất cả mọi hoạt động, mọi hoàn cảnh, mọi sự dấn thân cụ thể –chẵng hạn như khả năng chuyên môn và sự liên đới trong công việc, tình yêu và sự dâng hiến trong gia đình cũng như trong việc giáo dục con cái, công việc xã hội và chính trị, việc trình bày chân lý trong lãnh vực văn hóa – tất cả những điều đó là cơ hội được Thiên Chúa quan phòng để ‘không ngừng thực thi đức Tin, đức Cậy và đức Mến” (Người Ki-tô hữu giáo dân, số 59; Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 43; Sắc lệnh Truyền giáo, số 21; Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 20).
III. HAI LÃNH VỰC & CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO DÂN
Cũng theo Tông huấn Người Ki-tô hữu giáo dân thì người giáo dân cần được đào tạo trong hai lãnh vực khác nhau: lãnh vực tổng quát và lãnh vực chuyên biệt. Vì có hai lãnh vực nên cũng cần phải có hai chương trình đào tạo khác nhau.
3.1. Lãnh vực & chương trình tổng quát
Mọi người giáo dân phải được đào tạo trong lãnh vực và theo chương trình tổng quát này. Ở đây người giáo dân được đào tạo về những nền tảng cơ bản của đời sống Đức Tin, gồm nhiều mặt: nhân bản, tâm linh, kiến thức, ý thức thái độ và kỹ năng.
3.2. Lãnh vực & chương trình chuyên biệt
Đối với một số giáo dân có Ơn gọi và Sứ mạng riêng như các Giáo lý viên, Linh hoạt viên các cộng đoàn, Hội viên Hội đoàn Công giáo Tiến hành, Thành viên Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, các Tông đồ Giáo dân, những người làm việc từ thiện, những người dấn thân trong lãnh vực nghề nghiệp, chính trị….. thì ngoài chương trình huấn luyện chung cho mọi giáo dân, họ cần có một chương trình đào tạo riêng. Gọi chương trình ấy gọi là chương trình huấn luyện chuyên biệt, vì nhằm đáp ứng các nhu cầu, ơn gọi và sứ vụ riêng biệt của từng hạng người: Ví dụ các Giáo lý viên thì phải có sự hiểu biết và kỹ năng về Sư phạm Giáo lý; Hội đồng Mục vụ Giáo xứ thì phải có hiểu biết và kỹ năng về lãnh đạo tập thể; Tông đồ Giáo dân thì phải có hiểu biết về giá trị các tôn giáo không Ki-tô giáo và phải có nghệ thuật tâm lý trong giao tiếp v.v…
Ngày nay Giáo hội hiểu rằng việc đào tạo người giáo dân đích thực và trưởng thành mà các Nghị Phụ Công đồng mong muốn, bao hàm cả 5 mặt sau đây: (1) Nhân bản (2) Đời sống thiêng liêng hay tâm linh (3) Ý thức và Thái độ (4) Kỹ năng (5) và Kiến thức.
(1) Về mặt nhân bản, giáo dân được đào tạo để:
- a) Trở thành một con người hoàn thiện về mặt nhân bản, với những đức tính hướng thiện, công bằng, yêu thương, nhân ái, vị tha, thanh liêm chính trực, trọng chữ tín, trọng của công, có tinh thần trách nhiệm,
- b) Nhạy bén với các vấn đề xã hội, có tình liên đới với những người chung quanh.
(2) Về mặt thiêng liêng hay tâm linh, giáo dân được đào tạo để:
- a) Trở thành một Ki-tô hữu xác tín và dấn thân.
- b) Phát triển đời sống cầu nguyện và tình thân với Thiên Chúa.
- c) Tinh luyện động cơ phục vụ và lãnh đạo.
- d) Biết qui chiếu đời sống Đức Tin vào Đức Ki-tô và xây dựng đời sống ấy trên nền tảng Lời Chúa.
- e) Biết hội nhập văn hóa và Đức Tin một cách hài hòa.
(3) Về mặt ý thức và thái độ, giáo dân được đào tạo để có:
- a) Ý thức trách nhiệm xã hội.
- b) Ý thức các mối tương quan cộng đoàn và dành ưu tiên cho việc xây dựng cộng đoàn, cho cách làm việc chung, làm việc êkíp, nhóm.
- c) Thái độ khiêm tốn phục vụ, chia sẻ, giúp đỡ người khác.
(4) Về mặt kỹ năng, giáo dân được đào tạo để:
- a) Biết linh hoạt một Nhóm nhỏ hay một cộng đoàn lớn.
- b)Biết mời gọi, thuyết phục và ảnh hưởng trên người khác.
- c) Tinh luyện động cơ phục vụ và lãnh đạo.
- d)Biết hướng dẫn các buổi cử hành, nghi thức, cầu nguyện.
đ) Biết điều hành các buổi hội họp thảo luận hay chia sẻ.
- e) Biết cách giải quyết các xung đột, bất đồng.
- g) Biết cách truyền thông cho người khác.
- h) Biết lên kế hoạch mục vụ, thực hiện và đánh giá việc thực hiện (evaluation) kế hoạch ấy.
(5) Về mặt kiến thức, giáo dân được đào tạo để:
a) Có một hiểu biết thông thạo về giáo lý, thánh kinh, thần học.
b) Có một kiến thức tổng quát về các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, tôn giáo, môi sinh và các phương tiện thông tin đại chúng.
IV. PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO GIÁO DÂN
Giáo hội luôn quan tâm tới những khám phá và tiến bộ của con người trong mọi lãnh vực, nhất là lãnh vực giáo dục, nên Giáo hội hết sức chú trọng đến việc đem các tiến bộ tốt đẹp ấy ứng dụng vào trong công việc giáo dục của mình. Vì thế mà trong công cuộc đào tạo giáo dân, Giáo hội xử dụng nhiều phương pháp thích hợp và có giá trị, như:
1- Trau đồi kiến thức phải đi đôi với thực hành,
2- Giúp giáo dân tự đào tạo mình,
3- Đào tạo giáo dân qua cử hành Phụng vụ, Bí tích,
4- Đào tạo giáo dân bằng các Lớp, các Khóa học hỏi ngắn và dài ngày,
5- Đào tạo giáo dân qua các Hội đoàn Công giáo Tiến hành,
6- Đào tạo giáo dân qua các Phương tiện thông tin đại chúng: báo chí, sách sở, phim ảnh, website…
7- Đào tạo giáo dân qua các Hội nghị, các đợt Tĩnh Tâm.
V. THỜI GIAN VÀ MÔI TRƯỜNG ĐÀO TẠO GIÁO DÂN
Hẳn nhiên là công cuộc đào tạo giáo dân như thế thì không thể có điểm dừng, nghĩa là không bao giờ có thể nói là đã hoàn thành. Từ bé tới lớn, từ trẻ tới già luôn luôn là thời gian đào tạo.
Còn môi trường đào tạo thì chính là trong Giáo hội từ gia đình cho đến giáo xứ, giáo phận, cho đến Giáo hội toàn cầu. Trong các môi trường ấy phải kể đến các trường công giáo (từ tiểu đến trung và đại học) và các môi trường hội đoàn (xem Người Ki-tô hữu giáo dân, số 61-62).
