Vatican News (31.12.2020) – Theo báo cáo thường niên được hãng tin Fides công bố hôm 30/12, trong năm 2020 trên toàn thế giới có 20 “nhà truyền giáo” bị sát hại, gồm 8 linh mục, 1 nam tu sĩ, 3 nữ tu, 2 chủng sinh và 6 giáo dân.
Fides dùng từ “nhà truyền giáo” theo nghĩa rộng, nói đến tất cả những người đã được rửa tội, như Đức Thánh Cha đã diễn tả trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Nhờ phép rửa, mọi thành phần Dân Chúa đều trở thành môn đệ truyền giáo.”
Châu Mỹ tiếp tục là nơi có nhiều thừa sai bị sát hại nhất
Theo báo cáo này, châu Mỹ là nơi có đông thừa sai bị sát hại nhất, với 8 vị, gồm 5 linh mục và 3 giáo dân. Tiếp đến là châu Phi, có 7 vị bị sát hại, gồm 1 linh mục, 3 nữ tu, 1 chủng sinh và 2 giáo dân.
Tại châu Á có 3 nhà truyền giáo bị sát hại, gồm 1 linh mục, 1 chủng sinh và 1 giáo dân. Ở châu Âu có 1 linh mục và 1 nam tu sĩ bị sát hại.
Trong 20 năm qua, từ năm 2000 đến năm 2020, có 535 người lo mục vụ trên toàn thế giới bị sát hại, trong đó có 5 giám mục.
Chứng tá giữa dân chúng
Báo cáo của hãng tin Fides lưu ý rằng nhiều người lo mục vụ bị sát hại trong các vụ cướp bóc, đôi khi thật tàn bạo. Một số bị bắt cóc hay bị chết trong các vụ đụng độ quân sự hay bạo lực. Họ đã ngã xuống trong khi dấn thân trong những hoàn cảnh nghèo đói về kinh tế và văn hóa, sự xuống cấp về đạo đức và môi trường, nơi mà bạo lực và áp bức hoàn toàn không coi trọng sự sống và quyền con người là một chuẩn mực. Họ không thực hiện những dự án lớn lao. Họ chỉ đơn giản chia sẻ cuộc sống của hầu hết những người được ủy thác cho họ chăm sóc, làm chứng về niềm hy vọng Kitô giáo.
Các “vị tử đạo” của đại dịch
Báo cáo năm nay của Fides cũng lưu ý rằng hàng trăm linh mục, tu sĩ, tuyên úy bệnh viện, nhân viên mục vụ tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng như các giám mục đã qua đời trong đại dịch khi đang thực hiện sứ vụ. Theo báo cáo, các linh mục và tu sĩ ở châu Âu là nhóm đông thứ hai, sau các bác sĩ, trong số các nạn nhân của Covid-19. Từ tháng 2 đến tháng 9 tại châu Âu có ít nhất 400 linh mục chết vì Covid-19. (CSR_9672_2020)
Hồng Thủy