GPVO (5/10/2022) – Lời khuyên Phúc âm về đức khó nghèo để bắt chước Chúa Kitô là Đấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta đòi buộc tu sỹ sống nghèo về vật chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không dính bén tài sản thế tục, lệ thuộc và bị hạn chế trong việc sử dụng, định đoạt tài sản theo quy luật riêng của từng hội dòng (Giáo luật, số 600). Không chỉ đối với các tu sỹ, những ứng sinh linh mục giáo phận cũng luôn được mời gọi và thường xuyên nhắc nhở phải sống lời khuyên khó nghèo trong từng hoàn cảnh của đời sống mình.
Chính vì thế, trong hai ngày 4-5/10/2022, quý thầy khóa 14 của Giáo phận Vinh đã tham dự kỳ thường huấn với chủ đề: “Đức khó nghèo”. Địa điểm tổ chức là Tòa Giám mục Xã Đoài với quý cha giảng phòng là linh mục G.B Nguyễn Kim Đồng, Giám đốc Tiền Chủng viện Xã Đoài; cha Giuse Trần Văn Đồng, giáo sư Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê. Ngoài ra, quý thầy còn nhận được sự đồng hành của cha Phaolô Nguyễn Thiện Tạo, Phó Giám đốc Tiền Chủng viện Xã Đoài, linh mục đặc trách và cha Phêrô Nguyễn Văn Quang, Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục linh hướng và giải tội.
Ngày thứ nhất, cha G.B Nguyễn Kim Đồng đã cùng với quý thầy học hỏi và tìm hiểu về đức khó nghèo trong đời sống linh mục khởi đi theo khuôn mẫu của Đức Giêsu. Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng Người đã mặc lấy thân phận con người và sinh ra tại một làng quê nghèo Nazarét. Chính Người đã chọn số phận mình ở trần gian và bắt đầu cuộc sống trong một cảnh tuyệt đối cùng cực trơ trụi. Qua cảnh túng nghèo, Chúa Giêsu đã tỏ rõ hạnh phúc đích thực và sung mãn của mình. Người là Thiên Chúa nhưng đã tình nguyện sống khó nghèo vì Người không muốn vướng mắc và lệ thuộc vào gì cả. Đức Giêsu đã sống cái nghèo đến tận cùng như sự tự hủy. Người đã trở nên nghèo khó để mỗi người được trở nên giàu có. Đó là lời thánh Phaolô gửi cho hết mọi người. Sống nghèo khó là để thăng tiến đời sống của con người trong chiều kích tâm linh, giúp con người ý thức mình nghèo khó trước mặt Thiên Chúa và được trở nên giàu có nhờ tình yêu của Người. Kết thúc bài giảng huấn, cha giảng phòng cùng quý thầy bước vào giờ thảo luận, quý thầy cũng đã đặt ra những câu hỏi, những thắc mắc về việc sống và giữ đức khó nghèo.
Trong giờ huấn đức vào buổi tối, cha đặc trách Phaolô Nguyễn Thiện Tạo mời gọi quý thầy cùng nhìn lại chặng đường của 9 năm qua để thấy thánh ý Chúa muốn gì nơi mỗi người và dứt khoát trả lời câu hỏi mà Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô khi xưa: “Anh có yêu mến thầy không?”
Tiếp đến, cha đặc trách mời gọi quý thầy cùng suy niệm và học hỏi nhân đức khó nghèo nơi Đức Maria. Thật vậy, thân thế đối với xã hội nghèo đã đành nhưng tinh thần của Mẹ trong tương quan với Thiên Chúa còn nghèo đến tận cùng. Bằng chứng là Mẹ đã nhận mình thuộc “phận nữ tỳ hèn mọn” luôn mong được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới (Lc 1,48). Cuộc sống nghèo của gia đình Mẹ là điều không thể chối cãi nhưng tâm tình sâu thẳm đối với Thiên Chúa của Mẹ còn trăm lần nghèo hơn được biểu hiện qua lòng kính sợ của người khiêm nhu, nghèo đói được Thiên Chúa ban cho đầy dư (Lc 1,52-53).
Ngày thứ hai của khóa thường huấn, quý thầy được lắng nghe bài chia sẻ tĩnh tâm của linh mục Giuse Trần Văn Đồng với chủ đề: “Đức khó nghèo”. Đức Giêsu Kitô vốn là đấng giàu có đã trở nên nghèo để thế gian giàu có nhờ sự nghèo khó của Người. Khi sống giữa chúng ta, Người đã không dùng những đặc quyền vốn thuộc về mình, đã không xuất hiện như “Chúa” mà như “người tôi tớ”, như kẻ nô lệ. Người đã không biểu lộ những đặc quyền vốn thuộc thiên tính. Hơn nữa, Người mặc lấy “thân xác tội lỗi” như thân xác của chúng ta (Rm 8,3), mang lấy gánh nặng của tội và án phạt của chúng ta.
Kết thúc kỳ thường huấn quý ba là thánh lễ tạ ơn vào lúc 10h00, tại nhà nguyện Tòa Giám mục Xã Đoài.
Cuộc đời của Chúa Giêsu là một sự cổ vũ cho sự nghèo khó, giúp cho những người sống đời thánh hiến ngày càng kết hợp với sự nghèo khó hơn. “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Lời mời gọi bỏ mọi thứ lại đằng sau cũng đòi hỏi mỗi người phải tin cậy, không sợ hãi, nghĩa là phải từ bỏ mọi sự an toàn và mọi lợi lộc trần gian. Thật vậy, trong đức khó nghèo, mỗi người vui mừng đón nhận sự lệ thuộc vào Thiên Chúa và nhìn ngắm mọi thụ tạo như là những tặng phẩm từ Người: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Là những người môn đệ, mỗi người tự do dâng hiến bản thân, dâng hiến những thứ thuộc về chính mình để phục vụ Tin mừng và cho những kẻ được Chúa Kitô chịu chết vì họ, đây đúng là một đời sống sung mãn thật sự.
Tâm Quảng