Thánh lễ Tạ Ơn được diễn ra vào lúc 9g30 ngày 05-7-2018 tại nguyện đường Bát Phúc, thuộc Tu Đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội, do Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, chủ tế. Đồng tế với ngài có Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM TGP Huế, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám quản Tông tòa TGP Sài Gòn, Đức cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám mục Giáo phận Komtum, Đức cha Giuse Nguyễn Thế Phương, Giám mục Giáo phận Kamloops, Canada; cùng cha Phaolô Trần Kỳ Minh, Tổng Đại diện Giáo phận Mỹ Tho, cha Giuse Hồ Sĩ Hữu, Tổng Đại diện Giáo phận Phan Thiết và đông đảo quý cha trong và ngoài Giáo phận. Tham dự thánh lễ có tu sĩ nam nữ thuộc 2 Tu Đoàn Nam Nữ Bác Ái Xã Hội, ân thân nhân của Cha Phêrô và quý khách.
Mở đầu thánh lễ, cha Tổng Đại diện Giáo phận Phan Thiết giới thiệu về sự hiện diện của các Đức cha và gửi lời chúc mừng đến cha Phêrô. Sau đó, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, thay mặt HĐGM Việt Nam gửi lời chúc mừng đến cha Phêrô trong ngày kỷ niệm hồng ân Linh mục. Đại diện cho hai tu đoàn Nam Nữ Bác Ái Xã Hội gửi lời chúc mừng và lời cảm ơn đến cha Phêrô; cha đã thương và nhớ đến tình bạn hữu là Đức cha Cố Phaolô Nguyễn Thanh Hoan để về làm linh giám cho Tu đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội cũng như vun đắp, trợ giúp cho những dự định còn dang dở của Đức cha Cố Phaolô dành cho hai tu đoàn.
Linh mục là một sáng kiến và do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa ban tặng, với con số 50 năm mà không phải bất kỳ linh mục nào cũng dám mơ tới. Con đường dài với những gập ghềnh, khúc khuỷu nhưng đong đầy “hồng ân của Thiên Chúa”. Chính vì thế, thánh lễ Tạ Ơn cha Phêrô xin dâng lời tạ ơn, chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa về ơn gọi linh mục của mình.
Thánh lễ tạ ơn khép lại lúc 11g15. Sau Thánh lễ, quý Đức cha và quý cha chụp chung hình lưu niệm với cha Phêrô tại cung thánh của nguyện đường. Vâng, một chút thời gian nhìn lại hành trình ơn gọi linh mục của cha Phêrô. Cuộc đời của cha Phêrô là chuỗi ngày phục vụ, cống hiến với một niềm xác tín. Và với mỗi miền đất cha đặt chân đến đều được ghi những dấu ấn đặc biệt. Xin Chúa ban cho cha những năm tháng tiếp theo cuộc đời tràn đầy sức khỏe và niềm vui sau những ngày tháng dấn thân cống hiến cho Giáo Hội.
Tiểu sử cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết
Cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết sinh ngày 31 tháng 12 năm 1938, tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo xứ Bảo Nham, Giáo hạt Bảo Nham, Giáo phận Vinh. Mới lên hai, lúc vừa chập chững tập bước những bước chân đầu đời, cậu Thiết đã phải mồ côi mẹ. Từ năm 1940 đến năm 1946, cậu sống với ông bà ngoại tại Mỹ Dụ (thuộc Hưng Châu, Hưng Nguyên, Nghệ An). Từ 1946 đến 1949, cậu sống với bố tại Vạn Lộc (thuộc Nam Lộc, Nam Đàn, Nghệ An). Ba năm sau đó, tức là từ 1949 đến 1951, cậu Thiết lại trở về đất Yên Thành sống với bà nội và chú Nguyễn Khắc Nhường tại giáo xứ Rú Đất.
Dù tuổi thơ bôn ba đây đó nhưng như một lời mời gọi “từ trong lòng thân mẫu”, Chúa đã chọn gọi cậu Thiết đi theo tiếng gọi làm môn đệ của Ngài. Năm 1951, cậu thi đậu vào Trường tập Xuân Phong (Diễn Châu, Nghệ An). Và từ 1951, cậu Thiết tu học tại đây cho đến năm 1954.
Năm 1954, với nhiều biến chuyển về tình hình chính trị tại Đông Dương, tuyên bố chung của Hiệp định Geneve tháng 7 năm 1954 cho phép dân chúng đi lại giữa các miền lãnh thổ tạm thời được phân chia. Cùng với phong trào di cư của rất đông cư dân miền Bắc, năm 1954, cậu Thiết đã theo cha Quyền và thầy Hoan (Đức cố Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan) trên con thuyền buồm vào Nam. Trong hành trình Nam tiến đầy gian khổ và mạo hiểm, thầy Hoan như là người anh đã dìu dắt và hướng dẫn cậu Thiết để anh em cùng tiếp tục lý tưởng đời tu và “an cư” trong môi trường mới. Từ năm 1954 đến 1960, thầy Thiết học tại Tiểu chủng viện của các giáo phận di cư: Vinh, Thanh Hóa, Bùi Chu và Hà Nội tại Sài Gòn và tốt nghiệp với văn bằng tú tài toàn phần. Từ năm 1960 đến 1962, thầy Thiết vừa là sinh viên ban triết học Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, vừa dạy học tại Tiểu chủng viện Tam Hà (Thủ Đức) của Giáo phận Vinh di cư. Năm 1963, thầy Thiết tốt nghiệp Đại học Văn Khoa Sài Gòn với văn bằng cử nhân giáo khoa Triết Đông và Tây. Sau đó, thầy gia nhập Giáo phận Cần Thơ theo chỉ thị của Tòa Thánh đối với các chủng sinh và linh mục của các giáo phận di cư ở Việt Nam. Năm 1962 đến 1964, thầy học chương trình triết học (triết 1 và năm triết 2) tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
Năm 1964, Đức Giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền, Giám mục Giáo phận Cần Thơ, gửi thầy Thiết đi du học tại Roma, nước Ý. Trong thời gian du học tại nước ngoài, con đường ơn gọi của thầy như đã chín mùi. Và hồng phúc lớn lao đến với thầy, ngày 29 tháng 6 năm 1968, Đức Hồng y Agagianian, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo, nay gọi là Thánh Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, đã đặt tay phong chức linh mục cho thầy Phêrô Nguyễn Chí Thiết. Năm 1970, cha Phêrô tốt nghiệp với văn bằng tiến sĩ thần học tại Trường Truyền giáo Roma. Sau khi tốt nghiệp chương trình du học tại Roma, cha Phêrô hồi hương và được bổ nhiệm làm giáo sư Triết Đông tại Đại Chủng viện Vĩnh Long từ 1970–1974. Sau bốn năm làm giáo sư Đại chủng viện, năm 1974, Giám mục Giáo phận Cần Thơ, lúc bấy giờ là Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, lại gửi cha Phêrô du học chương trình Triết Đông tại Đài Loan.
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, tình hình chính trị tại Việt Nam phức tạp và nhiều chuyển biến. Cha Phêrô không thể về nước phục vụ được. Và từ năm 1976, sau khi xong chương trình triết tại Đài Loan, cha Phêrô qua Pháp định cư và phục vụ tại đây. Từ năm 1976 đến năm 2007, cha làm tuyên úy cho dòng kín Saint Germain en Laye, đồng thời sáng lập và lo mục vụ cho cộng đoàn giáo dân Đông Nam Á tại Giáo phận Versailles, Pháp. Trong thời gian này, cùng với chương trình mục vụ tại Pháp, cha Phêrô đã qua Israel học tiếng Do thái tại Jerusalem từ 1976-1977. Và từ đây, với lòng yêu mến Chúa nồng nàn và say mê những di tích cổ thời trong lịch sử Cựu Ước và Tân Ước, cùng với khả năng thông thạo tiếng Do thái và nhiều ngôn ngữ khác, cha Phêrô thường xuyên tổ chức và chuyên hướng dẫn các đoàn hành hương Thánh Địa. Tính đến nay, với ở tuổi bát tuần, cha Phêrô cũng đã tham gia hướng dẫn 81 đoàn hành hương Thánh Địa. Năm 1976–1978, cha Phêrô theo học cổ ngữ Do thái, Hy Lạp, Aramen, tại Institut Catholique de Paris và tốt nghiệp văn bằng Cao đẳng cổ ngữ Thánh Kinh tại đây. Cùng thời gian này, năm 1977, ngài học tiếng Đức tại Freiburg en Breigau, nước Đức.
Từ năm 2002 đến năm 2007, cha Phêrô theo học tiếng Trung tại Đài Loan, đồng thời làm giáo sư dạy Hy Lạp Tân Ước tại Đại học Fujen, Taiwan. Ngoài ra, cha cũng là giáo sư Thần học căn bản và Linh hứng tại các học viện và đại chủng viện tại Trung Hoa lục địa.
Cũng từ năm 2002, cha Phêrô thường xuyên về quê hương và tham gia giảng dạy Triết Đông tại nhiều đại chủng viện Việt Nam. Từ năm 2007 đến 2016, cha được Hội đồng Giám mục Việt Nam tín nhiệm giao trọng trách Trưởng Ban biên soạn Từ điển Công giáo của Hội đồng Giám mục. Từ năm 2015, theo lời mời của Tu đoàn Bác Ái Xã Hội và được sự chấp thuận của Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục Giáo phận Phan Thiết, cũng như Đấng Bản quyền sở tại Giáo phận Versailles – Pháp, cha Phêrô về làm cố vấn và giảng dạy cho Tu đoàn Bác Ái Xã Hội – Phan Thiết. Và từ 2017 đến nay, cùng với sứ vụ giáo sư tại nhiều đại chủng viện, làm việc trong ban từ điển, hướng dẫn đoàn hành hương Thánh Địa, cha được Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám quản Tông Tòa giáo phận Phan Thiết, bổ nhiệm làm linh giám cho Tu đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội.
Tám mươi tuổi đời, năm mươi năm hồng ân trong thánh chức linh mục, quả là một chặng đường dài thấm đầy nước mắt và gian khổ. Nhưng cũng là quãng thời gian đong đầy ân sủng và tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho vị mục tử như lòng Chúa mong ước. Đúng như lời Thánh vịnh đã cất lên:
“Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1).
Bài giảng của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trong Thánh lễ
Đức cha và cha Thiết đều có thời sinh sống tại Giáo phận Cần Thơ nhưng không ở Cần Thơ lâu, gặp nhau trong Ủy ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGM Việt Nam, lúc đó do Đức Tổng giám mục Phaolô Đọc làm Chủ tịch, Đức cha Khảm là Thư ký Ủy ban; khi đó cha Thiết được mời về làm trưởng nhóm Tự Vị. Vì thế, Cha Thiết đã nhờ Đức cha giảng lễ.
Các bài đọc trong Thánh lễ là do chính cha Thiết chọn và chắc hẳn những văn bản này là nguồn cảm hứng cho đời sống linh mục của cha. Vậy chúng ta có thể lắng nghe được những điều gì từ những văn bản này?
Ý tưởng chủ đạo được lập đi lập lại trong các bài đọc kinh thánh là niềm xác tín rằng mình được gọi và được chọn.
Bài đọc I nói về ơn gọi của ngôn sứ Giêrêmia. Chúa phán với Giêrêmia: “Trước khi ngươi thành hình trong lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi”. Cùng một ý hướng, trong bài đọc 2, tác giả thư Hipri khẳng định: “Không ai tự gán cho mình vinh dự là thượng Tế, nhưng phải được Thiên Chúa kêu gọi”. Khẳng định đó lại càng mạnh mẽ hơn nữa trong bài Tin Mừng khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em…”
Tất cả đều làm nổi bật ý nghĩa ơn gọi đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ những tính toán của con người như khi người ta chọn một nghề để sinh sống.
Trong Kinh Thánh, ơn gọi gắn liền với sứ mệnh. Nếu một người thật sự xác tín ơn gọi đến từ Thiên Chúa thì người đó sẽ ý thức rằng những việc mình làm và ngay cả hiện hữu của mình cũng là sứ mệnh Chúa trao, chứ không phải chuyện tính toán của loài người hay chuyện may rủi của định mệnh. Trong Tông huấn Niềm vui Phúc Âm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết một câu rất quyết liệt: “Sứ mệnh của tôi giữa lòng dân không chỉ là một phần của đời tôi hai cái phù hiệu mà tôi có thể gỡ bỏ… Trái lại, đó là một điều tôi không thể dứt bỏ nếu không muốn hủy hoại chính mình. Tôi là sứ mệnh trên trái đất này: Đó là lý do tại sao tôi có mặt trên trái đất này” (số 273). ĐGH không nói “tôi có một sứ mệnh”, nhưng ngài nói “Tôi là…”. chính hiện hữu và con người tôi là sứ mệnh. Nếu chính hiện hữu và cuộc đời tôi là sứ mệnh thì điều quan trọng không phải là bản thân tôi được hay mất cái gì, nhưng là sứ mệnh có được chu toàn không? Tôi có nói và làm đúng như Chúa muốn không, như Chúa nói với Giêrêmia: “Ta sai người đi đâu, người cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, người cứ nói”; hay là Chúa sai đến một nơi thì lại đi nơi khác (như Giôna); Chúa truyền nói một điều thì lại nói điều khác (như những tiên tri giả)!
Và chỉ khi thi hành như Chúa muốn, sứ mệnh mới sinh hoa trái và là những hoa trái tồn tại như Chúa Giêsu nói: “Chính thầy chọn anh em và đã cắt cử để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại”.
Vì xác tín rằng ơn gọi và sứ mệnh đến từ Thiên Chúa nên người được gọi vững tâm trước những nghịch cảnh của cuộc đời khi thi hành sứ mệnh. Hãy nhớ lại cuộc đời của ngôn sứ Giêrêmia với biết bao thử thách và đau khổ, đắng cay và tủi nhục đến nỗi ông nguyền rủa cả ngày sinh ra đời: “Con vô phúc quá, mẹ ơi, mẹ sinh ra con làm gì, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gổ với con” (15,10)? Hãy nhớ lại cuộc đời của các Thánh Tông đồ, những người trực tiếp nghe Chúa Giêsu tuyên bố “không phải các con đã chọn Thầy nhưng chính Thầy chọn các con”. Thế mà có mấy vị được chết trên giường hay toàn chết trong tù và ngoài đường? Được gọi và được chọn đấy, nhưng sao cuộc đời nhiều gian lao trắc trở quá! Không chỉ với những người theo Chúa, thư Do Thái còn viết về chính Chúa Giêsu: “Dầu là con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Thế nhưng dù đắng cay thế nào chăng nữa, lời cuối cùng của Chúa Giêsu và những người được chúa gọi vẫn không phải là “Sao Cha bỏ con” nhưng là “con phó sự sống trong tay Cha”.
Vì xác tín ơn gọi và sứ mệnh đến từ Thiên Chúa nên người được gọi khiêm tốn khi thành công và sám hối khi lầm lỗi. Khiêm tốn lúc thành côg vì đây là công trình của Chúa và do quyền năng của Ngài chứ không phải do khả năng riêng của ta đâu. Cùng với sự khiêm tốn là tâm tình sám hối vì chưa làm tròn sứ mạng được Chúa trao ban, như thư Do Thái viết: “Chính Thượng đế cũng đầy yếu đuối nên không những dâng lễ vật đền tội cho dân mà còn đền tội cho chính mình”.
Cộng đoàn quy tụ ở đây để cùng với cha Thiết dâng lễ tạ ơn Chúa nhân kỷ niệm 50 năm linh mục và mừng Thượng thọ bác tuần của ngài. Khi cha Thiết chọn các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, tôi nghĩ ngài muốn nói với chúng ta rằng xác tín vào ơn gọi linh mục, và chính niềm xác tín ấy đã là ánh sáng soi đường và nguồn sức mạnh cho đời linh mục của ngài xuống 50 năm qua.
Niềm xác tín ấy đã giúp ngài vững tâm giữa biết bao thử thách trong đời. Tôi không biết rõ nhưng hình dung sau biến cố 1975, cha Thiết – một linh mục trẻ, thông minh và tài năng – chắc phải hụt hẫng lắm khi không thể trở về Việt Nam và phải tìm cách thích nghi với một hoàn cảnh mới, một tương lai mình không ngờ tới. Nhớ có lần gặp nhau ở nhà thờ Đức Bà (thập niên 1990), ngài nói với tôi là nếu sang Pháp, phải làm quen với việc dâng lễ với nhóm nhóm nhỏ (bên Tây). Những hụt hẫng đó đã làm cho một số anh em hoang mang rồi rời bỏ đời sống linh mục, nhưng cha Thiết vẫn kiên trì với ơn gọi.
Niềm xác tín ấy đã giúp ngài định hướng và vận dụng những khả năng Chúa ban để thi hành sứ mệnh cách tốt đẹp nhất trong mọi hoàn cảnh. Cha không chỉ làm giáo sư nhưng còn làm cha xứ, tour-guide Thánh Địa! Chúa ban cho ngài nhiều khả năng: về mặt tri thức với kiến thức thần học uyên bác và khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ, ngoài ra còn có khả năng quy tụ anh chị em và làm việc chung. Những khả năng đó được vận dụng để thực hiện những công trình tốt đẹp cho Hội Thánh. Cụ thể với Hội Thánh Việt Nam, ta không thể không nói tới công trình Từ Điển Công Giáo (vừa đòi hỏi kiến thức sâu rộng, vừa đòi hỏi sự kiên trì tỉ mỉ). Nhắc đến công trình này cho phép tôi thay lời HĐGM để bày tỏ lòng biết ơn với sự cống hiến quý báu của cha cho đời sống và sứ vụ của Hội Thánh tại Việt Nam.
Nếu niềm xác tín vào ơn gọi đã là ánh sáng soi đường và nguồn sức mạnh cho cha Thiết trong 50 năm qua, thì điều mà chúng ta phải cùng với ngài tạ ơn Chúa cách đặc biệt hôm nay chính là hồng ân thánh chức linh mục: “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em”. Vâng, mọi sự khác, mọi công trình khác chỉ là chuyện nhắc đến sau, còn điều chính yếu nhất là hồng ân thánh chức linh mục. Một trong những nhân vật nổi tiếng của Giáo Hội Công giáo Hoa Kỳ là cha Theodore Martin Hesburgh – Viện trưởng Đại học Notre Dame suốt 35 năm, được trao tặng 150 bằng tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học. Nổi tiếng như thế nhưng khi được hỏi rằng một mai khi qua đời ngài muốn được ghi ở trên bia mộ điều gì? Ngài trả lời rất vắn tắt: “Ghi là linh mục Theodore Martin Hesburgh”. Thế thôi. Là linh mục, đủ rồi.
Linh mục đúng là ơn gọi và là danh xinh đẹp nhất. Vì lẽ ấy, xin cùng với cộng đoàn ở đây chúc mừng linh mục Phêrô Nguyễn Chí Thiết trong ngày rất đáng nhớ hôm nay.
Ban Truyền thông
Giáo phận Phan Thiết