Liên Hội đồng Giám mục Á châu khai mạc Đại hội FABC 50

WHĐ (13/10/2022) – Sau thời gian bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19, Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đã khai mạc Đại hội vào tối ngày 12. 10. 2022. Thánh lễ khai mạc do Đức hồng y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon, Myanmar, Chủ tịch FABC chủ sự tại Trung tâm Mục vụ của Tổng Giáo phận Bangkok, Baan Phu Waan, Thái Lan.

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập (1970 -2020), Đại hội với Chủ đề “FABC 50: Cùng nhau hành trình như các dân tộc Châu Á… và họ đã đi theo một con đường khác” (Mt 2, 12) sẽ kéo dài từ ngày 12 – 30. 10. 2022, Đại hội quy tụ khoảng 200 đại biểu bao gồm các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân từ 29 quốc gia thành viên. Có 6 giám mục đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam tham dự Đại hội: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Giáo phận Cần Thơ, Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân – Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, Đức cha Giuse Trần Văn Toản – Chủ tịch Ủy ban Giáo dân và Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên – Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Giới trẻ – Thiếu nhi.

Đoàn 6 giám mục Việt Nam tham dự Đại hội FABC 50

Với mục đích nhìn lại 50 năm hoạt động của FABC; nhận thức về những thách thức mới nảy sinh về các phương diện chính trị, xã hội, kinh tế và tôn giáo mà Giáo hội của các quốc gia tại Châu Á đang đối diện; và canh tân đường lối “trong việc tìm kiếm khuôn mặt của Chúa Giêsu ở Châu Á”, tài liệu chuẩn bị Đại hội cho biết:

+ Mỗi quốc gia trong số 29 quốc gia thành viên được mời trình bày về tình hình hiện tại: chính trị, xã hội, kinh tế, tôn giáo và bất kỳ thách thức nào khác đối với Giáo hội Công giáo tại đất nước của mình.

+ Từ ngày 17-22 Đại hội sẽ kết nối những thực tế này với những suy tư của các tài liệu của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt là Evangelii Gaudium, Fratelli Tutti, Laudato Si ‘, Amoris Laetitia, và Predicate Evangelium, đồng thời sẽ tập trung vào các bài học mà Giáo hội ở  Châu Á cần học hỏi để áp dụng vào thực tế. Tài liệu Hướng dẫn nêu bật một số vấn đề như: đại dịch; toàn cầu hóa; thách thức về kinh tế, xã hội và chính trị; các vấn đề về giới; người bản xứ; khao khát của giới trẻ; và sự biến chuyển của Giáo hội. Một cách cụ thể, tập trung vào một số câu hỏi:

– Làm thế nào để Giáo hội ở Châu Á tiếp tục trở thành Tin Mừng dưới ánh sáng của những thực tế đang nổi lên?

– Làm thế nào để FABC có thể phục vụ và hỗ trợ các giám mục và các Hội đồng Giám mục tại Châu Á một cách hiệu quả hơn?

– Làm thế nào để sự nhận thức được canh tân về các ân sủng và sự phong phú của Châu Á có thể đóng góp cho Giáo hội?

– Làm thế nào để Giáo hội trên lục địa này có thể đóng góp cho một châu Á tốt đẹp hơn?

– Làm thế nào để Giáo hội ở Châu Á có thể đóng góp cho Giáo hội hoàn vũ?

Một số phần sẽ có biểu quyết chính thức khi FABC khám phá làm thế nào để phục hồi đời sống của Giáo hội. Các cuộc họp, hội thảo và phiên họp sẽ được xen kẽ với những giây phút thinh lặng, suy niệm, và đọc các bài Kinh thánh, vốn được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh. Những điều này đảm bảo rằng Đại hội FABC luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Ngài Đấng An ủi và Bào chữa, Đấng luôn hiện diện, hoạt động trong thế giới, và duy trì mọi sự bằng hơi thở sự sống của Ngài.

Ngoài ra, nhằm tạo nên một bức tranh đa văn hóa, các kinh nguyện và thánh ca sẽ được hát bằng tiếng mẹ đẻ của các quốc gia thành viên, trong khi lời cầu nguyện và bài hát mừng Năm Thánh sẽ được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

+ Ngoài các bài suy tư và cách làm việc như thường lệ, vào Chúa nhật 23. 10, Khánh nhật Truyền giáo, các giám sẽ thực hiện “những chuyến thăm trực tuyến” 14 giáo xứ được chọn ở các quốc gia châu Á khác nhau, để đảm bảo rằng các cuộc thảo luận không chỉ mang tính lý thuyết, mà còn đề cao bổn phận xây dựng Nước Trời thông qua việc phục vụ yêu thương.

Sau đó, FABC sẽ dành thời gian để xem xét và hình dung những con đường mới cho Giáo hội và hoạt động vì một Châu Á tốt đẹp hơn, với các chuyên gia hướng dẫn các đại biểu thông qua các phương pháp luận mới.

+ Vào ngày 26. 10, sẽ có chuyến hành hương đến Ayutthaya và tham gia đối thoại với các tôn giáo truyền thống khác.

+ Vào các ngày 27-29. 10 công bố Văn kiện cuối cùng và Sứ điệp dành cho các cộng đồng Công giáo ở Châu Á.

+ Ngày 30.10 Hội nghị FABC 50 kết thúc với Thánh lễ bế mạc do Đức hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, đại diện Đức Thánh Cha, chủ sự.

FABC là Liên hiệp của các Hội đồng Giám mục Nam, Đông Nam, Đông và Trung Á, được thành lập để tăng cường hợp tác giữa các Giám mục ở Châu Á, được thành lập vào năm 1970 nhân chuyến thăm của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đến Manila, gặp gỡ 180 giám mục Công giáo từ khắp châu Á. Ngài cũng đã tham gia vào cuộc họp đầu tiên và khuyến khích các giám mục châu Á cùng nhau thực hiện các bước cần thiết. Năm 1971, Quy chế dành của tổ chức thường trực đã được soạn thảo, đệ trình lên Tòa thánh và được phê duyệt cùng năm đó.

Hình FABC những ngày đầu thành lập

Hiện có 19 Hội đồng Giám mục khu vực, trong đó có Việt Nam, là thành viên của FABC. Ban Thư ký Trung ương đặt tại Bangkok, Thái Lan.

Đại hội FABC đầu tiên được tổ chức tại Đài Bắc vào năm 1974, và sau đó, cứ 4 năm một lần. Đại hội FABC lần thứ XII được tổ chức vào năm 2016.

Nghi thức khai mạc Đại hội FABC 50 tối ngày 12.10.2022

Đại hội FABC 50 có vai trò hết sức quan trọng. Các thành viên cam kết trở thành và luôn là một Giáo hội Châu Á mang tính ngôn sứ, thích ứng, và nhạy bén, để phục vụ người dân Châu Á. Điều này chỉ có thể được thực hiện bằng sự hiệp thông với mọi dân tộc Châu Á, qua sự tham gia tích cực và trung thành với sứ mệnh truyền bá Phúc âm được canh tân và chia sẻ.

Theo: asianews.it ; fides.orgfabc2020.org (12. 10. 2022)

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm