5 phút Lời Chúa mỗi ngày – Tháng 10/2021

Download 5 phút mỗi ngày – tháng 10-2021



01/10/21
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, trinh nữ, tiến sĩ HT 
Mt 18,1-5

NGƯỜI LỚN NHẤT

Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông, và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng vào được Nước Trời. Vậy ai tự hạ và nên như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18,2-4)

Suy niệm: Lần theo ánh sáng của đoạn Tin Mừng này, chị thánh Tê-rê-xa Hài Đồng đã sống và vạch ra linh đạo “Thơ Ấu Thiêng Liêng” làm con đường nên thánh cho biết bao nhiêu tâm hồn.

– Trước tiên, chị khiêm tốn nhận mình nhỏ bé: “Các vị thánh như những ngọn núi cao chót vót tận ngàn mây xanh, còn con như hạt cát ti tiện nằm dưới chân khách bộ hành, nhỏ bé không thể leo lên những bậc thang cao của bậc hoàn thiện được”.

– Rồi chị thánh tìm kiếm chiếc thang máy đưa mình lên, và chị đã khám phá ra chiếc thang máy đó là chính Chúa Giê-su: “Lạy Chúa Giê-su, chiếc tháng máy nâng con lên tới Chúa, chính là đôi cánh tay Chúa. Vì thế con không cần lớn lên, trái lại con phải bé mãi, mỗi ngày con phải dần dần bé đi.”

Mời Bạn: Tôi khiêm tốn chấp nhận giới hạn của mình và tin vào Chúa, tôi biết sống phó thác, đón nhận thành công và thất bại, niềm vui và nỗi buồn trong đời sống.

Chia sẻ: Tìm hiểu Chúa Giê-su đã nói và làm gì để dạy các môn đệ bài học sống khiêm tốn.

Sống Lời Chúa: Sống khiêm tốn và thực tình quí trọng người khác thay vì đề cao “cái tôi”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin học nơi Chúa bài học khiêm nhường và hiền lành, để sống đơn sơ, bé nhỏ, tin tưởng phó thác, bước theo con đường Chúa đi.



02/10/21
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Thiên Thần hộ thủ
Mt 18,1-5.10

NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH TIN CẨN

“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18,10)

Suy niệm: Các y bác sĩ thường được gọi một cách thân thương là các thiên thần áo trắng, vì sự tận tâm của họ chăm sóc và chữa lành những người đau yếu bệnh tật; đặc biệt trong thời đại dịch này, sự tận tuỵ ấy lại càng toả sáng dù tấm áo trắng có bị che phủ bởi lớp áo bảo hộ. Hình ảnh đó nhắc chúng ta ý thức mỗi người có một Thiên thần hộ thủ “hằng chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa” được Ngài sai đến đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Các thiên thần trợ giúp chúng ta trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, hướng dẫn và thúc giục nhận biết và làm những việc lành theo thánh ý Chúa. Vì thế, ai luôn vâng nghe sự hướng dẫn của các thiên thần, người ấy sẽ bước đi vững chắc trên con đường trọn lành đến với Thiên Chúa.

Mời Bạn: Nhiều người dễ dàng buông xuôi trước những cơn cám dỗ, hoặc có khi hoảng sợ vì hiện tượng quỷ nhập, đã chạy đến với những phương thế mê tín, mà quên rằng mình có sự đồng hành phù hộ mạnh mẽ và đầy tin cẩn của các Thiên thần hộ thủ. Lắng nghe lời các ngài hướng dẫn từ trong lương tâm để khôn ngoan chọn lựa ưu tiên cho Chúa và trung thành với Chúa, bạn nhé!

Sống Lời Chúa: Xin các Thiên thần hộ thủ trợ giúp bạn cầu nguyện để nhận biết ý Chúa và thực thi Lời Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban Thiên thần hộ thủ hướng dẫn con trên đường đời. Xin cho con biết tin cẩn và khiêm nhường lắng nghe sự hướng dẫn của ngài, để luôn sống theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Amen.



03/10/21
CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN – B
Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38

PHÚC ĐƯỢC ĐỌC KINH MÂN CÔI

Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)

Suy niệm: Thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong tông thư “Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a”, nói rằng: “Kinh Mân Côi là kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó” (số 2). Với lời xác định này, chắc chắn đức giáo hoàng cảm nhận được hạnh phúc khi đọc kinh Mân Côi. Bởi lẽ khi chúng ta đọc kinh Mân Côi là chúng ta được chào Đức Ma-ri-a bằng chính lời chào của sứ thần Gáp-ri-en: “Kính Mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ.” Kinh Mân Côi quả thật vô cùng quý giá đối với chúng ta vì như thánh Bô-na-ven-tu-ra nói: “Mẹ Ma-ri-a chúc phúc cho chúng ta với ơn lành, nếu chúng ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính Mừng.”

Mời Bạn: Khi hiện ra với các trẻ Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta ở Fa-ti-ma, Đức Ma-ri-a đã tự xưng mình là Mẹ Rất Thánh Mân Côi. Lúc ấy Đức Mẹ cũng nhắc lại sứ điệp ở Lộ Đức là kêu gọi con cái Mẹ năng lần hạt Mân Côi. Bởi đó, chúng ta lần hạt Mân Côi và lập đi lập lại lời sứ thần Gáp-ri-en không chỉ có giá trị do thiện chí của mình, mà còn có giá trị là thực thi mệnh lệnh của Mẹ Ma-ri-a. Thế nên, việc đọc kinh Mân Côi vừa là việc làm vui lòng Đức Mẹ, vừa là một hạnh phúc cho người đọc.

Sống Lời Chúa: Trung thành với việc đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, đặc biệt với ý cầu xin Đức Mẹ chuyển cầu cho cơn đại dịch sớm chấm dứt, và tìm ra những sáng kiến đưa kinh Mân Côi vào trong đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con mỗi lần đọc kinh Mân Côi là đọc trong tư cách người con yêu mến Mẹ Ma-ri-a và chào Mẹ bằng lời chào trang trọng, thiêng liêng đối với Mẹ.



04/10/21
THỨ HAI TUẦN 27 TN
Th. Phan-xi-cô Át-si-di
Lc 10,25-37

HÃY LÀM NHƯ VẬY

Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” (Lc 10,37)

Suy niệm: Về lý thuyết, nhà thông luật đã rất đúng khi nói chính xác điều răn trọng nhất để được sống đời đời là mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như chính mình. Vì muốn thể hiện mình, “muốn chứng tỏ mình có lý” ông hỏi tiếp: “Ai là người thân cận?” Chúa Giê-su kể câu chuyện người xứ Sa-ma-ri nhân hậu rồi hỏi ngược lại nhà thông luật ai là người thân cận với người bị cướp; một lần nữa ông đã trả lời đúng. Nhưng như thế mà thôi thì chưa đủ. Chúa Giê-su dẫn ông từ những suy tư lý thuyết đúng đắn đến hành động cụ thể để lan toả tinh thần của giới răn yêu thương đến với mọi người. Giới răn yêu thương cần phải thực hành mới có giá trị: “Hãy đi và làm như vậy.”

Mời Bạn: Thực thi lòng thương xót, đó là điều kiện thiết yếu đạt tới sự sống đời đời. Có trở nên “người thân cận” của anh chị em mình, bạn mới trở nên người thân cận của Chúa Giê-su (x. Mc 3,35). Giáo hội tự bản chất là truyền giáo (AG 2), mà để truyền giáo hữu hiệu, “tất cả các Ki-tô hữu, dù sống ở đâu, đều phải dùng chứng tá và gương mẫu đời sống… để lan toả đức ái Ki-tô giáo đế mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, tôn giáo” (AG 11-12). Bạn đã thực hiện giáo huấn đó của Giáo hội như thế nào?

Sống Lời Chúa: Tiết kiệm trong những chi dùng hằng ngày để dành cho những hoạt động bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ai nói mến Chúa mà không thương người, đó là kẻ nói dối. Xin giúp con luôn ý thức được điều này để biết xót thương mỗi ngày suốt đời con. Amen.



05/10/21
THỨ BA TUẦN 27 TN
Th. Faustina Kowalska, trinh nữ
Lc 10,38-42

CHỌN PHẦN TỐT NHẤT

Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42)

Suy niệm: Chúa Giê-su đã khen ngợi cô Ma-ri-a bởi vì cô đã chọn việc lắng nghe Lời Chúa là ưu tiên hơn mọi chọn lựa khác. Tất nhiên không phải vì thế mà Chúa đánh giá thấp việc phục vụ của cô chị Mác-ta. Ngài muốn nhấn mạnh rằng chọn lựa của cô Ma-ri-a là “tốt nhất và sẽ không bị lấy đi;” và ngay cả cô Mác-ta cũng đừng để vì phục vụ mà thiếu đi “phần tốt nhất” này. Mác-ta và Ma-ri-a không thể thiếu nhau trong đời sống thiêng liêng và hoạt động tông đồ của mỗi người Ki-tô hữu.

Mời Bạn: Khi phải chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, ta sẽ chọn điều tốt; giữa hai điều đều tốt cả, dĩ nhiên ta chọn điều tốt nhất. Đứng trước muôn vàn chọn lựa trong đời sống, bạn có sẵn sàng chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình không? Nếu bạn chọn Chúa, hãy tìm đến bên Chúa, hãy lắng nghe và suy gẫm Lời Ngài. Chắc chắn đó sẽ là phần tốt nhất cho đời sống thiêng liêng và cho linh hồn của bạn.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi người; đồng thời, tìm phương thế để nhắc nhớ và thực hành Lời Chúa trong các việc bổn phận và hoạt động thường ngày của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chọn lựa không phải là một việc dễ dàng, bởi vì đời sống chúng con thường bị chi phối bởi các vấn đề “cơm-áo-gạo-tiền”, bởi sự lôi kéo của danh-lợi-thú. Những điều đó nhiều khi làm cho chúng con quên mất việc lắng nghe Lời Chúa là việc quan trọng hơn cả. Xin giúp chúng con từ nay biết chọn Chúa là ưu tiên hơn cả cho cuộc đời chúng con. Amen.



06/10/21
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 27 TN
Th. Bru-nô, linh mục 
Lc 11,1-4

CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC GIÊ-SU

Khi Đức Giê-su cầu nguyện xong, thì một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.” (Lc 11,1b)

Suy niệm: Các môn đệ chắc hẳn đã được cuốn hút đến mức xuất thần khi nhìn ngắm Chúa Giê-su cầu nguyện nên sau đó, các ông đã đến xin Thầy dạy cầu nguyện. Và Ngài đã dạy kinh Lạy Cha. Ngài dạy chúng ta xin cho Nước Chúa, cho Danh Ngài được hiển trị, Ý của Ngài được thể hiện. Ngài cũng dạy chúng ta cầu xin cho các nhu cầu vật chất cũng như thiêng liêng hàng ngày. Ngài không chỉ ban cho một lời cầu nguyện mẫu, mà hơn thế, Ngài cho phép chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha; đó là ân huệ, vinh dự và hạnh phúc vượt quá mọi mơ tưởng, và nhất là, lời cầu của chúng ta được Thiên Chúa khứng nhận vì chúng ta cầu nguyện “nhờ Người, với Người, và trong Người,” là Đức Ki-tô, Con Yêu dấu của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Mỗi Ki-tô hữu chúng ta đều được học biết cách cầu nguyện: cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa để ngợi khen, cảm tạ, xin lỗi Chúa và xin ơn. Hằng ngày chúng ta có nhiều dịp cầu nguyện qua các giờ kinh nguyện và đặc biệt trong thánh lễ. Tuy nhiên, lắm lúc chúng ta cảm thấy khô khan, lười biếng cầu nguyện. Lắm lúc chúng ta không biết nói gì, thưa gì với Thiên Chúa, không biết phải cầu nguyện làm sao để được Thiên Chúa đón nhận. Mỗi khi như thế, bạn nhìn ngắm Chúa Giê-su cầu nguyện và thân thưa với Ngài: “Thưa Thầy, xin dạy con cầu nguyện.”

Sống Lời Chúa: Xác định cụ thể khung giờ dành cho việc cầu nguyện riêng cá nhân bạn và chung cho gia đình/cộng đoàn của bạn và quyết trung thành tuân thủ giờ cầu nguyện ấy.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha.



07/10/21
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 27 TN
Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38

MA-RI-A, ĐẤNG BA LẦN PHÚC

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)

Suy niệm: Trong chuỗi Mân Côi, kinh Kính Mừng là kinh được lặp đi lặp lại nhiều hơn cả. Kinh này có hai phần. Phần một suy niệm về ân phúc nhờ đó Mẹ được ca tụng; phần hai là lời khẩn nguyện của mỗi tâm hồn. Ở phần một, tiếng phúc được nhắc đến ba lần. “Phúc”, vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. “Phúc”, vì Mẹ được chọn giữa các người nữ. “Phúc”, vì Đức Giê-su ở trong lòng Mẹ. Nếu suốt chuỗi dài của lịch sử dân tộc mình, người Do Thái đã thấy hạnh phúc và bình an khi có Hòm Bia Thiên Chúa ở giữa họ, dù Hòm Bia chỉ là dấu chỉ, là sự thông báo có Đấng ban muôn ân phúc cho họ, thì nay, Đấng ấy đến trong lịch sử nhân loại, hiện diện trong lòng Mẹ. Mẹ là kho tàng ân phúc, bởi Đức Giê-su trong lòng Mẹ là nguồn mạch mọi ân phúc. Do đó, khi xướng kinh Kính Mừng, tín hữu vừa ca tụng tình yêu Chúa, vừa chúc mừng Mẹ, vừa nhận ra mình đang hạnh phúc như Mẹ: Chúa đang ở trong mình.

Mời Bạn: Mỗi khi hiện ra, Mẹ luôn kêu gọi siêng năng lần hạt Mân Côi, và thánh giáo hoàng Phao-lô VI đã nói: sau giờ kinh phụng vụ, chuỗi Mân Côi là cao điểm của kinh nguyện gia đình; vậy bạn sẽ trung thành lần chuỗi Mân Côi trong gia đình bạn chứ?

Sống Lời Chúa: Bạn dâng một chuỗi cầu nguyện cho một người hay một gia đình đang sống xa Chúa. Xin cho họ được phúc có Thiên Chúa ở cùng.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ, Mẹ được hạnh phúc vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ và Mẹ sống tận hiến đáp lại tình Chúa yêu. Xin cho con đừng quên lãng hạnh phúc này, nhất là khi rước Thánh Thể con Mẹ. Ước chi con biết tận hiến như Mẹ.



08/10/21 THỨ SÁU TUẦN 27 TN
Lc 11,15-26

SATAN CHIA RẼ CHÍNH MÌNH?

Nếu Sa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? (Lc 11,18)

Suy niệm: Cuộc chiến nào đi qua đều để lại sau lưng những hậu quả nặng nề. Nội chiến lại càng thảm thương hơn, vì đổ máu chính anh em, đồng bào của mình, gây thảm cảnh nồi da xáo thịt. Cho nên Đức Giê-su đã có lý khi phản bác luận điệu chụp mũ, thiếu lo-gic của một số người cho rằng Người “dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” Hoàn toàn sai lầm vì không nước nào tự chia rẽ mà lại đứng vững! Càng ngụy biện càng cho thấy sự sai lầm nghiêm trọng ngay từ trong nhận thức. Gốc rễ ngụy biện cũng từ thái độ không tin mà ra. Không tin nên khép lòng, ra sức chối bỏ mọi việc tốt đẹp Đức Giê-su đã làm. Việc trừ quỉ đem lại cho con người cuộc sống bình an, hạnh phúc. Đó là dấu chỉ “ngón tay Thiên Chúa” đang ‘chạm’ đến nhân loại và cứu chữa họ. Chỉ những ai tin mới để cho mình được chữa lành; còn kẻ không tin sẽ muôn đời trầm luân trong chính tội cứng lòng của họ.

Mời Bạn: Ma quỉ vẫn len lỏi vào đời sống con người dưới nhiều hình thức khác nhau như dối trá, ác độc, kiêu ngạo, phỉ báng… Bước theo Đức Giê-su là chọn đứng về phía Người, là dứt khoát chống lại những thói xấu ấy. Bất cứ sự lừng khừng hay thỏa hiệp nào với ma quỉ dù ở mức độ ‘nhẹ’ nhất chỉ khiến bạn ‘lơ lửng,’ đánh mất ơn sủng Chúa.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn hãy tập bỏ đi một thói quen xấu của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, ma quỉ như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Xin cho con biết tựa vào Chúa, sống tiết độ, tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức đẩy lui thế lực tối tăm ra khỏi lòng con. Amen.



09/10/21
THỨ BẢY TUẦN 27 TN
Th. Đi-ô-ni-si-ô, giám mục và các bạn tử đạo
Lc 11,27-28

HẠNH PHÚC CON NGƯỜI, NIỀM VUI CỦA THIÊN CHÚA

Có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Chúa Giê-su: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,27-28)

Suy niệm: Sự thành đạt của con cái luôn là niềm vui và tự hào đối với các bậc làm cha mẹ. Vì thế, khi chứng kiến những lời khôn ngoan và những việc kỳ diệu Đức Giê-su làm, một phụ nữ khen ngợi người mẹ diễm phúc đã “cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Quả vậy, nhìn vào người con, người ta thấy được thành quả của bao công lao của cha mẹ đã cưu mang dưỡng dục để người con đạt tới sự trưởng thành toàn diện, trở nên người hữu ích. Chúa Giê-su không muốn chúng ta dừng lại ở cái nhìn thuần tự nhiên như thế. Ngài cho biết hạnh phúc đích thực là hệ tại việc trở nên “mẹ và anh em của Ngài” nhờ biết “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 8,21). Những ai dạy dỗ con cái làm như vậy mới thật là diễm phúc; và Thiên Chúa cũng vui mừng khi chúng ta trở nên con cái trưởng thành của Ngài.

Mời Bạn: Để trở nên người con trưởng thành của Thiên Chúa, chúng ta phải noi gương Đức Giê-su Ki-tô, Người Con yêu dấu mà Chúa Cha giới thiệu: “Hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Các bậc làm cha mẹ sinh con ra mà thôi thì chưa đủ. Còn phải biết dạy dỗ con cái biết “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” nữa.

Sống Lời Chúa: Luôn dành thời gian mỗi ngày để lắng nghe, suy niệm Lời Chúa và thực hành Lời trong đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho những người trẻ trong chúng con đạt đến sự trưởng thành toàn diện nhờ bước đi trong ánh sáng Lời Chúa. Amen.



10/10/21
CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – B
Mc 10,17-30

THIÊN CHÚA QUẢNG ĐẠI

“Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” (Mc 10,27b)

Suy niệm: Phúc Âm theo thánh Mác-cô kể có một người đến hỏi Chúa Giê-su làm thế nào để “được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Chắc hẳn những ai quen biết anh ta đều khen anh là người tốt phước vì chẳng những anh anh giàu có mà còn là người đạo đức vẫn tuân giữ các giới răn. Cả đến như Chúa Giê-su cũng “đem lòng yêu mến” anh. Tiếc thay anh đã tính toán thiệt hơn, chỉ muốn tích góp để càng ngày càng sở hữu nhiều hơn, chứ không dám đem “những gì anh có mà cho người nghèo” đổi lấy sự sống đời đời mà anh mong muốn. Để đạt được sự sống đời đời, không chỉ sống “tốt” một cách tự nhiên, mà còn phải dám sống theo ý Chúa, dấn thân cách quảng đại đến mức cho đi tất cả “vì Chúa Ki-tô và vì Tin Mừng”. Và Thiên Chúa không thua kém chúng ta về sự quảng đại, Ngài sẽ ban lại cho chúng ta “gấp trăm ngay ở đời này.”

Mời Bạn: Để làm môn đệ Chúa Ki-tô, người Ki-tô hữu phải dám mạo hiểm dấn thân từ bỏ cách triệt để, dám sống niềm tin tưởng phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa. Mời bạn nhìn lại cuộc sống của chính mình để nhận ra ân sủng của Chúa luôn tràn đầy trong từng khoảnh khắc của dời mình. Bạn còn ngại gì mà không dám dấn thân trọn vẹn theo thánh ý Chúa?

Sống Lời Chúa: Trong giờ suy gẫm, bạn nhìn ngắm Chúa Giê-su quảng đại, bao dung (đối với người bệnh hoạn, tật nguyền, tội lỗi…), nhất là trong cuộc thương khó của Ngài, và bạn xin ơn bắt chước Chúa.

Cầu nguyện: Xin cho con dám tín thác vào Chúa và nhận ra tình yêu thương vô điều kiện Chúa dành cho con để con sẵn sàng chia sẻ với anh chị em của con.



11/10/21
THỨ HAI TUẦN 28 TN
Th. Gio-an XXIII, giáo hoàng
Lc 11,29-32

BỆNH SÍNH DẤU LẠ

“Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.”(Lc 11,29)

Suy niệm: Trong suốt sứ vụ công khai, Chúa Giê-su làm nhiều dấu lạ để minh chứng cho sứ vụ của Ngài và cũng để nâng đỡ đức tin của dân chúng. Tuy nhiên, trọng tâm và chủ đích của sứ vụ của Ngài không phải là ở các phép lạ mà là lời mời gọi hoán cải đời sống để đón nhận Nước Trời đã đến gần (x. Mc 1,15). Trong khi đó, dân Do Thái, hết lần này đến lần khác, chạy đến Chúa Giê-su để xin dấu lạ. Họ xem Chúa như một cỗ máy làm phép lạ, chứ không phải là Đấng cứu độ. Với não trạng ‘sính’ dấu lạ này, người Do Thái, dù đã tiếp xúc với Chúa, vẫn tiếp tục con đường lầm lạc mà không sám hối ăn năn. Chúa Giê-su cho họ biết chỉ có “dấu lạ Giô-na”, tức là cuộc Vượt Qua sinh ơn cứu độ của Người. Tuy nhiên, để thấy dấu lạ vĩ đại này, họ phải hoán cải đời sống như dân thành Ni-ni-vê xưa kia. Quả thật, chỉ khi hoán cái, người ta mới cảm nghiệm được dấu lạ mà thôi.

Mời Bạn: Nhiều Ki-tô hữu vẫn chưa thoát khỏi thái độ ‘sính’ phép lạ; việc chữa lành bệnh tật thần kỳ, với những ‘phép lạ’ giật gân, hay với những sứ điệp huyền bí nào đó. Ẩn đằng sau sự hiếu kỳ này là căn bệnh sính dấu lạ trong đời sống đức tin. Ki-tô giáo không phải là đạo ‘dấu lạ’, mà là chính Chúa Ki-tô. Do đó, sống đạo là theo sát gót Chúa Ki-tô, chứ không phải chăm chăm đi tìm kiếm các dấu lạ.

Sống Lời Chúa: Xin ơn hoán cải, để theo Chúa Ki-tô mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa giúp con loại thói thực dụng trong đời sống đạo, để con không mải mê tìm chúng nhưng say mê tìm Chúa mà thôi.



12/10/21
THỨ BA TUẦN 28 TN
Lc 11,37-41

THANH SẠCH TỪ TÂM HỒN

Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. (Lc 11,39)

Suy niệm: Tục ngữ có câu: “Tốt mã rã đám”, ý nói người mang bộ mã tốt đẹp mà bên trong không có thực lực gì thì chỉ làm hỏng chuyện thôi. Về phương diện thiêng thiêng, Chúa Giê-su lên án những người Pha-ri-sêu dựa vào việc thực hành đầy đủ những hình thức phô trương bên ngoài như rửa sạch “bên ngoài chén đĩa” để “tự phong” cho mình cái tiếng là đạo đức, trong khi đó, tâm hồn thì “đầy dẫy những chuyện cướp bóc gian tà.” Hình thức bên ngoài cũng là điều cần thiết, nhưng không được bỏ qua điều thiết yếu bên trong, “những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín” (Mt 23,23).

Mời Bạn: Sự trong sạch bên trong giúp chúng ta sống trọn vẹn cho Chúa, và trở thành bạn đồng hành tốt với tha nhân. Đừng vì mải mê trau chuốt những việc bên ngoài mà quên đi điều cần thiết trước hết và trên hết là thanh tẩy tâm hồn và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô từ trong tâm hồn mình.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình cách sâu xa để khám phá nết xấu chủ yếu của mình và chừa bỏ chúng hầu trở nên thanh sạch từ trong tâm hồn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gia tăng lòng khát khao thánh thiện trong con, tẩy sạch trong con mọi ý nghĩ và khuynh hướng xấu, giúp con cư xử tử tế, công bình và nói năng hòa nhã với người lân cận. Amen.



13/10/21
THỨ TƯ TUẦN 28 TN
Lc 11,42-46

BÊN NGOÀI VÀ BÊN TRONG

“Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Phải làm các điều này và không được bỏ các điều kia.” (Lc 11,42)

Suy niệm: Có người nói: “Trời cho những cái bên ngoài, để che những cái sơ sài bên trong.” Những thứ bên ngoài lắm khi được chú ý một cách thật tỉ mỉ nhưng thực chất chỉ nhằm che giấu thực trạng tồi tàn trống rỗng nội tâm. Tình trạng đó xảy ra trong đủ mọi lãnh vực từ việc quan hệ giao tiếp giữa người với nhau cho đến việc thờ phượng Thiên Chúa. Ngược lại có người phản ứng lại thái độ đó bằng cách phủ nhận mọi hình thức biểu dương bên ngoài, họ cho rằng chỉ cần giữ “đạo tại tâm” và không cần bất cứ hình thức thể hiện nào khác. Chúa Giê-su dạy chúng ta một đường lối trung dung: “Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia.” Hãy bắt đầu sống “công bình và nhân ái” và rồi việc bên ngoài như “nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ” sẽ là một trong những cách thể hiện “lẽ công bình và lòng nhân ái” đó.

Mời Bạn: Kiểm điểm xem mình có rơi vào trường hợp của người chỉ chu toàn những việc đạo đức bên ngoài nhưng lại thường xuyên lỗi sự công bằng và sống thiếu bác ái với tha nhân không?

Chia sẻ: Xét xem tổ, nhóm của chúng tôi có lỗi đức công bằng hoặc thiếu bác ái một cách tập thể với người khác không?

Sống Lời Chúa: Khi xét mình, bạn chú ý xét kỹ hơn các tội vi phạm đến đức công bằng và đức bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hoán cải tâm hồn còn ích kỷ nhỏ nhen của chúng con, để chúng con thực sự sống công bằng và bác ái như lời chúng con hằng tuyên xưng. Amen.



14/10/21
THỨ NĂM TUẦN 28 TN
Th. Ca-lít-tô, giáo hoàng, tử đạo
Lc 11,47-54

TÔN TRỌNG SỰ THẬT

“Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” (Lc 11,52)

Suy niệm: Trong thời công nghệ thông tin, muốn phá hoại một cơ quan hay công ty nào đó, ngoài việc “bẻ khoá” đánh cắp dữ liệu, tin tặc còn có thể “khoá cổng” ngăn người dùng không thể truy cập vào trang mạng của họ. Nói một cách tương tự, Đức Giê-su cho biết các nhà thông luật mang tội “khoá cổng” đó, khi họ ngăn chặn thông tin, bưng bít chân lý, làm cho người khác không thể hiểu biết rằng lời ngôn sứ về Đấng Cứu Thế thực sự đã ứng nghiệm nơi Ngài. Họ là những người thông thạo Kinh Thánh, nắm giữ “chìa khoá của sự hiểu biết”, là cánh cửa dẫn vào Nước Trời (x. Lc 8,10). Thế nhưng họ dành độc quyền giải thích Lề luật và lời ngôn sứ theo ý họ bằng lối giữ luật cách chi li, phô trương hình thức mà xao lãng điều quan trọng cốt lõi là “lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa” (Lc 11,42).

Mời Bạn: Che giấu sự thật hoặc chỉ nói một nửa sự thật cũng là một cách dối trá, ngăn chặn người khác tiếp cận sự thật toàn vẹn. Khi lên án các nhà thông luật, Chúa muốn mời gọi các Ki-tô hữu sống theo sự thật toàn vẹn, đừng vì sợ hãi mà không dám tuyên xưng niềm tin vào Đức Ki-tô, hoặc chỉ sống theo chân lý cách nửa vời mà lờ đi những giáo huấn gây cho mình những bất lợi, thiệt thòi trong xã hội trần thế này.

Sống Lời Chúa: Xét mình: Tôi có coi nhẹ, bỏ qua giáo huấn của Chúa chỉ vì gây bất lợi cho mình hay không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sống chính trực và dũng cảm làm chứng cho sự thật ngay trong đời sống hằng ngày của mình.



15/10/21
THỨ SÁU TUẦN 28 TN
Th. Tê-rê-xa Giê-su, trinh nữ, tiến sĩ HT
Lc 12,1-7

YÊU CHÂN THÀNH, KHÔNG SỢ HÃI

Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.(Lc 12,2)

Suy niệm: Chúa Giê-su nhiều lần cảnh báo các môn đệ phải coi chừng thói đạo đức giả, điển hình nơi những người Pha-ri-sêu, một thói xấu mà Ngài gọi là “men Pha-ri-sêu” bởi vì nó có nguy cơ lây lan tác hại đến tương quan với những người chung quanh và hơn nữa tác hại đến sứ mạng loan báo Tin Mừng. Người đạo đức giả khoác bên ngoài tấm áo đạo đức, nhưng bên trong đầy dẫy xấu xa. Dù có khéo che giấu, sớm muộn gì sự giả dối cũng sẽ bị lộ tẩy ra, và khi đó các mối tương quan bị gãy đổ bởi vì sự chân thành, tín nhiệm lẫn nhau không còn nữa. Mặt khác, tính đạo đức giả của “men Pha-ri-sêu” chính là lớp áo che đậy nỗi sợ không dám mạnh dạn “rao giảng trên mái nhà” chân lý cứu độ.

Mời Bạn: Nếu lối sống giả hình hai mặt làm tổn hại đến việc loan báo Tin Mừng, thì đối lại, người môn đệ Chúa Ki-tô, những người được Chúa gọi là “bạn hữu” của Ngài, càng phải sống chân thành trong mối tương quan với Chúa và với tha nhân để có thể mạnh dạn rao giảng mà không sợ hãi. Mối tương quan chân thành thực sự luôn là mối tương quan tình yêu. Và khi yêu thương thì không sợ hãi (x. 1Ga 11,18).

Sống Lời Chúa: Ôn lại những lần bạn nhận ra mình được Chúa yêu thương để xin được ơn mạnh dạn loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa yêu chúng con quá nhiều, nhưng chúng con nhiều khi thờ ơ với Chúa. Chúng con đến với Chúa nhiều khi thật giả tạo và vụ lợi. Xin cho chúng con nhớ lại tình yêu quan phòng của Chúa trong đời mình, để chúng con biết yêu Chúa hết lòng. Amen.



16/10/21
THỨ BẢY TUẦN 28 TN
Th. Ma-ga-ri-ta A-la-cốc, trinh nữ
Lc 12,8-12

SỨC MẠNH CỦA TRUYỀN THÔNG

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)

Suy niệm: Chỉ mới đây thôi, người ta mới nhận ra rằng văn hoá cũng là một lãnh vực làm ăn có lời mà có khi lời rất “đậm”. Bằng chứng là tại nước ta các điểm kinh doanh về văn hoá (nhà sách, dịch vụ internet…) vẫn đua nhau mọc lên. Quả thật, không ai chối cãi sức mạnh của văn hoá qua các phương tiện truyền thông như sách vở, báo chí, phim ảnh, TV, internet, v.v… một sức mạnh xây dựng cũng nhiều mà huỷ diệt cũng khủng khiếp. Hơn lúc nào hết, sứ mạng tuyên xưng danh Chúa “trước mặt thiên hạ” phải được đẩy mạnh bằng các phương tiện truyền thông hiện đại. Lời Chúa nghe được “trong phòng kín” có thể được chuyển ngay tức khắc thành “lời rao giảng trên mái nhà” mà ở mọi xó xỉnh xa xôi nhất trên thế giới đều có thể tiếp cận, truy cập được.

Mời Bạn: Người Ki-tô hữu tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ki-tô bằng chính cuộc sống của mình, điều đó đúng! Nhưng xin bạn đừng quên rằng nếu bạn không “nói” gì, không dùng những phương tiện truyền thông hiện đại để “nói” lên lời tuyên xưng của bạn, thì bạn đang bỏ lỡ một cơ hội bằng vàng để loan báo Tin Mừng. Tệ hại hơn, bạn đang bỏ ngỏ cửa nhà bạn để những ảnh hưởng xấu ùa vào tác hại trên chính người thân của bạn.

Chia sẻ: Bạn có sáng kiến nào để phổ biến cách nhanh nhất và hiệu quả nhất chứng từ loan báo Tin Mừng không?

Sống Lời Chúa: Gọi điện thoại, gửi email, gửi thư để chia sẻ cho một người bạn một chứng từ sống đức tin mà bạn nhận được.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.



17/10/21
CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – B
Mc 10,35-45

XIN NHƯ Ý CHÚA

Đức Giê-su bảo: “Các anh không biết các anh xin gì. Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10,38-39)

Suy niệm: Thần thoại Hy Lạp kể rằng vua Midas được vị thần cho ban một điều ước, muốn gì cũng sẽ được như ý. Nhà vua ước ông đụng tới bất cứ cái gì, cái đó sẽ hoá thành vàng. Nhưng chính lúc nhà vua vui mừng vì từ cung điện đến cọng rác trong đền vua đều hoá vàng thì tai hoạ ập tới: ngay cả thức ăn vừa chạm tới miệng nhà vua đã hoá thành vàng. Và dù là đói lả, nhà vua cũng không thể ăn được những miếng vàng ấy. Hình ảnh vua Midas tham lam đến độ mù quáng không biết mình phải ước điều gì, không chỉ là biểu tượng mà là có thật nơi hai môn đệ “không biết mình xin gì”: họ xin được quyền cao chức trọng trong vương quốc trần thế mà các ông nghĩ Thầy mình sẽ thiết lập. Chúa Giê-su chặn đứng ngay tham vọng nguy hiểm đó. Ngài khiển trách các ông đồng thời cho các ông biết điều cần xin –mà Ngài sẽ cho– là cùng uống “chén đắng” của Ngài, đó là vác thập giá theo Chúa để muôn người được cứu độ.

Mời Bạn: Theo tính tự nhiên, ai cũng cầu ước được sung sướng, quyền cao chức trọng. Còn Chúa khi chọn gọi ai làm môn đệ, Ngài muốn người ấy “uống chung chén đắng” với Ngài. Một vị thánh đã nói: Chúa yêu thương ai thì Ngài ban thánh giá cho người ấy. Bởi thế, nếu thấy đau khổ, khó khăn, thử thách xảy ra trong đời bạn, bạn nhớ rằng Chúa đang hỏi bạn: “Con có muốn uống chén đắng với Thầy không?” Mong rằng bạn sẽ thưa rằng: “Thưa Thầy, có.”

Sống Lời Chúa: Bạn sẵn sàng hy sinh dấn thân phục vụ anh chị em gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.



18/10/21
THỨ HAI TUẦN 29 TN
Th. Lu-ca, tác giả sách Tin Mừng
Lc 10,1-9

LỜI ĐẦU TIÊN: CHÚC BÌNH AN

“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5)

Suy niệm: Trong ngày Giáng sinh, các thiên thần đã nói thay Chúa Hài nhi gửi lời chúc bình an cho nhân loại, những người có thiện tâm. Suốt cuộc đời trần thế, Ngài chỉ mong mỏi một điều là sứ điệp của Ngài được mọi người đón nhận (x. Lc 19,42), để nhờ đó họ được hoà giải với Thiên Chúa và tái lập lại mối tương quan bình an mà họ đã “mất khi phạm tội vì bất phục tùng.” Ngay khi sống lại và hiện ra với các môn đệ, lời đầu tiên Chúa nói với các ông cũng là: “Bình an cho anh em!” Chính vì thế, khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, sứ điệp đầu tiên và không thể thiếu chính là lời chúc bình an; ngay cả khi những người nghe chưa sẵn sàng đón nhận, lúc đó “bình an đó sẽ quay về với anh em.

Mời Bạn: Là môn đệ Chúa Ki-tô, chắc chắn bạn phải là “sứ giả bình an”, nghĩa là ở đâu có mặt bạn, ở đó bình an của Chúa được lan toả; ở đó những gì là cãi cọ, ghen tương, bất hoà chia rẽ sẽ phải bị đẩy lui. Trong một thế giới đầy đau khổ đang phải oằn mình bởi cơn dịch bệnh hoành hành đây, bạn có thể bằng lời cầu nguyện và hy sinh của mình để xin ơn an ủi và trợ giúp những người đang đau khổ; và một cách cụ thể, bạn có thể chuyển tải sự bình an của Chúa bằng lời an ủi, khích lệ, bằng việc trợ giúp, chia sẻ tới những anh chị em đang lâm cảnh ngặt nghèo.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi tham dự Thánh lễ, kể cả trực tuyến, bạn thực hiện cử chỉ chúc bình an cho nhau một cách thật trân trọng và ý thức để luôn nhớ mình được Chúa giao sứ mạng đem bình an của Chúa đến với mọi người mà bạn gặp gỡ.

Cầu nguyện: Đọc, hoặc hát “Kinh Hoà bình”.



19/10/21
THỨ BA TUẦN 19 TN
Th. Gio-an Brê-bớp, linh mục và các bạn tử đạo
Lc 12,35-38

SỐNG TỈNH THỨC

“Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12,36)

Suy niệm: Dù đã được cứu chuộc để thừa hưởng hạnh phúc Nước Trời, các Ki-tô hữu vẫn phải trải qua cuộc hành trình chiến đấu trong cõi tạm này. Chính vì thế, Chúa dạy chúng ta phải luôn cảnh giác không để mình bị lôi cuốn vào con đường lầm lạc, sa lầy trong tội lỗi, nhưng luôn tỉnh thức như người tôi tớ trung thành sẵn sàng đón Chúa khi Ngài đến lúc chúng ta không ngờ. Thánh Phao-lô nhắc nhủ: “Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối; vì thế đừng ngủ…; tốt hơn hãy tỉnh thức, hãy điều độ” (1Tx 5,5).

Mời Bạn: Để đề phòng virus, các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch luôn mang khẩu trang, tấm chắn, mặc áo bảo hộ trùm kín từ đầu đến chân. Trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, các Ki-tô hữu cũng phải được trang bị đồ bảo hộ, vắcxin và cả “vũ khí sự sáng để chiến đấu” (Rm 13,12). Thánh Phao-lô dặn dò chúng ta hãy nhận lấy “toàn bộ binh giáp” trong kho vũ khí của Thiên Chúa: “lưng thắt đai là chân lý, áo giáp là sự công chính, khiên mộc là đức tin, mũ chiến là ơn cứu độ, và gươm của Thần Khí ban cho tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6,14-17).

Sống Lời Chúa: Có vũ khí rồi, phải luyện tập hằng ngày bằng việc suy niệm lời Chúa cùng với hy sinh và việc bác ái.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, Chúa hiểu gánh nặng của phận người. Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc mà con người lại yếu đuối mong manh… Xin giúp con để con đừng bỏ cuộc. Xin đồng hành với con để con không cô đơn… Xin cho con can đảm đối diện với những thách đố vì biết rằng cuối cùng chiến thắng thuộc về người có niềm hi vọng lớn hơn. Amen.” (Rabbouni, tr. 39)



20/10/21
THỨ TƯ TUẦN 29 TN
Lc 12,39-48

CHĂM SÓC “NGÔI NHÀ CHUNG”

Chúa Giê-su nói: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín và khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?” (Lc 12,42)

Suy niệm: Khi mà hiểm hoạ huỷ diệt môi trường sinh thái không còn là chuyện viễn tưởng, người ta mới nhận ra con người phải khẩn thiết ý thức trách nhiệm đối với vũ trụ này: “Hãy là những người quản lý tốt Trái Đất mà chúng ta được thừa hưởng. Tất cả chúng ta cùng chia sẻ hệ sinh thái và tài nguyên quý báu của Trái Đất này, và mỗi người chúng ta đều đóng một vai trò trong việc bảo tồn chúng” (Kofi Annan). Thật ra, khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã đặt họ làm người “quản lý Trái Đất” để “cày cấy và canh giữ đất đai”(x. St 1,26; 2,15). Hôm nay, Chúa Giê-su nhắc lại người “quản gia của Chúa” phải “trung tín và khôn ngoan” khi phục vụ tha nhân là “kẻ ăn người ở” trong “Ngôi nhà chung” là Trái đất này và là công trình của Chúa dựng nên cho chúng ta.

Mời Bạn: Thánh Gio-an Phao-lô II nói: “Cách riêng các Ki-tô hữu nhận thức rằng họ có trách nhiệm đối với thụ tạo, và bổn phận của họ đối với thiên nhiên và với Đấng Tạo hoá là một phần thiết yếu trong niềm tin của mình” (Sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình 1990). Để đối lại lối sống hưởng thụ ích kỷ, là căn nguyên sâu xa dẫn đến huỷ hoại môi trường, mời bạn góp tay xây dựng một nền văn hoá thân thiện môi trường qua lối sống tiết độ và biết hy sinh quên mình để chia sẻ và phục vụ tha nhân.

Sống Lời Chúa: Hằng ngày duyệt xét lại cách sử dụng của cải: 1/ Có phung phí, gây tổn hại cho môi trường không?  2/ Có quan tâm chia sẻ với những người yếu thế, dễ tổn thương không?

Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.



21/10/21
THỨ NĂM TUẦN 29 TN
Lc 12,49-53

BIỆN CHỨNG HOÀ BÌNH-CHIA RẼ

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao?… Không phải thế đâu, nhưng là sự chia rẽ.” (Lc 12,51)

Suy niệm: Hòa bình là khát vọng ngàn đời của nhân loại. Nhưng là thứ hòa bình nào? Có phải là thỏa hiệp với số đông, chịu đựng sự dữ, cái ác hay sống trong công lý, sự thiện? Giải đáp được vấn đề chia rẽ, xung đột biện chứng này, ta sẽ có một nền hòa bình đích thực. Thứ hòa bình quý giá và đích thực ấy được Chúa Giê-su giới thiệu trong Tin mừng hôm nay. Nhờ ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa bùng cháy trong tim, ta sẵn sàng hy sinh quên mình, chịu dìm trong đau khổ gian truân – tượng trưng qua phép rửa – để có thể phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, mưu cầu phần rỗi cho mình và cho người khác. Muốn sống tinh thần Tám mối phúc thật cũng như mến Chúa yêu người như Chúa dạy, ta không chỉ gặp xung khắc trong con người mình, nhưng còn với những người chung quanh, thậm chí với cả người thân. Thế nhưng, với ngọn lửa tình yêu Chúa, ta sẽ vượt thắng tất cả.

Mời Bạn: Người Ki-tô hữu, sứ giả của hòa bình, là ngọn đèn toả lan ánh sáng và gieo mầm sống tình yêu bác ái, cũng phải phải đấu tranh tư tưởng giữa những chọn lựa lớn nhỏ trong đời thường mỗi ngày. Một khi xác lập được tư tưởng và vị thế – sau một cuộc đấu tranh bản thân – bạn sẽ thấy được thế nào là sự chia rẽ Chúa Giê-su nói đến.

Sống Lời Chúa: Đừng nô lệ cho ai; hãy là nô lệ cho tình yêu Thiên Chúa. Chỉ khi ấy ta mới trở thành tác nhân của hòa bình đích thực.

Cầu nguyện: Dùng lời kinh Hòa bình để cầu nguyện: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.” Amen.



22/10/21
THỨ SÁU TUẦN 29 TN
Th. Gio-an Phao-lô II, giáo hoàng 
Lc 12,54-59

BIẾT XEM XÉT ĐIỀU GÌ LÀ PHẢI

“Cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?” (Lc 12,56-57)

Suy niệm: Dịch bệnh Covid-19 đã lấy đi sinh mạng nhiều người người Việt nam; có lúc hàng trăm người chết mỗi ngày. Đại dịch, đói khát, cái chết, đau khổ đánh thức suy nghĩ của ta về cuộc đời, phận người. Với trí tuệ, con người đã có thể làm nhiều điều kỳ diệu mà trước đây chỉ có trong truyện giả tưởng: con người đã có thể vượt ra khỏi trái đất để khám phá vũ trụ; dù cách nhau nửa vòng trái đất vẫn có thể giao tiếp như đang diện đối diện… Trí tuệ con người siêu phàm là thế; ấy vậy mà, con người vẫn vấp phải những giới hạn. Sinh vật có lý trí ấy đang phải vất vả chống đỡ một mất một còn với con virus tí hon, kích thước vỏn vẹn 125nm (1 nanomét = 1/tỷ mét). Ngẫm về con người như thế, “sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?” Có một Đấng đến cứu con người, “sao các người lại không biết nhận xét?” 

Mời Bạn: Với lý trí, con người kiêu ngạo muốn làm bá chủ vũ trụ, thay thế Thiên Chúa. Điều này có thể đạt được không, khi kẻ tưởng mình là bá chủ thế giới rộng lớn lại không làm chủ được sự sống của chính mình? Vì thế, sinh vật “người” nếu khôn ngoan, phải tìm đến Đấng là Chủ, là Tạo hóa của đất trời.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian để nghĩ về cùng đích cuộc đời, nhìn nhận có Thiên Chúa và sống khiêm tốn, khôn ngoan đúng thân phận mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, hôm nay lễ Thánh Gio-an Phao-lô II, xin cầu bầu cho con khôn ngoan, “đừng sợ” đón nhận Chúa là Đấng Cứu thế. Amen.



23/10/21
THỨ BẢY TUẦN 29 TN
Th. Gioan Ca-pét-tra-nô, linh mục
Lc 13,1-9

SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC SỐNG

“Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Lc 13,5)

Suy niệm: Con virus Covid-19 ở đâu đó xuất hiện, rồi lan tràn khắp thế giới, lấy đi mạng sống của rất nhiều người. Con người đã cầu xin Chúa, nài khấn Trời Phật cứu giúp. Mất kiên nhẫn vì lời cầu xin chưa được đáp ứng, không ít người thốt lên: Ông Trời ác quá, không thương con người! Thật kỳ lạ, điều gì không thỏa lòng, con người lại trút hết cho Thiên Chúa! Điều trớ trêu đó làm chúng ta nhớ lại biến cố ngày 11/9/2001 tại nước Mỹ: Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xảy ra một thảm họa khủng khiếp như vậy? Chúng ta có thể đã được nghe câu trả lời thật thâm thúy: Từ bao năm, chúng ta đã yêu cầu Ngài ra khỏi đời sống chúng ta; chúng ta đã khẩn thiết xin Ngài để mặc chúng ta một mình cai quản thế giới này. Chúa là người ‘quân tử’ nên đã lẳng lặng rút lui. Thiên Chúa là Đấng tốt lành, không tạo nên sự ác. Nói một cách sâu xa nhất, sự ác do chính con người chống lại Thiên Chúa và “nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

Mời Bạn: Điều kỳ lạ là con người có thể chối bỏ Chúa một cách dễ dàng, rồi sau đó lại tự hỏi tại sao thế giới biến thành địa ngục! Điều kỳ lạ là chúng ta có thể tin những gì truyền thông nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh thánh mặc khải! Chớ gì bạn hoán cải đổi đời và đây không phải là điều gì kỳ lạ.

Sống Lời Chúa: Sám hối để nhận ra chỗ đứng của mình và vị trí của Thiên Chúa trong đời mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cái chết  gắn liền với sự hiện hữu của con người. Xin ban sức mạnh để con sám hối và được sống lại với Chúa. Amen.



24/10/21
CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – B
Chúa Nhật truyền giáo
Mc 10,46-52

SÁNG CẶP MẮT ĐỨC TIN

Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi.” (Mc 10,47)

Suy niệm: “Giê-su, Con vua Đa-vít.” Làm sao anh mù lại có thể nói chính xác danh xưng của Đức Giê-su vậy nhỉ? Chắc anh ta cũng chỉ nghe người ta đồn thổi vậy thôi. Thế nhưng, bao người đã đi theo và nghe Thầy Giê-su, được mấy ai tuyên xưng cho đúng danh xưng của Ngài đâu, ngay cả các Tông đồ. May ra chỉ có người phụ nữ có con bị quỷ ám (Mt 15,22) và hai người mù bên vệ đường (Mt 20,30). Điều đó chẳng làm chúng ta ngạc nhiên sao! Chắc chắn không phải vô tình mà những người này gọi Đức Giê-su với các tước hiệu ấy; qua đó tuyên xưng niềm tin vào Đấng Mê-si-a Thiên Chúa đã hứa. Tất nhiên họ cần được chữa lành, được sáng mắt, nhưng con mắt đức tin của họ đã sáng trước rồi. Chính Chúa khẳng định điều đó: “Đức tin của anh đã cứu chữa anh!” nhờ đó “anh thấy được và đi theo Người.”

Mời Bạn: Mắt đức tin ‘thấy’ Thiên Chúa vô hình trong mọi sự và ‘thấy’ mọi sự trong Thiên Chúa vô hình. Khả năng đó sẽ giúp bạn không chỉ thấy cái bên ngoài, mà còn có thể nhận thấy cái bên trong. Bạn được mời gọi để ‘mang cặp mắt’ của Chúa ấy trong một thế giới đầy dẫy những hình ảnh tốt-xấu lẫn lộn. Bạn sẽ làm gì để đáp lại?

Sống Lời Chúa: Kiểm tra cặp mắt đức tin: trong mọi việc, tôi có nhìn bằng cái nhìn của Thầy Giê-su không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thấu rõ tận tâm can sâu thẳm của chúng con. Xin cho chúng con biết nuôi dưỡng đôi mắt đức tin bằng cách để cho Lời Chúa nên ánh sáng và sức sống của đời chúng con. Amen.



25/10/21
THỨ HAI TUẦN 30 TN
Lc 13,10-17

VỮNG TÂM TRÔNG CẬY CHÚA

Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. (Lc 13,10)

Suy niệm: Người phụ nữ bị còng lưng, không phải do bệnh thông thường, mà là “do quỷ làm”. Chiếc lưng còng khiến bà không thể ngẩng cao đầu. Bà sống trong mặc cảm. Mong mỏi lớn nhất của bà là được chữa lành, được giải thoát khỏi quyền lực ác thần. Chắc hẳn khi ở hội đường, nơi mọi người họp nhau tôn vinh Chúa, bà đã dâng lên Chúa nỗi đau khổ cũng như khát mong của mình. Suốt 18 năm sống chung với chiếc lưng tôm ấy, bà vẫn trung thành có mặt tại hội đường, một dấu hiệu cho thấy bà không hề thất vọng ngã lòng. Trái lại bà vẫn một lòng kiên trì tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chắc chắn Chúa Giê-su thấu rõ tâm tư của bà. Ngài đã chữa lành cho bà. Niềm tín thác của bà được Chúa khấng nhận. Bà được đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.

Mời Bạn: Có người đã ngã lòng trông cậy khi thấy Chúa có vẻ chẳng đoái hoài đến lời cầu xin của mình trong lúc nguy biến giữa đại dịch Covid này. Bài học đức tin của người phụ nữ trong Tin mừng mời gọi chúng ta vững lòng trông cậy vào tình thương của Chúa, kiên trì cầu nguyện, trung kiên sống theo đường lối của Ngài. Thiên Chúa là Cha giàu lòng nhân hậu, là Đấng Toàn Năng, Toàn Trí, lẽ nào lại có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những đau khổ hoạn nạn con cái Ngài phải chịu. Bạn có thực sự xác tín như thế không?

Sống Lời Chúa: Kết hiệp thường xuyên với Chúa bằng cầu nguyện và tham dự thánh lễ mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con không ngã lòng trước sự dữ và đau khổ, nhưng một niềm tin thác vào Chúa.



26/10/21
THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21

MEN TRONG BỘT

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột…” (Lc 13,21)

Suy niệm: Nước Thiên Chúa không đến một cách ầm ĩ như một biến cố thấy được từ bên ngoài. Trái lại nước đó “giống như chuyện nắm men trong bột”. Giống như men bị chôn vùi giữa thúng bột, Nước Thiên Chúa bị chôn vùi giữa lòng thế giới. Giống như men, dậy lên cách âm thầm, tuy ít, nhưng lại có khả năng biến đổi cả thúng bột nhiều hơn nó gấp bội, Nước Thiên Chúa cũng biến đổi thế giới từ bên trong, bằng chính những nhân tố của thế giới.

Mời Bạn: Dụ ngôn men trong bột đề ra một linh đạo thích hợp đặc biệt với tính cách trần thế của người giáo dân. Người giáo dân làm chứng cho Tin Mừng không phải bằng cách tách ra khỏi thế giới, nhưng bằng cách đi vào giữa lòng thế giới, dùng chính đời sống hằng ngày của mình để thánh hoá bản thân và nhờ đó thánh hoá thế giới. Không phải thời gian bạn ở trong nhà thờ, nhưng là chính thời gian bạn ở nhà bạn, ở trường học, ở nhà máy, xí nghiệp, v.v… mới chiếm phần lớn cuộc sống của bạn. Vì thế, người giáo dân trở thành men trong bột bằng cách chu toàn những bổn phận hằng ngày của mình trong gia đình, trong công ăn việc làm, theo đúng giáo huấn của Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Chọn một việc bạn thường làm hằng ngày trong nghề nghiệp của bạn để thực hiện với tất cả ý thức và ý muốn làm thật tốt để vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,… xin cứ dùng con làm tất cả, cho mọi người được hạnh phúc an vui. Còn phần con, xin gửi hết nơi Ngài là tình yêu và lẽ sống của con. Amen.”



27/10/21
THỨ TƯ TUẦN 30 TN
Lc 13,22-30

CỐ LÊN! CỐ LÊN!

“Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách mà không thể được.” (Lc 13,24)

Suy niệm: Khán giả Việt Nam thường reo “Cố lên! Cố lên!” để cổ vũ cho đội nhà thi đấu. Họ muốn khuyến khích “gà nhà” mạnh mẽ chiến đấu để chiến thắng. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su cũng muốn chúng ta cố lên, chiến đấu qua cửa hẹp mà vào thiên đàng, vì con đường rộng thênh thang dẫn đến diệt vong; đường thênh thang không cần phải phấn đấu gì. Phương thế chiến đấu và chiến thắng là “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa.” Con đường này chẳng mấy ai đi và muốn đi. Vì thế, bước vào con đường này ta như lạc loài, tựa như các cô cậu bé mồ côi. Tuy nhiên, con đường này thật giá trị trước mắt Chúa vì “có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”

Mời Bạn: Người Ki-tô hữu giống người leo núi, dừng lại là thụt lùi, buông tay sẽ rơi xuống vực sâu. Hình ảnh cửa hẹp, leo núi minh họa cho bạn con đường hào hùng người môn đệ Chúa sẽ phải đi qua. Vất vả trăm chiều nhưng đích điểm vinh quang hạnh phúc. Hãy tự nhủ: “Cố lên! Ông kia bà nọ làm được, tôi cũng phải làm được.”

Sống Lời Chúa: Như một vận động viên  marathon, chúng ta có đường chạy là con đường Giê-su, đích đến là chính Chúa Giê-su. Hãy sống hết mình vì Ngài và cho Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chọn cửa hẹp là con đường thập giá để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Ngày hôm nay khi nghe tiếng Chúa mời gọi, xin cho con đừng cứng lòng, nhưng chấp nhận từ bỏ con đường thênh thang hưởng thụ để theo Chúa. Amen.



28/10/21
THỨ NĂM TUẦN 30 TN
Th. Si-mon và Giu-đa, tông đồ
Lc 6,12-19

TÊN GỌI VÀ SỨ MẠNG

Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông đồ. (Lc 6,13)

Suy niệm: Dưới cái nhìn của thánh sử Lu-ca, việc chọn gọi mười hai Tông đồ quan trọng lắm đến nỗi Thầy Giê-su “đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” Danh xưng “tông đồ” (trong nguyên ngữ Hy Lạp là “Apostolos”) là người được sai đi, nhà truyền giáo. Kể từ giây phút ấy, Nhóm Mười hai là những người giữ sứ vụ tông đồ (x. Cv 1,25), cộng tác vào công trình ‘xây dựng’ của Dân Mới. Si-mon được Thầy đặt cho tên mới – Phê-rô – mà theo truyền thống, từ đây, ông lãnh nhận một sứ vụ riêng biệt. Sau khi ở với Thầy, được Thầy huấn luyện, dạy dỗ, các ông được sai đi loan Tin Mừng Nước Trời khắp tứ phương thiên hạ. Si-mon và Giu-đa (còn gọi là Ta-đê-ô) đã cùng nhau sang Ba Tư truyền giáo và minh chứng tình yêu với Thầy bằng máu tử đạo tại đất nước này.

