“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài Thập Giá của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14).
Thập giá của Đức Giêsu, biểu tượng của tình yêu, một tình yêu hiến thân vì người mình yêu (x. Ga 15,13). Chính trong tình yêu ấy chất chứa cả một thế giới diệu kì. Với cây Thánh giá, sức mạnh của tình yêu, như một chìa khóa vạn năng, có thể giải cứu mọi vấn đề, mở ra mọi cánh cửa cuộc đời để dẫn con người vào con đường hạnh phúc. Tuy nhiên, trong cuộc sống, con người vẫn mãi tìm đến chìa khóa của thành công khác như: tiền bạc, danh vọng, địa vị và nhu cầu xác thịt. Vậy hạnh phúc thật sự bắt nguồn từ đâu? Phải chăng những hạnh phúc chóng qua cõi tạm trần gian có giúp con người thoát khỏi đau khổ không?
Nhìn vào lịch sử cứu độ, cho ta thấy: Dân Israel, một dân được tuyển chọn, một dân được gọi là dân riêng của Thiên Chúa và một dân tộc sống bằng nghề du canh du cư, nay đây mai đó. Trải qua năm tháng du mục, dân tộc Israel đã viết lên một trang sử oai hùng và hào kiệt.
Trong suốt dòng lịch sử đi về đất hứa, đoàn dân riêng của Chúa đã đi qua biết bao cuộc hành trình dài ngắn, song song bên các cuộc hành trình này dân Chúa đã để lại đằng sau những bước chân lên đường là vật chất, tinh thần và cả các bậc tổ tiên của họ. Trong tất cả những khó khăn gian khổ mà dân phải đối diện trong cuộc hành trình về đất hứa ấy, dân Israel đã tin vào ai? Họ đã đi tìm sức mạnh nơi đâu để vượt qua những khó khăn? Câu trả lời nào cho sự sống còn của một dân tộc? Thứ thuốc nào để chữa lành các dịch bệnh và đau khổ mà họ gặp phải?
Phải chăng câu trả lời đó chính là “Ngươi hãy làm một con rắn đồng và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” (Ds 21,8). Tại sao lại nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ thì ngươi được sống, cả dân tộc ngươi được tồn tại thịnh vượng. Nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ, cả dân tộc ngươi đủ sức đi về đất hứa. Tại sao ngươi không phải nhìn vào mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, hay Môsê người dẫn đường?
Nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ trở thành ánh sáng tình yêu chiếu soi vào cuộc đời của dân Chúa, trở thành sức mạnh, trở thành loại thuốc chữa lành và đem đến sự sống cho dân tộc Israel. Chính từ đây, Thiên Chúa đã làm cho Israel trở thành một nước hùng mạnh cho đến ngày hôm nay: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (x. Ga 19,37).
Hình bóng con rắn đồng treo lên cây cột đã cứu dân Israel trong thời Cựu Ước. Hình bóng đó đã được làm sáng tỏ nơi chính Đức Giêsu trong Tân Ước, khi Ngài mời gọi con người “nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”. Nhìn lên Đấng họ đâm thâu trên cây gỗ giá, nhân loại nhìn ngắm gì trên đó? Phải chăng nhìn ngắm một con người trần trụi không miếng vải che thân, xác thịt bê bết máu me và kiệt sức. Hay nhìn lên Đấng bị đâm thâu trên cây gỗ giá để thấy tội của nhân loại mà Đức Giêsu phải chấp nhận bị treo trên cây khổ giá ấy. Đây chính là “Giá Chuộc” trần gian khi Con Thiên Chúa vâng phục và tự hủy chính mình trên cây khổ giá!
Ẩn sau tất cả những đau khổ, lên án, nhạo báng, đòn roi, gai nhọn, hy sinh và tội lỗi của nhân loại mà Đấng treo Mình trên cây gỗ giá đã oằn mình gánh chịu, đó chính là tình yêu đến cùng, tình yêu hiến dâng, tình yêu cứu độ, và là sự vâng phục ý Cha đến tột cùng mà Đức Giêsu dành tặng cho Chúa Cha và nhân loại.
Chính từ điểm quy tụ “nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” trên cây gỗ giá mở ra một luồng ánh sáng vĩnh hằng, ánh sáng chiếu vào mọi ngóc ngách của đời sống nhân loại và trao ban một sự sống mới, sự sống viên mãn cho toàn thể vũ trụ, là cửa ngõ dẫn vào sự sống đời đời.
Với thân phận con người, ai trong chúng ta cũng mang những thập giá riêng đời mình: Thập giá của mưu sinh, thập giá của bệnh tật, thập giá của gia đình, thập giá của học hành, thập giá của tính nết… và biết bao những thập giá nhỏ bé, không tên nhưng không kém phần nặng nề. Và chúng sẽ trở thành khổ giá cho những ai mất niềm tin và mất hy vọng vào Đức Kitô. Chúng sẽ là thánh giá cho những ai biết kết hợp đời mình và sống thân tình với Chúa Giêsu Kitô.
Sống Mầu Nhiệm Thánh Giá Đức Kitô, mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh vì nhân loại. Đây cũng là lời mời gọi mỗi Kitô hữu nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh mỗi ngày.
Nhìn lên “Đấng họ đã đâm thâu” để thân thưa với Ngài biết bao chuyện vui buồn của nhân loại, của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta.
Nhìn lên “Đấng họ đã đâm thâu” để học yêu như Ngài đã yêu, để học biết vâng phục ý Cha như Ngài đã vâng phục và thi hành trọn vẹn.
Nhìn lên “Đấng họ đã đâm thâu” để xin Ngài chữa lành và tha thứ cho tội của nhân loại và tội của mỗi người chúng ta.
Nhìn lên “Đấng họ đã đâm thâu” để xin Ngài ban ơn, giúp sức cho chúng ta biết chu toàn bổn phận hằng ngày.
Nhìn lên “Đấng họ đã đâm thâu” để chúng ta kín múc ánh sáng tình yêu từ trên cao và soi chiếu vào mọi vấn nạn của trần gian.
Cuối cùng, chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thập Giá để chúng ta hiểu thấu đáo: Chúa Cha là tình yêu sáng tạo; Chúa Con là tình yêu cứu chuộc; và Chúa Thánh Thần là tình yêu thánh hóa và canh tân chúng ta mỗi ngày nơi những thập giá của phận người.
Cứ mỗi khi nhìn lên Thánh Giá Đức Kitô, dõi theo từng vết thương của Người, ta như thấy mình được vơi đi với những nỗi khổ đau mà ta đang trải qua. Cũng chính từ nơi Thánh Giá Chúa Kitô, ta mới nghiệm thấy quyền năng Thiên Chúa thật lớn lao dường nào! Quyền năng của Thiên Chúa được biểu hiện ở nơi Ngài và làm cho những khổ đau của chúng ta được bừng lên vị ngọt tình yêu. Nơi Thánh Giá Đức Kitô: Một tình yêu chỉ biết cho đi, một tình yêu quên cả mạng sống. Nơi Thánh Giá Đức Kitô cho ta một niềm tin, niềm hy vọng và lòng mến. Tuy nhiên, chúng ta có đủ tin yêu và có dám vác thập giá mình, đi lên đỉnh đồi “Calve cuộc đời” cùng với Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh không?
Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã treo mình trên Thánh Giá, xin cho con luôn qui chiếu cái nhìn của con vào Chúa, để khi nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu trên Thánh Giá mỗi ngày, con được kín múc tình yêu, sức mạnh, ánh sáng từ Thánh Giá Chúa tuôn trào. Xin giúp con luôn hân hoan, hạnh phúc, bình an để đem Tin Mừng Chúa đến cho mọi người con gặp và xin Thánh Giá Chúa luôn là ánh sáng soi vào cuộc đời con và là ánh sáng soi đường cho toàn nhân loại Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD