Đức Hồng Y Kurt Koch sẽ dẫn đầu phái đoàn Vatican tham dự Đại hội lần thứ 11 của Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới (WCC) diễn ra tại Karlsruhe, miền tây nam Đức, từ ngày 31/8 đến 8/9/2022. Nhân dịp này Hãng Thông tấn Công Giáo Thụy Sĩ đã có cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y về cuộc gặp gỡ này.
Trước hết nói đến những kỳ vọng, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn hy vọng rằng chủ đề của Đại hội “Tình yêu Chúa Kitô dẫn thế giới đến hoà giải và hiệp nhất”, cho thấy rằng tình yêu này có thể chuyển động trong thế giới và giữa các Kitô hữu.
Chủ đề này cũng nhắm đến tình trạng xung đột ở Trung Đông. Một cuộc xung đột mà Toà Thánh luôn nhấn mạnh sự cần thiết hướng đến một giải pháp hai Quốc gia. Hoà bình và hoà giải sẽ khó đạt được nếu không có giải pháp này. Đức Hồng Y Kurt Koch hy vọng rằng điều này, tại Đại hội, sẽ được nhắc lại một lần nữa để cuộc xung đột nghiêm trọng có thể được giải quyết. Cả Israel và Palestine đều có quyền tồn tại.
Liên quan đến cuộc tông du của Đức Thánh Cha đến Kazakhstan để tham dự Đại hội lần thứ 7 các lãnh đạo tôn giáo truyền thống và thế giới, và theo dự kiến Đức Thượng Phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga cũng sẽ hiện diện, phóng viên hỏi liệu cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ sẽ là một cuộc gặp gỡ khôn ngoan, Đức Hồng Y trả lời: “Tôi nghĩ rằng sẽ là một cuộc gặp gỡ khôn ngoan nếu chúng ta có thể đạt được một quan điểm chung rõ ràng để cuộc chiến vô nghĩa và tàn khốc này kết thúc”.
Tiếp tục liên quan đến Chính thống Nga và công cuộc đối thoại, Đức Hồng Y Kurt Koch giải thích: “Các Giáo hội Chính thống đã quyết định rằng đối thoại thần học giữa họ và Giáo hội Công giáo sẽ chỉ là đa phương chứ không phải song phương. Tòa Thượng phụ Chính thống Nga không còn tham gia vào cuộc đối thoại quốc tế này kể từ khi Đức Thượng phụ Đại kết Bartolomeo I tuyên bố quyền độc lập của Giáo hội Chính thống ở Ucraina. Điều này cũng liên quan đến ủy ban của chúng tôi. Đây là lý do tại sao chúng tôi hiện không có đối thoại thần học với Matxcơva”.
Đức Hồng Y cũng cho biết rõ, không có đối thoại thần học, nhưng giữa Giáo hội Công giáo và Chính thống Nga vẫn có mối quan hệ song phương như các Giáo hội Kitô khác. Nhưng do cuộc chiến ở Ucraina, tương quan này bị lu mờ do lập trường của Đức Thượng Phụ Kirill về cuộc chiến này. Các lập trường rất khác nhau, bởi vì đối với Giáo hội Công giáo, rõ ràng rằng một cuộc chiến không bao giờ là một giải pháp.
Chiến tranh chỉ tạo ra những vấn đề lớn hơn nữa, nhiều nạn nhân, nhiều người tị nạn và tạo ra nạn đói trên thế giới. Lập trường của Tòa Thánh vì thế rất rõ ràng: chiến tranh là một con đường sai lầm.
Đức Thượng Phụ Kirill tin chắc rằng con đường hoà giải phải được thực hiện. Sự khác biệt là rất lớn. Nhưng nếu chúng ta muốn tìm cách theo đuổi sự hiểu biết, chúng ta phải tiếp tục đối thoại.
Ngọc Yến