GPVO (8/3/2023) – Mùa Chay không chỉ là thời gian mời gọi các tín hữu ăn chay, sám hối, cầu nguyện nhưng còn là thời gian đặc biệt để nhắc nhở cho các tín hữu biết chia sẻ cơm bánh với những ai nghèo hèn, khốn khó; thăm viếng những mảnh đời bất hạnh; thực thi công bình bác ái; quý yêu nhân nghĩa. Đó cũng là tâm tình ăn chay mà Thiên Chúa mong muốn khi đã phán với dân Ítraen qua miệng ngôn sứ Isaia xưa: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,6-7).
Mang tâm tình của những người môn đệ Chúa Kitô, Quý cha và quý thầy Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê đã có chuyến thăm mục vụ bác ái tại trại phong Quỳnh Lập. Chuyến mục vụ như là tiếng đáp trả lời mời gọi của Đức Kitô trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu: “Hãy chăm sóc người này!” (Lc 10,35) và như lời của thông điệp Fratelli Tutti nhắn nhủ: “Chúng ta được dựng nên để sống sung mãn, là điều chỉ đạt được trong tình yêu. Sống thờ ơ với đau khổ không phải là một lựa chọn khả thi” (số 68).
Đoàn xe đưa quý cha giáo và quý thầy rời Chủng viện vào lúc 8h00 sáng, trải qua quãng đường dài hơn 80km, chúng tôi đặt chân đến làng phong Quỳnh Lập (xã Quỳnh Lập – thị xã Hoàng Mai – Nghệ An) vào lúc 9h30. Bước xuống xe, quan sát xung quanh, chúng tôi nhận thấy quang cảnh làng phong thật yên ắng và trầm lặng. Bên ngoài những căn nhà cấp bốn được xây kiên cố có đôi ba bệnh nhân đang ngồi sưởi nắng và vãn chuyện với nhau. Nghe những nhân viên của trại phong thông báo hôm nay có đoàn của quý cha và quý thầy tới thăm, các bệnh nhân ở các gia đình dắt dìu nhau bước ra hành lang vui cười chào đón chúng tôi.
Bước vào bệnh viện phong Quỳnh Lập, chúng tôi đón nhận sự tiếp đón ân cần đến từ quý xơ đang phục vụ tại đây. Các bệnh nhân tuy bị căn bệnh quái ác cướp đi một phần thân thể, có người phải ngồi xe lăn, có người phải chống nạng, nhưng khuôn mặt vẫn rạng lên niềm phấn khởi vui mừng. Các bệnh nhân ở đây có người bị khiếm khuyết về tay hoặc chân, người thì bị mất một bộ phận nào đó trên thân thể, nhưng họ vẫn không đánh mất niềm hi vọng. Họ chào đón chúng tôi bằng những nụ cười thân thiện, bằng những cái bắt tay gần gũi thân thương, bằng những lời thăm hỏi chan chứa tình người. Đó là bằng chứng cho niềm hi vọng vào sức sống mãnh liệt của hình ảnh Đức Kitô chịu khổ nạn nhưng vẫn trung kiên vác thánh giá mỗi ngày trong những phận người bất hạnh, khổ đau.
Sau phần tiếp đón, quý thầy chia thành từng nhóm để thăm hỏi, tặng quà cho từng gia đình bệnh nhân. Từ đó, quý thầy có cơ hội trực tiếp trò chuyện, chia sẻ với từng mảnh đời bất hạnh xấu số, cảm nhận những nổi đau về thể lý và sự xa cách kỳ thị về tinh thần mà những bệnh nhân phong cùi phải chịu đựng. Tuy nhiên, cũng có những chia sẻ tích cực, những câu chuyện cảm động của những bệnh nhân trải qua quãng thời gian hòa nhập ở trại phong.
Sơ Maria Minh Nguyện, một nữ tu đã hơn 15 năm gắn bó chăm sóc các bệnh nhân phong cùi chia sẻ với chúng tôi: “Các bệnh nhân ở đây, ai ai cũng quý trọng sự sống, dù buộc phải tháo các khớp tay khớp chân nhưng họ không hề muốn như vậy. Tuy nhiên, điều khiến họ vẫn luôn canh cánh trong lòng là sự mặc cảm với bản thân, nỗi cô đơn vì sợ người đời xa lánh. Có những người suốt một đời làm bạn với giường bệnh, nếu muốn nhìn thấy ánh mặt trời thì phải gắng gượng lê lết ra khỏi giường. Có những bệnh nhân suốt một đời không có người thân đến thăm, vì họ bị kỳ thị. Có những bệnh nhân có con cháu đã lớn nhưng họ vẫn mãi giấu thân phận của mình để cho con cháu được sống cuộc đời bình thường như bao con người khác”. Xơ cũng cho biết thêm: “Đa số các bệnh nhân ở đây đều đã được khống chế về vi khuẩn lây bệnh nên đã từ lâu không còn có nguy cơ lây nhiễm qua đường sinh hoạt, vì thế chúng ta có thể tiếp xúc với họ một cách bình thường”.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Phan Thị Thường, quê ở Hà Tĩnh, một bệnh nhân đã vào đây từ năm 1998, lúc đó chị mới 18 tuổi, nay chị đã lấy chồng, người chồng cũng là một bệnh nhân mắc bệnh phong, cho biết: “Cuộc sống ở đây rất dễ cảm thông, bởi đây toàn là những người cùng cảnh ngộ. Về vật chất chúng con sống nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài, sự hỗ trợ từ xã hội nên cũng đủ sống qua ngày, cuộc sống không phải bon chen, tính toán. Nhưng vì chúng con mang trên mình di chứng của căn bệnh phong nên dễ bị người đời kỳ thị xa lánh. Chính vì mặc cảm bệnh tật mà con cũng ít khi về quê, người nhà cũng ít khi lui tới thăm viếng, săn sóc”.
Cao điểm của chuyến mục vụ là thánh lễ Chúa nhật II Mùa Chay diễn ra tại nhà nguyện của trung tâm trại phong Quỳnh Lập. Chia sẻ trong thánh lễ, cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Đại Chủng viện nhấn mạnh tới cộng đoàn tham dự: “Con đường theo Chúa là con đường bước qua khổ giá đến vinh quang Phục sinh. Hôm nay, chúng tôi ở đây với anh chị em, anh chị em hãy coi mình như đang chịu đau khổ, đang chịu đóng đinh với Đức Kitô. Dù sướng hay khổ, vui hay buồn, đớn đau hay thất vọng, chúng ta hãy nhìn thấy Chúa Giêsu đang ở với chúng ta. Với những đau khổ hôm nay, chúng ta tin chắc rằng sẽ có ngày được Phục sinh với Chúa”. Qua đó, ngài mời gọi các bệnh nhân hãy có niềm tin vào cuộc sống và cách đặc biệt hãy đặt niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh, bởi Ngài đã chiến thắng những đau khổ của kiếp người.
Kết thúc thánh lễ cũng là lúc đoàn chúng tôi nói lời chia tay trại phong để trở về Đại Chủng viện. Tuy giây phút thăm viếng và gặp gỡ các bệnh nhân quá vắn vỏi nhưng đã đọng lại trong mỗi chúng tôi bao nỗi niềm khắc khoải: Khắc khoải về những phận người đau khổ nhưng vẫn đong đầy niềm tin vào cuộc sống, khắc khoải về những con người tuy khiếm khuyết về thể lý nhưng tâm hồn vẫn chứa chan niềm hi vọng vào tương lai, khắc khoải về những chi thể của Đức Kitô vẫn còn mang lấy thập giá mỗi ngày trong thực tại nhân sinh. Ước mong tình yêu của Đức Kitô sẽ xoa dịu nỗi đau về thể lý và lấp đầy bao tâm hồn vẫn còn mang thương tổn của phận người.
Ban Truyền thông Đại Chủng viện