Phanxico.vn (26/1/2022) – Tại Giáo phận Sens-Auxerre, vì thiếu linh mục nên từ tháng 9/2021, Giám mục Hervé Giraud đã quản nhiệm một giáo xứ. Một tình huống chỉ có ở Pháp… nhưng tình huống này có sớm phổ biến không?
Saint-Bris-le-Vineux là thành phố có hàng ngàn cư dân, có vườn nho của họ, có nhà thờ Burgundian điển hình của vùng… và có giám mục-linh mục của mình. Chúng tôi theo chân giám mục Hervé Giraud, giám mục giáo phận Sens-Auxerre đến thị trấn Yonne nhỏ bé này. Từ tháng 9 năm 2021, sau khi linh mục quản xứ ra đi, ngài quản trị giáo xứ Thánh Vinh Sơn, một trong 31 giáo xứ của Giáo phận, gồm cả Saint-Bris-le-Vineux trên Giáo phận của ngài. Một tình huống bất thường, nhưng có lẽ sẽ nhân lên trong các giáo phận, việc thiếu linh mục sẽ là điều đáng lo nhất. Tại giáo xứ thánh Vinh Sơn, mọi thứ phải được xây dựng lại. Giám mục dựa vào một nhóm cộng tác viên, gồm một linh mục sinh viên Phi châu, một phó tế, một thư ký và một hội đồng giáo xứ khoảng hai mươi người.
Một tình huống tạm thời
Ý tưởng đầu tiên của ngài làm bất ngờ, nhưng sau đó giáo dân thích thú. Giám mục Giraud nhấn mạnh: “Tình hình sẽ không kéo dài, trong một hoặc hai năm nữa, chúng ta sẽ có thể quyết định phải làm gì: giữ giáo xứ dài khoảng 40 cây số này hay chia nó ra? Khi tôi đến giáo xứ, điều duy nhất mọi người đồng ý là chúng tôi cần thời gian. Dù sao đi nữa thì chúng tôi đã lên đường, và niềm vui phục vụ sẽ không mất đi…”
Đối với giám mục, người chưa bao giờ làm cha xứ, kinh nghiệm này đến “đúng lúc, để đi từ đầu trong tinh thần đồng nghị với dân Chúa.” Và ngài nhấn mạnh: “Hãy coi chừng những ý tưởng lớn! Ngay khi chúng ta chạm vào những vấn đề cụ thể, nó không còn đơn giản…” Ở Saint-Bris, các thành viên của hội đồng mục vụ bắt đầu đến. Sẽ có mười người trong số họ hôm nay, và buổi họp bắt đầu điểm danh trong căn phòng của tòa thị chính cho mượn, dưới cái nhìn thản nhiên của Tổng thống Macron trong bức chân dung treo trên tường. Sau một vài tin tức, chúng tôi bắt đầu bàn đến trọng tâm cuộc họp hôm nay: các cuộc họp theo nội dung Thượng Hội đồng về tính đồng nghị. Làm thế nào để đào tạo người điều hành các cuộc họp này? Nên chọn một chủ đề? Làm thế nào để chuẩn bị cho những ngày lễ sắp tới? Và những câu hỏi khác trong đời sống hàng ngày của các giáo xứ…
Một tương lai để viết
Buổi họp cũng là dịp để nói về tình hình cụ thể và tương lai của giáo xứ, thậm chí của các giáo xứ. Người đầu tiên lên tiếng là ông Patrice Wahlen, ông là người đam mê Lịch sử và là chủ tịch Hiệp hội những người bạn của Giáo hội. Ông phân tích: “Giáo xứ là một bối cảnh lịch sử, và làm một cái gì khác sẽ làm hoang mang. Tôi không giấu một nỗi sợ nào đó… Ai có thể hình dung những gì xảy ra hôm nay sẽ không kéo dài? Chúng tôi bị mọi người đặt câu hỏi và tôi không biết trả lời cho họ như thế nào, vì họ muốn có một mục vụ cổ điển, điều không có thể làm được nữa .”
Theo ông, tương lai còn phải viết: “Chúng ta phải bước qua chuyện khác, nhưng không hẳn phải hy sinh quá khứ. Chúng ta có một di sản mà hạt ngọc phải được giới thiệu lại để không rơi vào tình trạng “trước đây tốt hơn”. Chúng ta đang rời khỏi vùng an toàn, chúng ta sẽ phải sáng tạo, bởi vì có một thực tế: không còn linh mục nữa. Chúng ta rời đi trên cát lún. Thật đáng sợ nhưng cũng thật phấn khích vì có một cái gì đó để xây dựng.”
Bỏ hay không các vùng đất?
Đối với hầu hết giáo dân, sự hiện diện của giám mục là cách khởi đầu tốt đẹp. Dù điều này không giải quyết được các vấn đề liên quan đến khoảng cách hoặc thỏa thuận, đôi khi đã tệ đi trong các năm trước đây. Ông André ghi nhận: “Với tôi, tương lai là các giáo dân có thể cộng tác và được tôn trọng. Chúng tôi không phải là vật từ ngoài hành tinh đến, chúng tôi hòa nhập vào xã hội. Chúng tôi không phải là người nước ngoài! Chúng tôi có một quan điểm khác về các dấn thân trong xã hội vì chúng tôi là tín hữu kitô.” Vì thế quan trọng là phải có tình huynh đệ với những người không gần gũi với Giáo hội.
Một thách thức cho tất cả mọi người có mặt ngày hôm đó. Và cũng là thách thức cho giám mục của họ: “Nếu chúng ta đi với nhịp đi của mọi người, chúng ta không cần phải đi quá nhanh. Chúng ta phải cứu giáo dân: đó là tất cả mọi người, toàn thể người dân địa phương. Và chúng ta cũng phải cứu các giáo xứ, vì những người nhỏ bé nhất. Nếu không còn các giáo xứ nữa thì đời sống bí tích chỉ dành cho những người ở gần các linh mục, có các thánh lễ… Và tôi thấy thật khó nói với tôi, chúng ta có thể bỏ một số nơi nào đó. Đó là một viễn tượng về Giáo hội không mang tính thế gian: ngay cả một người đang ở dưới cùng trang trại của mình, trong sương mù, xa mọi trung tâm, có lẽ chính người đó đã mang lại sự sống cho thân thể Giáo hội. Từ bỏ lãnh thổ sẽ là từ bỏ nguồn cội thiêng liêng.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch