Ơn gọi hôn nhân hay ơn gọi tu trì chỉ là những phương tiện giúp Kitô hữu đạt đến cùng đích cao quý.
Tôi với Kha được sinh ra và lớn lên trong một miền quê nghèo sùng đạo. Chúng tôi được hấp thụ một nền giáo dục đạo đức tốt lành ngay từ bố mẹ và các anh chị em trong gia đình cũng như nơi bà con xứ đạo.
Những giờ cầu nguyện chung trong gia đình, trong khu xóm, những giờ chầu thánh thể, dự thánh lễ hằng ngày đã ăn vào máu của chúng tôi. Chúng tôi nhiệt thành tham gia đoàn thiếu nhi, hội giúp lễ… Không biết tự bao giờ chúng tôi đã có ước muốn đi tu.
Cuộc gặp bất ngờ người bạn cựu chủng sinh
Học xong trung học, tôi xin tu ở Đan viện. Còn Kha, nhập lớp dự tu của Giáo phận rồi thi đậu Đại Chủng viện. Cứ tưởng đời tu sẽ xuôi chèo mát mái… Cho đến một hôm Kha tới Đan viện thăm tôi, tôi mới vỡ lẽ:
– Tớ thi đậu chủng viện. Nhưng đến năm thứ hai tớ nhận ra mình không có ơn gọi linh mục.
– Ô hay! Bạn đã sống trong chủng viện hai năm mà không có ơn gọi nghĩa là sao?
– Ừ, đối với tớ việc học trong chủng viện không thành vấn đề gì cả. Nhưng sang năm thứ hai làm chủng sinh, tớ đau yếu hoài, cảm thấy chán nản kinh khủng. Trong những giờ cầu nguyện, rồi cuộc sống chung với anh em, tớ thấy trống vắng, lạc lõng, xa lạ thế nào ấy. Có lẽ Thiên Chúa muốn hướng cho tớ một con đường khác phù hợp hơn con đường tớ đang chọn… Thân xác tớ ở trong chủng viện mà lòng thì khắc khoải, bồn chồn, cứ hướng ra thế gian thôi.
– Thế bạn có gặp gỡ, trao đổi với cha linh hướng không?
– Có chứ! Chuyện quan trọng cả đời mà cậu. Nghe tớ trình bày những xâu xé trong lòng, ngài khuyên tĩnh tâm, cầu nguyện và can đảm làm theo tiếng Chúa đang nói trong lương tâm.
– Sau khi rời khỏi chủng viện cuộc sống của bạn thế nào?
– Kể ra cũng không được vui lắm cậu ạ! Nhận thấy mình không có ơn gọi làm linh mục, tớ về nhà phụ giúp bố mẹ, những mong làm một người Kitô hữu tốt lành, làm sáng danh Chúa giữa đời như bao nhiêu người khác.
Ấy vậy mà, thế gian không như mình nghĩ. Tớ về sống giữa bà con xóm đạo, thấy rõ sự thay đổi của lòng người từ ánh nhìn trìu mến, khích lệ những năm trước, bây giờ đã thay bằng ánh mắt trách móc, soi mói, những lời chua cay, hằn học… Việc tớ xuất tu trở thành đề tài lớn cho mọi người bàn tán. Nhiều câu chuyện ly kỳ được thêu dệt: “Bị chủng viện đuổi, chắc là phạm lỗi gì nặng lắm…”, “đã ăn cơm Nhà Chúa mà nay dám bỏ Chúa…”. Ôi thôi! Mọi sự có Chúa biết, thế mà người ta cứ bịa như thật.
– Sao bạn không giải thích cho họ hiểu?
– Biết giải thích thế nào đây! Khi người ta quan niệm: Thi đậu vào chủng viện là được Chúa chọn rồi, cứ thế mà tiến lên linh mục thôi… Có lẽ cũng do tớ không đáp ứng được khát vọng của mọi người: “Chỉ hai ba năm nữa giáo xứ ta sẽ có cha… Làm rạng danh quê hương, dòng họ, làm ích cho Giáo hội…”. Kệ họ, tớ chẳng quan tâm!… Mọi sự đã qua, tớ không hối tiếc. Cám ơn Chúa đã cho tớ sống ở chủng viện hai năm để giờ đây tự tin phục vụ Chúa với những trách nhiệm ca trưởng và giáo lý viên. Tuy cuộc sống có vất vả, nhưng nhờ ơn Chúa gia đình tớ vẫn luôn bình an hạnh phúc.
– Ừ! Mình tạ ơn Chúa với bạn. Bạn thật can đảm khi chọn sống theo ý Chúa, ngay cả khi bị hiểu lầm. Điều kỳ diệu là bạn luôn cảm nghiệm được ơn bình an của Chúa trong những nghịch cảnh, điều đó người ngoài cuộc chẳng thể hiểu nổi. Cầu chúc gia đình bạn luôn hạnh phúc, làm sáng danh Chúa giữa đời!
Ơn gọi tu trì là sự kết hợp từ hai phía
Tạm biệt người bạn mà lòng tôi cứ miên man nghĩ về ơn gọi của anh, quả đúng là mầu nhiệm. Phải chăng anh cũng đại diện cho rất nhiều người tu xuất luôn đầy nhiệt huyết làm chứng cho Chúa giữa đời.
Giả như anh không rút khỏi chủng viện, cứ tiếp tục trong ơn gọi linh mục thì sẽ ra sao? Giả như các tu sĩ không chịu xuất tu khi nhận ra mình không có ơn gọi tu trì thì không biết họ có được hạnh phúc trong đời tu? Không biết họ có làm ích cho Giáo hội được bao nhiêu?
Thực ra, ơn gọi tu trì là sự kết hợp từ hai phía: khởi đầu là tiếng gọi nhưng không của Thiên Chúa và bên kia là sự tự do đáp trả của con người. Nếu chỉ có sự “cố gắng” từ phía con người thôi thì không còn là ơn gọi tu trì nữa. Hơn nữa ơn gọi tu trì cần được thử luyện qua một thời gian lâu dài mới rõ.
Có lẽ nên hiểu rằng, theo thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi người thì không có cái gì gọi là tình cờ, ngẫu nhiên hay không được hoàn hảo, ngay cả việc tu xuất. Đôi khi Thiên Chúa mời gọi một số người sống đời tu trì một thời gian là để Ngài huấn luyện họ trở thành những con người tài trí hơn, nhiệt thành hơn… để sẵn sàng xả thân loan truyền tình thương của Thiên Chúa giữa đời một cách hiệu quả hơn. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều đó khi các anh chị em này đảm trách các công tác phục vụ Giáo hội.
Phải công nhận rằng ơn gọi tu trì cao quý lắm! Hàng linh mục, tu sĩ được coi là những thành phần ưu tú của Giáo hội. Và “sự sống còn của Giáo hội tùy thuộc vào ơn gọi linh mục, tu sĩ” – Thánh Gioan Phaolô II.
Từ đó, ước ao cho có nhiều người sống ơn gọi thánh hiến là điều chính đáng tốt lành. Nhưng không vì thế mà người ta tự cho mình cái quyền “ép” người khác sống đời tu trì, theo kiểu “bước chân đi cấm kì trở lại”; hoặc quan niệm rằng đã “ăn cơm Nhà Chúa” thì suốt đời phải “ở trong Nhà Chúa”, không được về “thế gian” kẻo “Chúa phạt”.
Giáo Hội rộng mở cho những ai nhận thấy không có ơn gọi
Nếu thinh lặng cầu nguyện và suy niệm vài đoạn Kinh Thánh nói về việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ, chúng ta thấy rõ không bao giờ Ngài bắt “ép” ai phải đi theo Ngài. Chúa cũng chẳng “phạt” ai vì đã không theo Ngài.
Nhiều lần Ngài tha thiết mời gọi: “Hãy theo tôi” (Mt 9,9; Mc 1,17; Lc 9,59) hoặc “Nếu anh muốn nên hoàn thiện… hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Nhưng tuyệt nhiên Ngài không “ép”, Ngài hoàn toàn để con người có quyền tự do quyết định theo hoặc không theo Ngài. Vả lại chính Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: “Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (Mt 22,14; x. Lc 9,57-62).
Tìm hiểu Bộ Giáo Luật Về Đời Sống Thánh Hiến chúng ta cũng lại thấy một điều tương tự, có những quy định rõ ràng tôn trọng quyền tự quyết của mỗi người: “Mọi Kitô hữu đều có quyền tự do chọn bậc sống mà không bị ai cưỡng bách” (Điều 219), và Giáo luật nhắc lại một đòi hỏi mang tính Đức ái của Tin Mừng đó là: “Không ai được làm tổn thương danh dự của người khác” (Điều 220)
Giáo luật còn quy định chi tiết những điều kiện để thu nhận ứng sinh vào đời sống tu trì: “… Phải đủ tuổi, có sức khoẻ, tính nết thích hợp và đầy đủ các đức tính của sự trưởng thành, để đảm nhận nếp sống riêng của tu hội…” (Điều 642). Căn cứ vào điều này mà các ứng sinh có thể nhận biết được phần nào mình có ơn gọi tu trì hay không, để bước tiếp hoặc can đảm về đời.
Một cách minh nhiên, Giáo Hội mở lối thoát cho những ai nhận thấy mình không có ơn gọi thánh hiến khi thiết định: Tập sinh và tu sĩ mãn lời khấn có thể tự do rời bỏ dòng (Điều 653 và 688), và đặc biệt lưu ý đến nghĩa vụ bác ái đối với tu sĩ xuất dòng: “Tu hội phải giữ sự hợp tình hợp lý và đức bác ái của Phúc Âm đối với thành viên rời khỏi tu hội” (Điều 702).
Như thế, nếu Chúa và Giáo Hội chẳng những không lên án những người tu xuất, trái lại còn rất tôn trọng sự tự do và tuỳ thuộc theo tiếng lương tâm của họ, thì tôi là ai mà lại dám phán xét, lên án, có thành kiến với các anh chị em tu xuất?
Vì xét cho cùng, ơn gọi hôn nhân hay ơn gọi tu trì chỉ là những phương tiện giúp Kitô hữu đạt đến cùng đích cao quý và cần thiết hơn đó là nên thánh trong bậc sống của mình (Lumen Gentium, số 11; 40; 42).
Vậy thì, không khéo chúng ta lại trở thành những quan toà đầy ác tâm với các anh chị em của mình. Chẳng phải những lời nói cay nghiệt, những thái độ hằn học, trách móc của chúng ta chỉ làm cho cuộc sống của các anh chị em này ra nặng nề cay đắng hơn sao? Có lẽ cũng bởi thế mà một số anh chị em tu xuất đã có ít nhiều bất mãn trong cuộc sống. Như vậy chẳng phải là chúng ta đã lỗi đức bác ái với họ lắm sao?
Nếu nhìn thực tế một cách khách quan, chúng ta không thể phủ nhận những dấn thân tích cực phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân ở nơi các anh chị em tu xuất: Cứ nhìn vào các ông bà cố của các linh mục, tu sĩ nam nữ một phần là dân tu xuất.
Nhìn vào các viên chức trong hội đồng mục vụ giáo xứ cũng có những người tu xuất. Nhìn vào giới văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, ca trưởng, ca viên Công giáo lại cũng thấy các anh chị em tu xuất.
Nhìn vào các thiện nguyện viên, các tổ chức bác ái trong đạo, ngoài đời cũng lại xuất phát từ tâm huyết của những người tu xuất, một số anh chị em tu xuất giữ những chức vụ cao trong chính quyền họ thực là “nắm men được vùi vào hũ bột”; họ mang Chúa đến với mọi hạng người…
Còn rất nhiều điều tốt đẹp của người tu xuất chẳng bao giờ kể cho hết!
Mong sao, chúng ta cũng hãy nhiệt tâm như họ để mang Chúa đến với mọi người, ở mọi nơi theo ơn gọi của mình. Chính khi sống đúng theo ơn Chúa kêu gọi chúng ta sẽ trở nên nhân chứng của Chúa giữa trần gian.
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist.