GPVO (29/11/2022) – Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là Công giáo loan tin về 1 nữ tu người Ý rời khỏi nhà tu để theo sự nghiệp ca hát của mình. Cô sang Tây Ban Nha để thực hiện đam mê và sở thích của mình. Thôi thì đủ thứ bình luận kèm theo bản tin ấy. Có người thì đồng tình và cũng có người chỉ trích rằng nữ tu ấy thích chạy theo danh vọng, tiền bạc.
Chả phải vị nữ tu này rời khỏi nhà tu hay gọi là chuyển hướng ơn gọi. Lâu nay cũng có những người đi một chặng đường trong con đường tu trì nhưng rồi một lý do nào đó hay đến lúc nào đó họ chuyển hướng. Xem chừng cũng là bình thường vì đó là tự do chọn lựa của mỗi người.
Thật sự nói và nghĩ một cách nghiêm túc thì ơn gọi tu trì đến từ Thiên Chúa và qua lời đáp trả của con người. Chả phải nói vào nhà tu là vào hay nói ra là ra. Tu là một hành trình dài cho đến chết cũng như là một hành trình mời gọi người sống đời thánh hiến đáp trả.
Như đã nói, không phải ai bước vào đời tu cũng sẽ đi trọn vẹn con đường của mình đã chọn. Đâu đó ta vẫn thấy những người gọi là xuất tu. Chuyện xuất tu của những người đó đều có lý do và họ là người hơn ai hết hiểu chọn lựa của họ. Những người đứng ở ngoài hay bàn tán cũng như bình luận bằng những lối suy nghĩ riêng của mỗi người.
Với tôi, rời bỏ nhà tu hay chuyển hướng đó là tự do chọn lựa của người đó. Miễn sao người đó vui vẻ và bình an với chọn lựa của mình còn hơn là mình cứ cố gắng nai lưng mình sống trong đời tu trì. Thật sự nai lưng một ngày, một tháng, một năm thì có thể nhưng để nai lưng cả đời xem chừng là khó. Khi nai lưng hay ép mình để sống đời tu vì bất cứ một lý do nào đó thì người khổ nhất vẫn là đương sự.
Vì cha mẹ, vì danh dự hay danh vọng hay vì một điều gì đó, người ta cố gắng ép mình theo khuôn khổ của đời tu thì kỳ thực họ không bình an. Chắc chắn tiếng nói lương tâm trong họ một ngày nào đó trổi lên để họ chuyển hướng.
Có những người chuyển hướng hay gọi là xuất tu hay hồi tục họ vẫn vui vẻ, bình an và hoàn thành sứ mạng, trách nhiệm trong con đường họ chọn. Có người rời khỏi nhà tu nhưng vẫn không lập gia đình. Có người thì chọn cho mình sống đời hôn nhân. Âu cũng là chuyện thường tình.
Ngay trong lớp của chúng tôi, có một vài anh em chuyển hướng. Chúng tôi vẫn kết nối với nhau và vẫn họp lớp chung với nhau mỗi khi có dịp. Những người anh em đó vẫn là người cha, người chồng mẫu mực cũng như chu toàn trách nhiệm bổn phận gia đình của họ. Có điều họ cũng rất tự hào vì họ là cựu tu sĩ hay là những người đã từng tìm hiểu ơn gọi của Nhà Dòng. Họ vẫn quy tụ với nhau để chung chia với nhau niềm vui cũng như những lo lắng, ưu tư của Nhà Dòng.
Tôi cũng quen và biết được một số vị trước đây là linh mục nhưng rồi sau đó các vị đó về sống đời hôn nhân gia đình. Những vị đó đã hoàn thành trọng trách ơn gọi đời sống hôn nhân của họ.
Hiện tại, có thể nói là tôi rất thân với một linh mục đã hồi tục. Tôi thật nể phục vị này bởi lẽ vị này rất vui vẻ và bình an với lựa chọn của mình. Trong cuộc sống hiện tại, dù không khá giả về kinh tế kèm theo căn bệnh khá trầm trọng của vị hôn phu nhưng rồi người cha cũng như người chồng trong gia đình ấy vẫn chu toàn bổn phận làm cha, làm chồng của mình. Chúng tôi vẫn qua lại với nhau bằng những câu chuyện đời cũng như những bữa cơm tự nấu của nhau. Vui và vui lắm để chung chia cuộc sống, niềm vui cũng như những âu lo của nhau. Tôn trọng nhau và trân quý thánh chức, tôi vẫn gọi vị lấy là cha. Đơn giản dẫu rằng hồi tục để sống đời gia đình nhưng tôi vẫn trân trọng vị này và càng trân trọng hơn khi vị này ngày mỗi ngày sống trọn nghĩa yêu thương và chu toàn bổn phận trong gia đình.
Chỉ sợ ai đó vẫn sống trong đời tu nhưng không chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình. Có khi còn dùng cái gọi là tu của mình để trục lợi cho mục đích cá nhân hay cho lợi ích cho phe nhóm của mình. Chuyện lợi dụng tu hành để làm lợi cho bản thân hay phe nhóm của mình chắc chắn sẽ gây tổn hại rất nhiều cho dòng tu cũng như cho Hội Thánh. Và đơn giản, mỗi người phải trả lẽ trước mặt Chúa về cung cách sống của mình.
Cuộc sống mà, đâu có thể trách ai được. Đơn giản là 9 người mà có đến 10 ý. Có người dành cho những người “ta ru” (tu ra – xuất tu) bằng ánh mắt không vui hay thậm chí khinh miệt. Có người có tâm không tốt còn lầm bầm nguyền rủa những kẻ gọi là “ăn cơm nhà Chúa”. Thế nhưng xét cho bằng cùng thì những người đó chả đụng gì đến mình cũng như họ chả xin xỏ hay làm phiền gì mình để rồi đừng bao giờ dùng những lời lẽ chua cay cho họ.
Chưa chắc những người “ta ru” là không tốt. Họ vẫn ý thức và sống trọn vẹn thân phận của con người cũng như là những chứng nhân của Chúa Kitô giữa cuộc đời. Có những người không còn ở trong nhà tu nữa nhưng lòng của họ luôn hướng về các tu sĩ linh mục để chia sẻ vì họ ý thức rằng họ không phù hợp với ơn gọi nhưng họ vẫn và rất trân quý ơn gọi. Chỉ tiếc là có ai đó vì lý do nào đó mà vẫn khoác trong mình chiếc áo của nhà tu nhưng lại không sống đúng với phẩm giá của mình.
Đâu đó cũng có những khuôn mặt, những con người dù ở trong nhà tu đó nhưng để lại cho người khác những suy nghĩ không hay rằng thì là người này người kia chỉ đội lốt nhà tu. Như thế xem chừng ra đau lòng hơn là những ai can đảm thấy mình không phù hợp hay không bình an trong đời sống ơn gọi.
Vẫn là sự tự do chọn lựa của mỗi người về ơn gọi, về hướng đi của mình. Chính vì thế, ta không nên xét đoán hay để lại những lời bình luận không hay về người này người khi khi họ rời bỏ đời tu hay không còn khoác trên mình chiếc áo tu sĩ nữa. Hãy trân quý tự do suy nghĩ cũng như chọn lựa cung cách sống của mỗi người.
Lm. Anmai, CSsR