Mời bạn: Hãy nhớ bạn là người Ki-tô hữu. Ngày lãnh Bí tích Thánh tẩy, bạn mang một danh hiệu mới, có một tên gọi nữa. Vậy là bạn cũng đang mang một sứ vụ riêng trong lòng Giáo hội. Các Tông đồ, môn đệ thời ấy được sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ. Hôm nay bạn cũng được mời gọi, sai đi làm chứng cho Chúa trong bậc sống và môi trường của mình: giáo dân, tu sĩ, linh mục; ông-bà-cha-mẹ-con-cháu…

Sống Lời Chúa: Minh định lại tên gọi của mình để dấn thân hơn nữa cho sứ mạng bạn đang được Chúa giao phó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con được làm người và làm con Chúa. Xin tạ ơn Chúa về bậc sống, sứ vụ con đang được giao phó và nỗ lực dấn thân. Xin Chúa giúp con chu toàn với tất cả niềm vui và niềm hăng say. Amen.



29/10/21
THỨ SÁU TUẦN 30 TN
Lc 14,1.7-11

HÃY NGỒI VÀO CHỖ CUỐI

“Khi anh được mời thì hãy ngồi vào chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho.” (Lc 14,10)

Suy niệm: Không gì minh họa cho thái độ “ngồi vào chỗ cuối” bằng chính cuộc đời Chúa Giê-su. Khi sinh ra, Người chọn sinh ra trong hang đá, làm một Hài Nhi “bọc trong tã, nằm trong máng cỏ.” Ngài là con “bác thợ mộc Giu-se” nghèo hèn. Khởi đầu đời sống công khai, Ngài đến sông Gio-đan ở đó “toàn dân chịu phép rửa, Ngài cũng chịu như họ.” Ngài đồng bàn với bọn tội lỗi, phường thu thuế, tức là với hạng người bị loại trừ trong xã hội. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã làm việc của một đầy tớ khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.

Mời Bạn: Chúa Giê-su đã chọn chỗ ngồi rốt hết, còn tôi, phải chăng tôi đã theo thói thường, tranh giành chỗ nhất. “Khi chọn làm công việc rửa chân, một công việc thường được gán cho các tôi tớ thấp hèn nhất, Chúa Giê-su  muốn xác nhận rằng, hành động khiêm nhường này – vốn soi sáng toàn bộ cuộc sống và cái chết của Ngài – phải được coi là chuẩn mực cao nhất, đặc biệt đối với những ai được gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo Tin Mừng của Ngài và sứ mạng hiệp nhất tất cả các môn đệ trong tình yêu của Ngài” (Bernard Haring).

Sống Lời Chúa: Sống tôn trọng người khác, chấp nhận chính mình với những khuyết điểm, bất toàn, không bất mãn khi không được biết đến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã song giữa chúng con như một người đến để phục vụ, hạ mình đến nỗi bằng lòng chết và chết trên Thập Giá. Xin cho chúng con noi theo gương Chúa, sống hiền lành và khiêm nhường, bé nhỏ trước mặt Chúa và anh em. Amen.



30/10/21
THỨ BẢY TUẦN 30 TN
Lc 14,1.7-11

LÀ TÔI TỚ CỦA THIÊN CHÚA

“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,11)

Suy niệm: “Tôi đứng đây trước các bạn không như một ngôn sứ, nhưng tựa người tôi tớ khiêm tốn của các bạn, người dân” (Cố Tổng thống Nam Phi N. Mandela). Người đã chọn chỗ cuối trong bàn tiệc cuộc đời này chính là Đức Giê-su, vị Thiên Chúa làm người. Được dân chúng tung hô là ngôn sứ, thậm chí là Đấng Mê-si-a; môn đệ suy tôn là Con Thiên Chúa hằng sống; nhưng Ngài lại sống như người tôi tớ Thiên Chúa: đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Đỉnh cao của chỗ cuối ấy là quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, cái chết nhọc nhằn trên thập giá. Bài Tin mừng hôm nay không dạy ta cách đối nhân xử thế, sự khôn ngoan giao tế, nhưng nhắn nhủ ta chọn tư thế người tôi tớ Thiên Chúa để phụng sự Chúa và phục vụ người lân cận trong cuộc đời.

Mời Bạn: “Khiêm tốn với người trên là bổn phận, với người đồng cấp là lịch sự, với kẻ dưới là sự cao quý” (B. Franklin). Một khi ý thức tư thế người tôi tớ Thiên Chúa trong bàn tiệc cuộc đời chóng qua này, dù ở chức vụ gì, bạn cũng sẽ cư xử khiêm tốn, nhã nhặn với người trên, người ngang hàng và người dưới.

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín mình là người tôi tớ của Thiên Chúa, khiêm tốn thờ phượng Chúa, khiêm nhường phục vụ anh chị em, và khiêm nhu trong bất cứ vai trò nào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con nhìn ngắm mẫu gương khiêm tốn, âm thầm chọn chỗ cuối trong bàn tiệc cuộc đời của Chúa. Xin cho con noi gương Chúa trong hành trình theo Chúa mỗi ngày: dù ở bất cứ vai trò, chức vụ nào, con luôn khiêm nhường phụng thờ Chúa và yêu thương phục vụ nhau. Amen.



31/10/21 CHÚA NHẬT TUẦN 31 TN
Mc 12,28b-34

YÊU CHÚA VỚI TRỌN CON NGƯỜI

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa… hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức lực ngươi.” (Mc 12,30)

Suy niệm: “Có mối liên hệ sâu xa giữa việc cảm nhận Chúa, yêu mến Chúa, và cậy trông Ngài. Bạn sẽ cậy trông Chúa nhiều như yêu Ngài. Bạn sẽ yêu Chúa đến mức như đã đụng chạm đến Ngài, hơn là Ngài đụng chạm đến bạn.” (B. Manning). Không thể yêu khi bị ép buộc, ta chỉ có thể yêu thương trong tư thế tự do. Với Chúa cũng vậy thôi! Ta yêu Chúa vì cảm nhận mình được yêu thương trước từ thuở nào. Ta yêu Chúa với trọn trí óc, nhìn nhận Ngài là Đấng Tạo hóa dựng nên ta, là Cha nhân lành yêu thương ta; rồi dành thời gian để học biết Ngài. Ta yêu Ngài với trọn quả tim, đặt Ngài là ưu tiên số một trong các thứ ưu tiên của đời mình, hạnh phúc vì có Ngài trong đời. Ta yêu Ngài với trọn con người, để Ngài chi phối đời ta, trong từng lựa chọn lớn nhỏ đời mình.

Mời Bạn: “Nếu yêu Chúa với trọn quả tim, linh hồn và sức lực ta là điều răn lớn nhất, vậy thì điều tiếp theo không yêu Ngài như vậy sẽ là tội lớn nhất” (R. Torrey). Hình như bạn quên thứ tội nặng nhất này; còn nhớ mỗi lần xưng tội bạn chưa xét thứ tội lớn nhất này bao giờ. Lời Chúa hôm nay là cơ hội quý báu để bạn duyệt xét lại toàn bộ hướng đi cuộc đời, để rồi thực hiện điều răn số một cho bằng được, cũng như nỗ lực tránh tội nặng nhất hết sức có thể.

Sống Lời Chúa: Tôi hạnh phúc vì được biết Chúa, thờ phượng Ngài, cũng như có Ngài đồng hành với mình mỗi ngày. 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là mẫu gương sống cho con về điều răn mến Chúa yêu người. Xin cho con yêu Chúa với trọn trí óc, trái tim và con người của con. Xin cho con cũng yêu người như Chúa đã yêu con. Amen.