Từ bao giờ, Ngài gọi con?

TỪ BAO GIỜ, NGÀI GỌI CON?

(Bài viết tham gia Dự án sách: “Đi tu có gì vui không?” – Dự án sách của 35 linh mục, chủng sinh, tu sĩ của các hội dòng trong nước và đang tu học tại hải ngoại)

Tôi sinh ra và lớn lên ở một xứ đạo in đậm dấu chân của những người nữ tu Mến Thánh Giá trong suốt hơn 300 năm lịch sử. Hướng Phương – mảnh đất được ví như cái nôi đức tin của cả vùng Bình Chính (Quảng Bình) xưa. Không biết từ bao giờ, hình bóng của những người nữ tu chân quê ấy đã đi sâu vào tâm hồn, thôi thúc tôi dấn thân vào lối sống này, bởi cung cách hiện diện của các chị như một sự hấp dẫn tâm hồn tôi. Lớn lên bên những gánh củi, sọt cỏ tuổi thơ, cứ mỗi lần trên đường đi làm về, tôi đều dừng lại chốc lát trước cổng tu viện, tò mò nhìn vào bên trong với một nỗi khắc khoải đến khó tả… Được làm “cô bé hàng xóm của tu viện”, theo dòng thời gian, tôi nhận ra càng ngày mình càng “nghiện” đi tu!!!

Kỷ niệm nguyên sơ nhất còn phảng phất trong tâm trí về ước muốn đi tu là lúc tôi mới chỉ khoảng 8 tuổi. Hồi ấy, ba tôi bị bệnh rất nặng phải đi phẫu thuật ở Bệnh viện Trung ương Huế. Mấy người hàng xóm cứ hù tôi rằng: “Con phải cầu nguyện thật nhiều không ba con chết sớm đó!”. Nghe thế, tôi khóc ré lên, không ai dỗ được. Một hôm, có mẹ bề trên và các sơ ghé nhà thăm ba. Lúc đó, thấy các sơ đến nhà, tôi thích lắm, cứ nép mình trong xó để nhìn. Mẹ bề trên thấy con bé tròn trịa, mũm mĩm liền kéo lại âu yếm: “Con có đi tu giống như dì Huệ không?”. Chả là dì của tôi cũng đi tu ở đây. Khi đó, không hiểu sao, tôi nhìn ba và trả lời cách hồn nhiên:

– Nếu Chúa cho ba con khỏi bệnh, nếu ba không chết thì con sẽ đi tu.

Sau này, mỗi lần ngồi suy gẫm lại điểm xuất phát đầu tiên của mình, tôi cứ hỏi Chúa: “Vậy ra, con đã đặt điều kiện cho Chúa rồi mới đi tu sao?”. Nhưng tôi hiểu rằng, cái câu nói ấy chẳng có tác động mạnh mẽ cho bằng cái cảm giác khó tả ẩn sâu bên trong cùng với một tiếng gọi linh thánh và mãnh liệt khiến tôi có một lối sống khác đi với đồng bạn. Tuổi thơ cứ lặng lẽ trôi với những nỗi khát khao âm ỉ rực cháy trong tâm hồn. Với sự định hướng của cả gia đình, tôi đi đến quyết định là sẽ nhập dòng khi cầm trên tay tấm vé vào đại học bởi vào đại học là mẫu số chung cho cả chín anh chị em trong gia đình tôi. Lúc ấy, dù chúng tôi ít khi có được bữa no nhưng đứa nào cũng chăm học vì ba tôi cứ bảo: “Ăn cháo thì cũng ráng mà kiếm ít chữ!”. Đó là cách mà ba mẹ chuẩn bị tương lai và hành trang cho chúng tôi dù sau này có những đứa đi tu, có những đứa lập gia đình.

Đang lúc bản thân dâng tràn niềm hy vọng thì bầu trời cuộc đời bỗng dưng tối sầm lại khi tôi nhận được kết quả: “Chúc bạn may mắn năm sau!”. Thế là giấc mơ cầm tấm vé vào đại học để đi tu tạm thời phải trì hoãn thêm một năm. Đối với tôi, đây như là “cú ngã ngựa chia đôi cuộc đời”. Suốt một năm tạm dừng không đi tiếp, tôi phải trải qua những đêm dày mất định hướng, nhưng từ chốn tối tăm ấy đã bừng sáng lên những ngày đầy nội lực, ý chí và hy vọng. Rồi bao nỗi niềm mong mỏi cuối cùng cũng được thỏa chí toại lòng… Một năm sau, ngày tôi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học cũng là thời điểm tôi rời xa vòng tay gia đình, chính thức gia nhập Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh.

Còn nhớ chiều hôm nao, ba tôi chạy ra chợ quê mua mấy ký thịt lợn còn mẹ loay hoay đi xay một bao gạo chuẩn bị cho tôi nhập Dòng. Dù cái ngày mà tôi chờ đợi trong suốt nhiều năm đã đến nhưng không hiểu sao, trước giờ ra đi, tôi cứ bịn rịn đến độ nước mắt tràn ra. Từ nay, tôi rẽ sang một hướng mới của cuộc đời. Con đường này đòi hỏi một sự từ bỏ triệt để mà tôi không dám chắc là mình có đủ thanh thoát để bước trọn hay không. Sáng hôm sau, ba tôi lấy chiếc xe Honda chở “đồ lễ” và con gái đi ra mắt Nhà Dòng. Sau khi ba quay xe về nhà, tôi nước mắt vắn dài đi vào khu nội vi. Tuần lễ đầu tiên được sống trong tu viện thật khó quên. Cái cảm giác bẽn lẽn, bỡ ngỡ, ngại ngùng pha chút tự hào không lẫn vào đâu được trong “mớ tâm trạng ngổn ngang” của cuộc đời. Hôm qua, con bé còn mặc một cái áo sơ mi đi lễ mà hôm nay nó đã diện một bộ áo dài trắng tinh tuyền, tém mái tóc đuôi gà – mốt độc quyền của các masơ, lại ngồi trên hàng ghế dành riêng cho các tu sĩ nam nữ. Mấy đứa bạn của của nó ngây người ra, lẩm bẩm với nhau: “Nó nói là nó làm được à. Trông nó có vẻ có khiếu đi tu bẩm sinh ấy!”. Bữa đầu tiên tôi trình diện dân làng trong tư cách là một masơ nhí là thế đó!

Trong số chị em gia nhập cộng đoàn năm ấy, có một chị cũng đậu Đại học Ngoại ngữ Huế. Tôi mừng như mở cờ trong bụng. Thế là không phải lẻ bóng đi vào thành phố học một mình rồi. Hết ba tuần tập tu, hai chị em chúng tôi khăn gói đi Huế, bắt đầu một hành trình vừa tu vừa học. Mới đầu, hai chị em còn thuê một phòng trọ. Sau đó, Hội Dòng quy tụ toàn bộ chị em của các cộng đoàn về một nhà nên chúng tôi cũng chuyển về đó. Tất cả là gần 40 người và có một chị phụ trách coi sóc chúng tôi. Dù đang là sinh viên nhưng chúng tôi cũng làm nên một cộng đoàn tu đích thực. Mọi việc đều có phiên thứ, không ai được miễn trừ công việc bổn phận, học giáo lý, nhân bản, linh đạo cùng với việc tham gia các hoạt động phục vụ giáo xứ nơi mà chúng tôi ở.

Về phần công việc học hành, vì xuất phát từ nông thôn, tôi cảm thấy mình có một sự thua thiệt không hề nhỏ so với các bạn đồng khóa, từ kiến thức nền cho đến mọi điều kiện học tập. Đã thế, tôi lại ở trong môi trường tu viện, thử thách lại chồng thử thách. Dù lạc loài giữa hàng ngàn sinh viên ngoại ngữ thời thượng, sang chảnh nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng hay xấu hổ vì mình là một masơ. Ngược lại, tôi cảm thấy vui khi bản thân trở thành chủ đề cho nhiều câu hỏi “Tại sao?” ở mỗi lớp học mà tôi tham gia. Thật hạnh phúc khi masơ nhí lại được thầy cô cùng bạn bè thương mến và trân trọng cách đặc biệt. Điều này trở nên động lực để tôi vươn lên, nhanh chóng đuổi kịp và đôi khi vượt xa nhiều bạn trong khoa để đạt được các suất học bổng. Thế mà, tôi đã từng e ngại rằng việc vừa nhập dòng vừa học hành sẽ đánh mất tự do và hạn chế nhiều khả năng của tôi. Mấy đứa bạn của tôi cũng đồng suy nghĩ như vậy nên họ chẳng dám nhập dòng. Tuy nhiên, nghiệm lại mới thấy, nếu ai có ý hướng đi tu thực sự thì người ta không thể trì hoàn những năm tháng được ở trong nhà Chúa và những thách đố xảy đến sẽ làm cho họ cứng cáp hơn trên những bước tiến mới. May nhờ vừa tu vừa học nên ơn gọi của tôi vẫn được bảo toàn còn mấy đứa bạn khác rủ nhau học xong đại học mới vào thì cuối cùng lại rẽ sang một hướng đi khác. Xong bốn năm đại học, tôi được Nhà Dòng cho phép học lên cao học nhằm đi sâu vào chuyên ngành Lý luận và Phương pháp Giảng dạy Bộ môn Tiếng Anh. Cứ thế, tôi tiếp tục những tháng ngày dùi mài kinh sử nơi xứ người mà không biết từ lúc nào tôi đã yêu miền đất thơ mộng ấy!

Quãng đường tu học đã kết thúc. Đối với tôi, đây là chặng đường quan trọng, hun đúc nên “một tôi mới” về mọi phương diện. Trải qua biết bao gian khó và khổ lụy, tôi nhận thấy bản thân mình trở nên “giàu có”. Tôi đã tích góp cho mình nhiều tri thức mới mẻ, những kỹ năng sống mới, những trải nghiệm đời sống cộng đoàn và quý giá nhất có lẽ là một bầu trời kỷ niệm có sự hiện diện của những gương mặt làm nên sự trưởng thành của tôi. Trên chặng đường này, đã có lúc tôi phải gồng mình bám trụ vào tiếng gọi thuở ban đầu để nói không với những cơn cám dỗ ngọt ngào: một lời gợi ý tiếp tục học lên, một lời mời làm việc, một chút rung động đầu đời, một lời ngỏ chuyển dòng… Những thử thách ấy dù chưa đủ mạnh để đánh đổ hay chuyển hướng ơn gọi hiện tại của tôi nhưng cũng đủ để làm cho lý trí và con tim tôi phải giằng co, phân bua, thậm chí tranh đấu cho đến độ nước mắt phải chảy ngược vào trong tim…

Tạm biệt Huế, tôi về cộng đoàn gốc ở Quảng Bình và sau đó được chuyển ra cộng đoàn Nhà Mẹ ở Xã Đoài để bắt đầu cho một hành trình mới. Gác lại những năm tháng ồn ào nơi giảng đường, tôi chìm vào môi trường thinh lặng thánh thiêng, nhìn lại lịch sử ơn gọi cuộc đời. Thời gian cứ thế trôi. Sau bốn năm, tôi trải qua giai đoạn huấn luyện, được đi thực tập mục vụ giáo xứ, rồi sau đó chuẩn bị cho thánh lễ tuyên khấn của mình. Ngày hồng phúc đã gần kề, niềm vui vẫn còn đang lan tỏa, bỗng chốc dịch bệnh Côrôna bùng phát nơi đây. Tin này như “thắt chặt trái tim” còn đang nôn nao của chị em chúng tôi, người thân cùng toàn thể Hội Dòng. Tình hình khó khăn như thách thức đánh đổ bức tranh tuyệt đẹp về ngày lễ khấn trong mơ với sự hiện diện đông đủ của gia đình, thầy cô và bạn bè khắp nơi. Tôi cảm thấy chạnh lòng pha chút trống vắng. Ngày người ta khấn dòng thì linh đình, náo nhiệt còn tôi khấn dòng lại âm thầm, nhẹ nhàng trong cái sâu lắng pha chút bùi ngùi thời Covid. Những tưởng ba mẹ không thể đến được nhưng đến giờ phút cuối, họ đã xuất hiện, dù không thể tận tay dắt tôi lên bàn thờ. Với tôi mà nói, sự hiện diện của họ trong bối cảnh đại dịch khốn quẫn là cả một phép màu lớn lao của lòng thương xót. Tôi nghiệm thấy Thiên Chúa đã không lôi mình đi tu một cách xềnh xệch, vồn vã như con người đã từng lôi kéo nhau nhưng Người đã dẫn dắt tôi đi với sự ưu ái, kiên nhẫn, tôn trọng và bằng một tình yêu tín thành, không hề đổi thay, đi qua cả cái chết. Với lời khấn ước trong dòng nước mắt hạnh phúc, giao ước đời thành hiến đã mở ra cho tôi một chân trời mới, chân trời của sự “tự hủy” để “tái sinh”!

Thời gian mới đó mà vụt trôi thật nhanh. Cảm xúc ngày khấn dòng còn đang dịu ngọt trên môi mà thấm thoắt đã một năm rưỡi trôi qua. Hôm nay… ngày tĩnh tâm… tôi đứng trên sân thượng, chìm giữa đất trời, nhắm mắt cảm nhận từ trong tiềm thức bao la, mơ hồ như có những tiếng thân thương của “những ai đó” vọng lại, gửi gắm lòng tin, khích lệ, động viên cho hành trình đời dâng hiến mà tôi đã và đang tiến bước. Nổi lên giữa những âm thanh mơ hồ đó vẫn cứ là Tiếng Gọi linh thánh thuở ban đầu vang vọng lên, mời gọi tôi tiếp tục bước tới. Tôi không biết “Từ bao giờ, Ngài đã gọi tôi?” nhưng tôi chỉ ý thức được rằng “Ngài đã gọi, và rồi, Ngài cũng sẽ tiếp tục gọi. Không chỉ gọi một lần trong đời nhưng sẽ gọi trọn đời”. Có lẽ, ngoài kia, có không ít người trẻ cũng đang nghe thấy một Tiếng Gọi nhưng nhiều bạn chưa thể “cân đo đong đếm” được sức nặng của Tiếng Gọi ấy. Ước mong rằng, các bạn sẽ đi sâu vào cõi thinh lặng của tâm hồn, vạch ra nấc thang giá trị cuộc đời và hãy can đảm đáp lời khi con tim mình chẳng thể cưỡng lại lời mời gọi đi tu!

Cây Bút Chì, MTG Vinh

Thư ngỏ: V/v Tham gia viết bài cho các tập tiếp theo của cuốn sách:
“Đi tu có vui không?” Câu chuyện đời tu thế hệ 8x và 9x

 Cách thức tham gia:

– Bài viết do anh chị em tự viết về hành trình ơn gọi của chính mình (xin không sưu tầm hoặc từng đăng tải ở nơi khác).

– Thể loại: Vocation story- Tự sự về hành trình ơn gọi.

– Nội dung: Dưới đây là một số gợi ý, anh chị em có thể tham khảo:

+ Lần đầu tiên tôi nhận ra ơn gọi là khi nào?

+ Cơ duyên nào khiến tôi biết đến nhà dòng, chủng viện?

+ Tại sao tôi lại chọn lối tu này?

+ Những khó khăn thử thách trên bước đường tu tập là gì?

+ Kỷ niệm ấn tượng nhất trong hành trình đời tu?

+ Tôi muốn nhắn nhủ điều gì tới các bạn trẻ đang phân định ơn gọi?

+ Mạng xã hội tác động ra sao tới hành trình ơn gọi?

+ Cần làm gì để có thể quảng bá ơn gọi một cách hiệu quả trước những nguy cơ của một xã hội đang tục hóa?

– Quy cách trình bày:

– Tối đa khoảng 2000-3000 chữ, size 12, line spacing 1.5, canh lề đều 2,54 cm.

Xin gửi bài vào hòm thư điện tử của thầy chủ biên Giuse Vũ Đức Trung, Dòng Chúa Cứu Thế – Tỉnh Dòng Úc Châu: [email protected]

Mua sách online: tại đây