VI. NHỮNG NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM ĐÀO TẠO GIÁO DÂN
Nói cho cùng, thì chính Thiên Chúa là Đấng đào tạo các Ki-tô hữu giáo dân cũng như giáo sĩ. Và chỉ một mình Đức Giê-su Ki-tô là Thầy, là Sư Phụ dậy dỗ và rèn luyện mọi người nên con cái Thiên Chúa, nên giống Ngài, để “Thầy nào trò nấy”. (Người Ki-tô hữu giáo dân, số 61). Nhưng Thiên Chúa và Đức Ki-tô cũng đã giao trách nhiệm đào tạo ấy cho các Tông đồ và đặc biệt là Tông đồ trưởng Phê-rô. Vì thế Đức Giáo hoàng và các Đức Giám mục là những người được Thiên Chúa giao phó công việc giáo dục đào tạo mọi thành phần Dân Chúa trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình: Đức Giáo hoàng thì trong phạm vi Giáo hội toàn cầu, các Giám mục thì trong phạm vi Giáo hội địa phương là giáo phận. Tông huấn Người Kitô hữu giáo dân khẳng định:
“Công cuộc giáo dục trước hết là công việc của Giáo hội toàn cầu. Đức Giáo hoàng giữ vai trò người giáo dục đầu tiên của giáo dân. Là người kế vị thánh Phê-rô, ngài cũng có sứ mệnh “củng cố anh em mình trong đức Tin” bằng cách dạy dỗ tất cả mọi tín hữu những yếu tố thiết yếu trong ơn gọi cũng như sứ vụ của Ki-tô giáo và Giáo hội. Không chỉ những lời do chính ngài đã loan báo, nhưng cả những gì được trình bày trong các văn kiện của các cơ quan khác nhau của Toà thánh đều cần được người giáo dân lắng nghe với lòng tuân phục kính yêu” (Người Ki-tô hữu giáo dân, số 61).
“Tại mỗi Giáo hội địa phương vị Giám mục có một trách nhiệm cá nhân đối với giáo dân. Ngài phải huấn luyện họ bằng cách loan báo Lời Chúa, cử hành Phụng vụ Thánh Thể và các Bí tích, làm sinh động và hướng dẫn đời sống Ki-tô hữu” (Người Ki-tô hữu giáo dân, số 61).
Trên thực tế các Giám mục thực hiện công việc quan trọng ấy bằng nhiều cách: thăm viếng, khuyên nhủ, giảng dậy trực tiếp hay gián tiếp tức qua các phương tiện truyền thông xã hội như thư từ, báo chí, sách vở, tài liệu và qua các cộng tác viên sống động là các linh mục. Cho nên sau Giám mục thì các linh mục, nhất là các linh mục chánh xứ, là người có trách nhiệm chính trong việc đào tạo huấn luyện giáo dân, vì như Tông huấn Người Ki-tô hữu giáo dân xác định:
“Giáo xứ giữ một vai trò thiết yếu trong việc huấn luyện cách trực tiếp hơn với từng giáo dân. Thực vậy giáo xứ có điều kiện dễ dàng để đến với riêng từng người, từng nhóm nên giáo xứ được kêu gọi đào tạo các phần tử của mình biết lắng nghe Lời Chúa, biết đối thoại với Chúa trong cử hành phụng vụ cũng như cầu nguyện riêng, biết sống bác ái huynh đệ, và đồng thời giáo xứ còn phải cho họ thấy được một cách trực tiếp và cụ thể, ý nghĩa của sự hiệp thông trong Giáo hội và của trách vụ Truyền Giáo” (Người Ki-tô hữu giáo dân, số 61).
Các Tu sĩ cũng có trách nhiệm tham gia một cách nào đó vào công việc đào tạo này, vì Tu sĩ cũng là thành phần Dân Chúa, mà đã là thành phần Dân Chúa thì không ai không có trách nhiệm xây dựng Thân Thể huyền nhiệm của Chúa Ki-tô là Giáo hội.
Sau cùng việc đào tạo hàng giáo dân trưởng thành còn là trách nhiệm của chính người giáo dân, nhất là của những người làm cha làm mẹ, làm huynh trưởng các phong trào giáo dân, các bậc đàn anh đàn chị trong các hội đoàn, tổ chức Công giáo tiến hành. Trong một số trường hợp thiếu linh mục hoặc các linh mục quá bận với công việc mục vụ hoặc các linh mục lơ là với việc đào tạo giáo dân, thì trách nhiệm đào tạo giáo dân của hàng giáo dân càng nặng nề và cấp bách hơn.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội