TGPSG (12.11.2021) – Trong cuộc đời, rất nhiều lần tôi được nghe hoặc chứng kiến những cảnh đời. Có những gia đình rất hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống, nhưng bên cạnh đó cũng có những mảnh đời bị dập tắt hết những ước mơ hy vọng và dự tính tương lai.
Đặc biệt, trong dịp đi phục vụ tuyến đầu này, tôi được nghe rất nhiều tâm sự của những bệnh nhân vì trong bối cảnh ở bệnh viện, không có người thân bên cạnh, thì họ coi những bệnh nhân cùng phòng là anh chị em, coi các tình nguyện viên là người thân của họ…
Nhà có 7 người F0
Thấy khuôn mặt lạ trong phòng bệnh, tôi vồn vã hỏi: “Chị mới tới à, chị chuyển từ bệnh viện nào tới đây thế? Chị có cần em giúp gì không? Cần gì thì cứ nói với em nhé, đừng có ngại.”
Chẳng một tiếng đáp lại. Chị nhìn tôi rồi nhắm mắt. Tôi cảm giác mình bị ‘bơ’, thấy cũng ‘quê quê’.
Bất ngờ chị ở giường bên cạnh cất lên: “Đó là em tôi, nó không được khôn đâu. Hai chị em tôi từ bệnh viện Thu Dung số 6 mới chuyển tới đây lúc chập tối hôm qua.”
Những ngày sau, khi đã quen dần với sự hiện diện của tôi trong phòng bệnh, cô chị tâm sự rằng nhà có bảy người đều bị nhiễm hết. Bốn người em còn trẻ hơn nên đã về nhà rồi. Còn mẹ cô, thì gia đình mới nhận tro cốt sáng nay.
Cô kể tới đây thì nghẹn lại, một bầu không khí im lặng đáng sợ bao trùm căn phòng…
Người thân lần luọt ra đi
Chú, một người tóc đã điểm bạc. Khi thấy tôi thay tã, làm vệ sinh cho một bà cụ, chú nói với qua: “Ai mà có con dâu như cô thì có phước cả đời.”
Tôi nói vui: “Chú có chịu nhận con làm con dâu không?”
“Chịu chứ, nhưng chú không có con.”
Thế rồi chú kể: “Thật ra chú có một người con trai, nhưng con của chú đã ra đi cách đây mười năm rồi vì bị bệnh não.”
Tôi không dám hỏi thêm vì sợ chạm đến nỗi đau của chú, nhưng ánh mắt chú nhìn xa xăm rồi kể tiếp:
“Sau khi con trai qua đời được ba năm, người bạn đời của chú cũng bỏ chú ra đi vì quá đau buồn với cái chết của con trai. Bây giờ chắc bà ấy đang ở cùng con trai…”
Còn nỗi đau nào hơn khi những người thân của mình lần lượt ra đi. Ai đã rơi vào hoàn cảnh như thế, chắc hẳn sẽ hiểu được tâm trạng của chú bây giờ…
Hồng nhan bạc phận
Cô đã ngoài năm mươi tuổi, có khuôn mặt rất ‘tây’. Mái tóc tém càng tôn lên vẻ trẻ đẹp của cô.
Thấy cô đeo tràng chuỗi Mân Côi trên cổ, tôi hỏi: “Cô là người đạo Công Giáo phải không? Tên thánh cô là gì?”
Cô lắc đầu kể: “Chuỗi hạt này là một thầy tặng cho tôi. Nhiều đêm, chị nằm ở giường bên cạnh la hét rất to, tay vung lên, có lúc thì cười khành khạch, có lúc thì khóc thút thít làm tôi hoảng sợ, tim đập thình thịch khiến tôi không thở nổi. Lúc ấy, tôi đã nắm thật chặt tràng hạt đeo ở cổ và nói ‘Maria, cứu con, con sợ lắm!’, tức thì tôi bớt sợ hãi và ngủ lại được.”
Sau mỗi lần xong việc, tôi thường lân la nói chuyện với cô, mặc dù cô chưa theo đạo của tôi nhưng nghe cô nói chuyện, tôi nhận ra cô đã tin có Chúa.
Cuộc đời của cô như một cuốn phim chưa có hồi kết: Cô là một người đẹp nhất xóm, được nhiều người để ý. Trong số đó, có một anh đạo Công Giáo rất thành đạt muốn cưới cô, nhưng cô còn nhỏ. Anh sẽ đợi cô cho đến khi mười tám tuổi. Anh thường dẫn cô đi lễ vào mỗi Chúa nhật và hứa sau này có một lễ cưới trên nhà thờ, cô sẽ là cô dâu đẹp nhất…
Cô kể về anh rất say sưa với bao nhiêu kỉ niệm như đang ùa về trong cô. Nhìn ánh mắt của cô, tôi biết rằng cô rất hạnh phúc với mối tình lúc ấy.
Thế nhưng đời đâu phải như là mơ. Người chồng hiện tại đã đi lấy tuổi xuân của cô lúc cô mới mười bốn tuổi. Với những lời đe dọa đến danh dự của cô và gia đình, cô đành gạt nước mắt theo ông về nhà chồng vì cô không muốn mình là gánh nặng cho mẹ đã nuôi tám người con, còn lại phải cưu mang thêm đứa con của cô nữa.
Mười lăm tuổi, cô sinh con mà chưa biết cách làm mẹ. Cô là người vợ thứ hai, sống với chồng gần bốn mươi năm nhưng không có được niềm hạnh phúc. Cô chỉ sống vì các con. Cô có bốn người con, ba người đã yên bề gia thất.
Ba năm nay cô thuê phòng trọ ở riêng như muốn thoát khỏi “nghiệp” của chồng, vì suốt ngày ông say xỉn và đánh đập cô. Phòng trọ của cô gần nhà thờ, mỗi khi chuông nhà thờ vang lên thì lòng cô lại cảm thấy nỗi buồn man mác gợi nhớ đến những kỷ niệm xưa…
Tình nguyện viên lắng nghe
Thế đó, còn rất nhiều, rất nhiều mảnh đời khác nữa. Khi tham gia Tình nguyện viên, tôi được biết rất nhiều mảnh đời khác nhau, phần lớn là những tâm sự buồn.
Rồi dịch bệnh lại tiếp tục tạo thêm những điều khắc nghiệt: đã lấy đi rất nhiều sinh mạng, những hạnh phúc, những tiếng cười trong gia đình. Có những người không biết vợ con của mình đang điều trị ở bệnh viện nào? Họ có khỏe không? Có những bệnh nhân không dám gọi điện thoại về nhà vì sợ người thân lo lắng…
Những ca từ trong bài hát “Lạy Chúa, Chúa đã thấy” của nhạc sĩ Lan Thanh đang vang lên trong điện thoại của ai đó:
“Đời ai như cây cỏ dại, đời người như bóng mây bay. Như bông hoa sớm nở để rồi tàn chiều hôm. Lạy Chúa, Chúa thấy đời con và những gì. Lạy Chúa, Chúa đã rõ con đường con đã đi”.
Vâng, lạy Chúa, Chúa thấu hết tâm tư của mỗi người, xin Chúa cũng thương giúp đỡ từng mảnh đời ấy.
Xin cho con và mỗi người không tuyệt vọng khi cuộc đời nghiệt ngã, lắm gian truân vì đích chúng con nhắm tới và đi về, là Quê Trời- nơi Cha yêu thương, cuộc đời này chỉ là cõi tạm…
Bích Huyền – MTG Đà Lạt