Phanxico.vn (11.9.2021) – Hai mươi năm sau, thế giới kỷ niệm vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Một sự kiện đã làm thay đổi tiến trình lịch sử nhưng có lẽ cũng thay đổi lịch sử Giáo Hội Công giáo.
cath.ch, I. Media, 2021-09-10
“Với một độ lùi, có thể nói ngày 11 tháng 9 không chỉ thay đổi lịch sử địa chính trị thế giới, mà còn thay đổi tương lai Giáo Hội Công giáo.” Trong tác phẩm quan trọng “Cuộc bầu chọn Giáo hoàng Phanxicô” (L’Élection du pape François) nhà Vatican học Gerard O’Connell đã nêu bật cách mà vụ khủng bố tấn công nước Mỹ đã gián tiếp “đẩy Hồng y Tổng Giám mục Buenos Aires lên radar của các đồng hữu của ngài tại Hồng y đoàn”.
Để hiểu mối quan hệ đáng kinh ngạc này, chúng ta phải quay trở lại cuối mùa hè năm 2001. Trong lịch làm việc của khoảng 250 giám mục từ khắp nơi trên thế giới về Vatican, có một lịch hẹn quan trọng: Đức Gioan Phaolô II triệu tập một Thượng Hội đồng có chủ đề: “Giám mục, tôi tớ của Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô cho niềm hy vọng của thế giới”.
Một chức vụ khó khăn
Cuộc họp mặt lớn này sẽ diễn ra từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 27 tháng 10 năm 2001. Hồng y Edward Egan, Tổng Giám mục Giáo phận New York, vừa được bổ nhiệm từ một năm nay, được cử làm phúc trình viên Thượng Hội đồng. Một chức vụ khó khăn mang tính chiến lược rõ rệt vì nhiệm vụ của phúc trình viên là chuẩn bị Tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng. Trong suốt các cuộc họp, ngài can thiệp để làm sáng rõ một số điểm nếu cần.
Để thực hiện công việc khổng lồ này, vị giám chức cao cấp của Mỹ cần được sự hỗ trợ của một phó phúc trình viên. Đó là Hồng y Jorge Mario Bergoglio Giáo phận Buenos Aires, người được chọn để phụ Hồng y Egan chỉ sáu tháng sau khi được Đức Gioan Phaolô II phong hồng y ở tuổi 64.
Nhưng vụ tấn công ngày 11 tháng 9 đã làm thay đổi quy trình. Thành phố New York vẫn còn chịu cơn sốc khi Thượng Hội đồng khai mạc tại Rôma, chỉ chưa đầy ba tuần sau khi Tòa tháp đôi sụp đổ.
Một người khả thể kế vị Đức Gioan Phaolô II
Theo chương trình, Hồng y Egan trình bày các cuộc thảo luận trong một bài diễn văn vào ngày 1 tháng 10. Nhưng ba ngày sau ngài phải về New York. Tình trạng không thể đặng đừng của đất nước, nước Mỹ đang chuẩn bị ném bom Afghanistan, ngài không thể làm việc cho Thượng Hội đồng ở Rôma trong lúc này. Với sự đồng ý của Đức Gioan Phaolô II, ngài giao lại công việc cho Hồng y Bergoglio, người sẽ tiếp tục công việc của ngài.
Trong phần điều tra của mình, nhà Vatican học Gerard O’Connell nói: “Hồng y Bergoglio đã làm việc xuất sắc đến bất ngờ, nhiều hồng y đột nhiên xem ngài là người kế vị hợp lý của Đức Gioan Phaolô II hiện đã bệnh nặng và lớn tuổi.”
Mặt khác, khi các giám mục phải bầu một hội đồng gồm mười hai thành viên phụ trách việc thu thập các kết luận chung, Hồng y Argentina đã có được nhiều phiếu bầu nhất, “vì chất lượng đặc biệt trong đóng góp của ngài”, nhà báo người Mỹ kết luận.
“Tội nghiệp tôi, tôi sẽ chết sớm ở Giáo triều”
Trong một bài báo từ năm 2002, nhà Vatican học kỳ cựu Sandro Magister ghi nhận Hồng y Bergoglio đã nổi bật trên màn hình trong lần Thượng Hội đồng này. Ông viết, nếu có một mật nghị lúc đó “thì rất khó cho ngài phải từ chối việc được bầu làm giáo hoàng. Vì các hồng y sẽ hàng loạt bầu cho ngài.” Nhà báo Magister còn nói, Hồng y Ratzinger sẽ có khuynh hướng ủng hộ Bergoglio.
Cũng trong bối cảnh của Hồng y Argentina, nhà báo Sandro Magister kể lại, sau Thượng Hội đồng năm 2001, một số người ở Vatican muốn ngài đến Rôma để đứng đầu một Bộ quan trọng trong Giáo triều, Tổng Giám mục Buenos Aires đã trả lời: “Tội nghiệp tôi, tôi sẽ chết sớm ở Giáo triều.”
Lời tiên tri của nhà báo Sandro Magister sẽ trở thành sự thật… Nhưng cuối cùng không ở thời điểm mong đợi. Tại mật nghị năm 2005, Hồng y Joseph Raztinger được bầu làm Giáo hoàng trong lần bỏ phiếu thứ tư, trước Hồng y Bergoglio. Vào thời điểm đó, các rò rỉ đã tiết lộ số lượng phiếu bầu quan trọng mà Hồng y Argentina đã nhận được.
Cuối cùng năm 2013, khi nhiều người cho rằng Hồng y 76 tuổi đã quá lớn tuổi để kế vị Thánh Phêrô thì hồng y đoàn đã giao con thuyền Thánh Phêrô cho ngài.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch