Lm. Giuse Phạm Văn Trọng,
Thư ký Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh/ HĐGMVN
“Nhu cầu gặp gỡ và chia sẻ giữa các nhà đào tạo rất cần thiết.” (Thư mời tham dự hội nghị, 8/2021).
Câu mở đầu trong thư gởi đến các đại chủng viện tại Việt Nam của Đức cha chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh (UBGSCS) đã nhấn mạnh đến một nhu cầu quan trọng trong việc đào tạo. Đó là nhu cầu gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm của các nhà đào tạo tại đại chủng viện. Đây cũng là lý do thúc đẩy sáng kiến đưa đến Hội nghị online của các đại chủng viện tại Việt Nam trên nền tảng Zoom (Zoom Meeting) vào ngày 17/09/2021.
Hội nghị online lần này quy tụ hơn 100 người có kinh nghiệm đào tạo bao gồm Đức cha chủ tịch Giuse Đỗ Mạnh Hùng, cha Thư ký UBGSCS Giuse Phạm Văn Trọng, quý cha giám đốc, phó giám đốc, quý cha giáo nội trú và ngoại trú thuộc các 11 đại chủng viện tại Việt Nam.
Trong buổi sáng, từ 8g00 – 11g45, với chủ đề “Đào tạo linh mục và đường hướng truyền giáo trên nền tảng Hy tế Thập giá trong bối cảnh ‘khủng hoảng môi sinh’”, Hội nghị đã triển khai một nội dung gồm 03 phần vừa mang tính thời sự vừa xoay quanh hai huyết mạch xuyên suốt trong quá trình đào tạo linh mục tại đại chủng viện, đó là, đời sống cộng đoàn và truyền giáo (x. Ratio 2016, số 90 và 91).
Phần thứ nhất, Hội nghị lắng nghe bài thuyết trình “Công cuộc truyền giáo của hai giám mục tiên khởi tại Giáo hội Việt Nam” của Đức cha chủ tịch Giuse. Đây là một đề tài mang tính thời sự đối với Giáo hội Việt Nam bởi vì Giáo hội Việt Nam đang tiến hành hồ sơ phong thánh cho hai giám mục tiên khởi tại Việt Nam, Đức cha Pierre Lambert de la Motte và Đức cha Francois Pallu. Cùng với Đức tổng Giuse Vũ Văn Thiên, Đức cha chủ tịch UBGSCS Giuse Đỗ Mạnh Hùng được HĐGMVN ủy thác để tiến hành tiến trình sưu tập những bằng chứng về đời sống thánh thiện và nỗ lực truyền giáo tại Việt Nam của hai Đức cha Pierre Lambert de la Motte và Francois Pallu. Lắng nghe về hai gương mẫu giám mục tiên khởi tại Việt Nam là cơ hội để mỗi nhà đào tạo xác tín rằng truyền giáo là một huyết mạch sống còn của Giáo hội (Evangelii Nuntiandi, số 14). Đồng thời, nó là cơ hội để các nhà đào tạo kiểm nghiệm sức mạnh của đời sống cộng đoàn trong việc cộng tác để tạo nên hoa trái cho Giáo hội Việt Nam hôm nay với hơn 100.000 vị tử đạo, 27 giáo phận với các đại chủng viện đào tạo linh mục, 30 dòng Mến Thánh Giá, các hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế…
Phần thứ hai, Hội nghị lắng nghe bài thuyết trình “Làm chứng cho Chúa trong bối cảnh khủng hoảng môi sinh thời đại dịch Covid-19” của cha Giuse Bùi Công Trác, Giám đốc Đại chủng viện Sàigon. Dựa trên giáo huấn nền tảng của Giáo hội về việc làm chứng cho Chúa giữa lòng thế giới, cha Giám đốc Giuse đã phác họa một bức tranh sống động về việc cộng tác của mọi thành phần dân Chúa trong việc giúp đỡ những anh chị em khốn khổ do ảnh hưởng của đại dịch tại Việt Nam. Đây là cơ hội để các nhà đào tạo suy nghĩ và mở ra một hướng đào tạo thích ứng và phù hợp cho các chủng sinh trước tiếng “than khóc của nhân sinh” nhằm làm cho họ trở thành các mục tử mang “mùi chiên” và sống giữa đoàn chiên (Ratio 2016, Dẫn Nhập và số 120).
Phần cuối, mỗi đại chủng viện chia sẻ về kế hoạch đào tạo trong thời gian bất ổn vì giãn cách do đại dịch Covid. Với hoàn cảnh riêng của mình, các đại chủng viện đã định hướng và xây dựng cho mình một chương trình đào tạo phù hợp nhằm bảo đảm tính liên tục và toàn diện của tiến trình đào tạo (Ratio 2016, Dẫn Nhập).
Kết thúc Hội nghị online, các tham dự viên tạ ơn Chúa vì đã có cơ hội được gặp gỡ, học hỏi và chia sẻ với nhau. Hội nghị online lần này đánh dấu một nỗ lực rất lớn của ban tổ chức và các tham dự viên sau một vài lần phải hủy bỏ hội nghị theo cách truyền thống vì giãn cách do đại dịch Covid. Nó cũng mở ra một hướng đi mới để các nhà đào tạo có cơ hội gặp gỡ và chia sẻ nhiều hơn các thao thức về đào tạo linh mục của mình.