01.08.21 CHÚA NHẬT TUẦN 18 TN – B
Ga 6,24-35
MUỐN TRƯỜNG SINH BẤT TỬ
“Chính Tôi là Bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)
Suy niệm: Trong truyện Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không nhờ ăn trái đào tiên của bà Tây Vương Mẫu và linh đơn của Thái Thượng Lão Ông trên thiên đình mà được trường sinh bất tử. Trong kho chuyện thần thoại của Rôma cũng có niềm tin rằng sở dĩ các vị thần bất tử nhờ được nuôi dưỡng bằng một thứ thức ăn kỳ diệu tên là ambrosia và loại thức uống có tên nectar. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với chúng ta rằng niềm mơ ước bao đời của nhân loại không phải là chuyện thần thoại nữa, mà đã thành sự thật: Ngài đến để ban tặng cho con người thứ thức ăn và thức uống kỳ diệu làm cho nhân loại được trường sinh bất tử và thứ lương thực kỳ diệu ấy chính là Thịt và Máu Thánh Ngài. Dĩ nhiên, đó không phải là sự sống tự nhiên được kéo dài, nhưng là một sự sống mới, hoàn toàn khác, đó là chính sự sống của Thiên Chúa thông ban cho chúng ta.
Mời Bạn: Nhớ rằng Đức Giêsu chứng minh Lời mình bằng cách ngủ một giấc ngủ sự chết, để rồi đến ngày thứ ba Ngài sống lại vinh hiển và sống mãi. Khi bạn lãnh nhận Thánh Thể là bạn đang lãnh nhận Thân Xác phục sinh ấy.
Chia sẻ: Tại sao tôi vẫn thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể, nhưng đời tôi chưa có những thay đổi tích cực?
Sống Lời Chúa: Rước Thánh Thể mỗi tuần – và nếu có thể, mỗi ngày – và sốt sắng cám ơn sau khi rước Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã tự hạ trở thành lương thực đem lại cho chúng con sự trường sinh bất tử. Xin cho chúng con có tâm hồn trong sạch và thái độ trân trọng khi rước Chúa. Amen.
02.08.21 THỨ HAI TUẦN 18 TN
Thánh Eusebiô Vercellêsi, GM
& Thánh Phêrô Giulianô Eymard, LM
Mt 14,13-21
CHẠNH LÒNG THƯƠNG NHƯ CHÚA
Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. (Mt 14,14)
Suy niệm: Vô cảm, lạnh lùng, là một trong những căn bệnh đang lây lan trong thời đại chúng ta. Khi bị nhiễm căn bệnh này, con người như vô tâm trước nỗi đau của đồng loại, lạnh lùng với sự cùng khổ của anh chị em đồng loại mình. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta biết chạnh lòng thương như Chúa Giêsu. Thấy đám đông theo Ngài trong hoang địa, Chúa thấu hiểu nỗi khổ của họ. Và Ngài không dừng lại ở tình cảm suông mà đã ra tay hành động: cho họ ăn, và chữa lành các bệnh nhân. Hành động với tấm lòng biết chạnh thương như Chúa chính là phương thuốc cho những trái tim và cho xã hội đang nhiễm căn bệnh vô cảm của thời đại này.
Mời Bạn: Mẫu gương “biết chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu có là nguồn cảm hứng cho cuộc sống của bạn chưa? Mời bạn tự bắt mạch xem mình có mắc chứng bệnh vô cảm của thời đại hay không? Quanh bạn, có biết bao mảnh đời lầm than, những gia đình bất hoà, những tâm hồn đang tuyệt vọng vì thất bại trong cuộc sống, v.v… Họ đang cần một tấm lòng biết chạnh thương. Bạn có nhận ra họ và đem đến cho họ niềm an ủi và hy vọng của Chúa Kitô không?
Chia sẻ: Bạn cảm nghĩ gì khi đọc tin tức trên báo chí về những “sự cố” vô cảm xảy ra đây đó trong xã hội?
Sống Lời Chúa: Huấn luyện trái tim biết chạnh lòng thương bằng cách: – dành một phút cầu nguyện cho những ai đang cần đến lòng thương xót của Chúa; – và chia sẻ gánh nặng công việc với người thân ngay trong gia đình của bạn.
Cầu nguyện: Kinh Kính Mến.
03.08.21 THỨ BA TUẦN 18 TN
Mt 15,1-2.10-14
Ô UẾ VÀ TINH SẠCH
“Không phải cái vào miệng làm con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra…” (Mt 15,11)
Suy niệm: Ô uế là một ý niệm chìa khóa trong Thánh Kinh. Nó gắn liền với cảm thức về sự thánh thiện, tinh tuyền của Thiên Chúa. Người hay vật ô uế thì bất xứng với Thiên Chúa, và cần phải được thanh tẩy. Nhưng chẳng biết từ lúc nào, ý niệm này được hiểu một cách máy móc, hoàn toàn phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Dần dần người ta chỉ lo làm hay tránh những điều hoàn toàn bên ngoài để khỏi ô uế, mà không hề quan tâm đến sự trong sạch trong tâm hồn mình. Ý niệm về ô uế hay tinh sạch cũng dần co lại nơi chính nó, và đặc tính tương quan (với Thiên Chúa) không còn được thấy rõ nữa.
Chính trong bối cảnh này mà Đức Giê-su đã bày tỏ quan điểm của Ngài. Ngài chuyển tiêu điểm của ô uế hay tinh sạch vào bên trong. Và Ngài giới thiệu một vị Thiên Chúa thấu suốt tâm can người ta và quan tâm trước hết đến những gì ở trong đáy lòng ấy: “Không phải cái vào miệng làm con người ra ô uế, nhưng chính là cái từ miệng xuất ra”!
Mời Bạn: Chúng ta quan tâm đến sự sạch sẽ của thực phẩm, y phục, nhà cửa, môi trường. Chúng ta chống lại mọi hành động gây ô nhiễm nguồn nước, bầu không khí, v.v… Nhưng còn tư tưởng, tâm hồn của chúng ta thì sao? Ta đi xưng tội để được Chúa tha thứ; nhưng Bí tích Sám hối này có được ta cử hành thực sự từ trong tâm hồn, chứ không qua loa, máy móc không?
Sống Lời Chúa: Thành tâm đặt mình trước mặt Chúa và kiểm điểm cuộc sống của mình.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy…”
04.08.21 THỨ TƯ TUẦN 18 TN
Thánh Gioan Vianney, LM
Mt 15,21-28
LÒNG TIN MẠNH THẬT!
Bà ấy nói: “Thưa Ngài, lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Đức Giê-su đáp: “Này bà lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” (Mt 15,27-28)
Suy niệm: Trong khi các môn đệ, và ngay cả Phê-rô vẫn bị Chúa trách vì lòng tin yếu kém, thì người đàn bà Ca-na-an này lại là một trong số ít người được Chúa khen có lòng tin mạnh mẽ. Đó là một lòng tin kiên trì đến độ lì lợm. Một lòng tin mạnh mẽ đến độ bất chấp mọi sỉ nhục. Lòng tin của bà đã biến điều không thể thành có thể, một lòng tin có sức khiến cả Chúa cũng phải thay đổi chương trình của Ngài. Lòng tin của bà quả là “mạnh thật”. Và Chúa đã xác nhận sức mạnh của lòng tin đó khi nói: “Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”
Mời Bạn: Não trạng “hiện đại” của chúng ta ngày nay thường nghĩ rằng tin vào Thiên Chúa như thế là hạ thấp phẩm giá con người. Thế nhưng, lạ một điều, người ta lại dễ dàng đặt niềm tin của mình vào những điều thật là tầm thường, kém cỏi: Bạn nghĩ gì về những lời quảng cáo coi một chiếc xe, chiếc điện thoại di động, thậm chí hộp kem đánh răng như là “niềm tin của bạn”?
Chia sẻ: Bạn đã biểu hiện lòng tin một tình huống cụ thể như thế nào? Làm thế nào để biểu hiện lòng tin mạnh mẽ hơn trong một tình huống tương tự?
Sống Lời Chúa: 1. Ngay khi thức giấc mỗi ngày, bạn làm một hành vi đức tin qua việc hướng lòng về Chúa, dâng cho Ngài ngày mới và mọi việc sắp làm trong ngày. 2. Bạn đang gặp điều bế tắc trong cuộc sống ư? Bạn hãy suy niệm lòng tin của người phụ nữ Ca-na-an này và hãy thử làm như chị.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Chúa củng cố đức tin còn yêu kém của con. – Đọc kinh Tin.
05.08.21 THỨ NĂM TUẦN 18 TN
Cung Hiến Đền Thờ Đức Bà Cả
Mt 16,13-23
CÂU HỎI LUÔN MỚI
Đức Giêsu hỏi: “Người ta nói Con người là ai?”… “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (Mt 16,13.15)
Suy niệm: “Con Người là ai?” –Một câu hỏi liên quan trực tiếp đến ơn cứu độ. Nếu không biết Đức Giêsu là ai, thì không thể đi theo Ngài, không thể tin vào Ngài và không thể lãnh ơn cứu độ từ Ngài. Người ta có những cái nhìn khác nhau về Đức Giêsu: là Gioan Tẩy Giả; là Êlia; là Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ… Người ta có thể hiểu lệch lạc, nhưng người môn đệ thì không thể, vì họ là những chứng nhân về Đức Giêsu. Ngay cả thánh Phêrô, người đã đưa ra câu trả lời chính xác về câu hỏi “Thầy là ai?” (c.16) nhưng rồi cũng không thể hiểu hết ý nghĩa danh xưng ấy là gì. Biết Thầy là ai, không phải để can thiệp cho Thầy (c.22); mà là để bước theo Thầy (c.23).
Mời Bạn: Dù cho người ta nói Đức Giêsu là ai, mỗi người chúng ta cần phải tự mình khám phá một câu trả lời trọn vẹn cho chính mình. Câu trả lời trọn vẹn về Đức Giêsu chỉ đến từ Thiên Chúa và Kinh Thánh là nguồn mạc khải chính xác về Ngài. Nói như thánh Giêrônimô: “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Và hơn nữa, “biết Đức Kitô” không chỉ về mặt tri thức mà là biết với tất cả tâm tình yêu mến và bằng cả cuộc sống nữa.
Chia sẻ: Có sự khác biệt giữa kiến thức và niềm tin vào Đức Kitô không?
Sống Lời Chúa: Trung thành trong việc dành năm phút mỗi ngày cho Lời Chúa để thấm nhuần sâu xa Đức Kitô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Kitô, khi hỏi rằng “Thầy là ai?” Chúa không muốn một câu trả lời suông, mà Chúa muốn người môn đệ xác định một con đường để đi theo. Xin cho con biết Chúa, và xin chỉ cho con biết phải làm gì.
06.08.21 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG HAI TUẦN 18 TN
Lễ Chúa Hiển Dung
Mc 9,2-10
CHÂN DUNG ĐẤNG VÔ HÌNH
Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. (Mc 9,2-3)
Suy niệm: Thiên Chúa, Đấng vô hình, trở nên hữu hình nơi dung mạo con người của Đức Ki-tô; để rồi, theo qui trình ngược lại, dung mạo con người nơi Đức Ki-tô “đổi khác”: trở nên vinh quang, giống hình ảnh của Thiên Chúa. Muốn phục hồi dung mạo con người thành “hình ảnh của Thiên Chúa”, Chúa Ki-tô trải qua “quá trình xử lý ảnh” của thập giá: từ một bé thơ yếu ớt nơi hang bò lừa đến hình ảnh “con chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian,” và cuối cùng xuất hiện thật khốn cùng dưới hình hài của một tội nhân “không còn hình tượng người ta nữa,” một người bị bỏ rơi trên thập giá, trái tim bị đâm thâu. Phải trải qua tất cả những giai đoạn đó, chân dung con người nơi Đức Ki-tô mới được “hiển dung” với trọn vẹn vinh quang của Con Thiên Chúa.
Mời Bạn: Chỉ khi nào bạn biết chiêm ngắm chân dung Đức Ki-tô đau khổ trên thập giá, lúc đó bạn mới có thể thấy được gương mặt vinh hiển của Đức Ki-tô phục sinh. Và cũng bằng cách kết hợp với Đức Ki-tô thập giá, bạn mới được “hiển dung” với Ngài và trong Ngài.
Sống Lời Chúa: Trong giờ cầu nguyện, bạn hãy cầm chắc lấy cây thập giá, hay tấm chân dung Đức Giê-su chịu khổ nạn, bạn hãy nhìn ngắm với tất cả niềm say mê, trìu mến và hãy thưa với Chúa:
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, con say mê chân dung Chúa. Xin Chúa dùng thập giá biến đổi con mỗi ngày một nên giống Chúa hơn. Amen.
07.08.21 THỨ BẢY TUẦN 18 TN
Thánh Xystô II, GHTĐ & Thánh Cajetanô, LM
Mt 17,14-20
LÀM ĐƯỢC MỌI SỰ VỚI LÒNG TIN
“Nếu anh em có lòng tin, sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.” (Mt 17,20)
Suy niệm: Bệnh kinh phong tưởng chừng chỉ là một căn bệnh thể lý, có thể chữa trị bằng phương pháp y học tự nhiên, nhưng trong trường hợp bé trai này, Chúa Giêsu cho thấy nó có liên hệ với tội lỗi, và do đó, với ma quỷ. Phần các tông đồ, có lẽ các ông cứ tưởng với quyền trừ quỷ và chữa bệnh Chúa đã trao cho, các ông chỉ việc nắm vài “bí quyết gia truyền” là có thể trở thành thầy lang chữa được bá bệnh. Chúa Giêsu trách móc các tông đồ đã kém lòng tin, đó là lý do thất bại của các ông trước tên quỷ kinh phong này. Biết bao lần Ngài đã nói cho các ông biết vai trò ưu tiên thiết yếu của lòng tin mỗi khi Ngài chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền cho dân chúng; lần này, Ngài nhấn mạnh cho các tông đồ chỉ cần có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi thì đã có thể chuyển núi, rời non và thậm chí, còn làm được mọi sự (c. 20).
Mời Bạn: Một mẫu gương chứng thực sức mạnh của lòng tin đó là Đức Maria. Mẹ tin rằng: “không có gì mà Thiên Chúa không làm được,” lòng tin đó của Mẹ không phải đã chuyển được núi dời được non mà đã khiến Ngôi Hai “rời” cung lòng Chúa Cha mà ngự xuống cung lòng rất trinh khiết của Mẹ. Nhờ cầu nguyện với lòng tin, bạn có thể thấy được nhiều phép lạ Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời bạn.
Sống Lời Chúa: Trước một công việc, bạn nhớ cầu nguyện và trao phó hoàn toàn để Chúa hành động, nhất là những khi gặp gian nan thử thách.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin, nhưng xin thêm lòng tin cho chúng con nhờ được kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện và đón nhận Mình Máu Thánh Ngài.
08.08.21 CHÚA NHẬT TUẦN 19 TN – B
Ga 6,41-51
BÁNH LÀ ĐỂ ĐƯỢC ĂN!
“Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51)
Suy niệm: Phần đầu của diễn từ, Chúa Giêsu nói Người là bánh trường sinh, ai đến với Người sẽ không phải đói nữa. Thế nhưng tới đây, Người nói trắng ra bánh ấy chính là thịt của Người. Rõ ràng đây là lời tiên báo về Bí tích Thánh Thể. Bánh rượu trở thành Thịt Máu Chúa; ta ăn chính Người. Đức Giêsu hiện diện trong bánh và rượu như thế nào, đó quả là vượt quá trí hiểu con người. Nhưng trước hết, ta nên tự hỏi: Người cứ khăng khăng phải hiện diện như thế là để làm gì? Nếu Người có lý do chính đáng để hiện diện trong bánh rượu của Bí tích Thánh Thể, thì việc hiện diện như thế nào sẽ không còn là vấn đề nữa – (vì chẳng lẽ Chúa không làm được điều mà Ngài cảm thấy cần làm hay sao?). Cả bài diễn từ này nói rõ lý do chính đáng ấy: Đức Giêsu hiện diện trong bánh rượu để cho ta ăn uống, nhờ đó ta được sống muôn đời, nói cách khác, Người hiện diện trong Bi Tích Thánh Thể để diễn tả tình yêu hiến thân cứu độ con người.
Mời Bạn: Chẳng ai nhìn bánh bày trong tủ kiếng mà no. Tiên vàn, bánh là để ăn! Bánh không được ăn là bánh thừa, nó ‘vô duyên’, nó không phát huy hết yếu tính của nó. Bí tích Thánh Thể có trở thành ‘vô duyên’ đối với bạn không?
Sống Lời Chúa: Bạn tham dự Thánh Lễ và rước lễ cách sốt sắng và nhờ đó bạn biến ngày sống của bạn thành một Thánh lễ kéo dài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu thương, Chúa đã trở thành tấm bánh cho con. Xin cho con biết khát khao đón nhận Chúa, và đến lượt con trở thành tấm bánh cho đời. Amen.
09.08.21 THỨ HAI TUẦN 19 TN
Thánh Teresa Benedicta Thánh giá, đồng trinh tử đạo
Mt 17,22-27
THIÊN CHÚA THẬT LẠ LÙNG!
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy.” (Mt 17,22-23)
Suy niệm: Trong khi người Do-thái, và nhất là các môn đệ theo Chúa đều chờ đợi Đấng Mêsia theo kiểu một trang anh hùng hào kiệt “xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài tan” để đập tan ách đô hộ của người Rôma, khôi phục lại ngai vàng Đa-vít, thì Chúa Giê-su lại nói: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời!” Thật lạ lùng! Thiên Chúa mà lại bị nộp vào tay người đời? Không chỉ nói suông mà Ngài thực hiện cụ thể qua cái chết bị ghim chặt lên gỗ giá. Rồi trong thánh lễ mỗi ngày, Chúa tiếp tục trao nộp khi lập lại lời: “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em. Này là Máu Thầy hãy nhận lấy mà uống”.
Mời Bạn: Các tông đồ cũng như người Do Thái bị “sốc” trước đường lối cứu độ lạ lùng của Chúa. Chỉ sau khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại họ mới ngộ ra sứ điệp của thập giá: bằng cách khó nghèo trong cuộc sống, khiêm nhường trong phục vụ và hiến thân chịu sỉ nhục chịu chết Chúa đã đền bù tội lỗi cho nhân loại chúng ta. Ngày nay khuôn mặt của Đức Kitô chịu đóng đinh vẫn còn đó nơi những anh chị em rốt cùng, nghèo hèn khốn khổ. Bạn có nhận ra Chúa nơi họ không? Và bạn đã có thể quên mình đi để phục vụ họ cách khiêm tốn chưa?
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ anh chị em cách khiêm tốn và vui vẻ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu thương con cách lạ lùng bằng cách hiến thân chịu chết vì con. Xin cho con biết nhìn anh chị em con bằng đôi mắt của Chúa, biết nhận ra hình ảnh Chúa trong mọi người, biết tôn trọng yêu thương anh em, nhất là những người nghèo hèn khốn khổ bằng chính tình yêu bao la của Chúa. Amen.
10.08.21 THỨ BA TUẦN 19 TN
Thánh Lôrenxô, Phó tế, tử đạo
Ga 12,24-26
HÃY THEO THẦY
“Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.” (Ga 12,26)
Suy niệm: Chúa Giêsu là Thầy, Người đã thực hiện trọn vẹn vai trò người thầy bằng chính sự nhập thể và cái chết của mình. Lời giảng về hạt lúa phải gieo vào lòng đất, chịu mục nát đi mới sinh hoa kết quả trước tiên áp dụng cho Người. Thầy Giêsu đã sống điều Thầy dạy. Gương mẫu của Thầy Giêsu đã thu hút thánh Lôrenxô hiến thân phục vụ đến độ trở nên giống như Thầy, chịu mục nát đi như hạt lúa gieo vào lòng đất qua cái chết tử đạo của mình. Đúng như lời Chúa hứa: “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy”, thánh Lôrenxô phó tế tử đạo được Chúa Cha trọng thưởng và cho ở bên Thầy Giêsu trong vinh quang nước trời.
Mời Bạn: Cái quý nhất đối với con người phải kể là sự sống. Bởi đó, người ta tìm đủ mọi cách hầu kéo dài đời mình. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một cách xem ra nghịch lý, đó là: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” Thánh Lôrenxô mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay đã làm một cuộc chọn lựa: can đảm hy sinh mạng sống ở đời này, chọn sự sống đời đời bên Thầy Giêsu. Còn bạn, bạn chọn sự sống nào?
Sống Lời Chúa: Suy gẫm Lời Chúa: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thấp giá mình hằng ngày mà theo.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã giới thiệu Chúa là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Xin cho chúng con can đảm bước theo Chúa trên con đường hy sinh, để chúng con cùng được chia sẻ sự sống không bao giờ hư nát. Amen.
11.08.21 THỨ TƯ TUẦN 19 TN
Thánh Clara, trinh nữ
Mt 18,15-20
NẾU ANH EM CON PHẠM TỘI…
“Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” (Mt 18,15b)
Suy niệm: Con phải tha đến mấy lần nếu người anh em của con phạm tội? Câu hỏi của Phêrô đặt ra vấn nạn tôi phải chịu đựng lỗi lầm của anh em đến mức nào. Ông bà ta có câu “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Loài vật sống theo bản năng còn có liên đới với nhau như thế, huống chi là con người sao lại không có trách nhiệm liên đới với nhau hơn? Ta không chỉ chịu trách nhiệm về thể lý, tâm lý của người anh em mà còn cả về số phận thiêng liêng của họ nữa. Chúa Giêsu khi sinh xuống làm người đền tội cho nhân loại đã cho chúng ta biết rằng mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm trong tội lỗi của anh em. Vì thế Thầy Giêsu dạy chúng ta phải thật tế nhị và nhẫn nại khi sửa lỗi cho anh em. Lần thứ nhất thì chỉ hai người biết, nếu không nghe mới “rủ” thêm người khuyên bảo, lần thứ ba thì mới đưa ra cộng đoàn.
Mời Bạn: Thiên Chúa không muốn một ai trong các con cái được Ngài dựng nên phải hư mất vì tội lỗi. Chỉ có yêu thương theo cung cách của Thầy Giê-su để tận tâm đồng hành với người bạn đang chao đảo vì tội lỗi, thì người anh em “đã mất nay mới được tìm thấy”.
Chia sẻ: Sửa lỗi cho anh em cần tế nhị, và nhẫn nại. Bạn đã có những phẩm chất ấy chưa?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm không nói điều xấu của anh chị em mình với người khác mà tôi tình cờ biết được.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con phải tế nhị và nhẫn nại khi sửa lỗi cho anh chị em mình. Xin cho chúng con năng nghe bớt nói, và nhất là năng cầu nguyện với Chúa về những bất toàn của chính con và của anh chị em con. Amen.
12.08.21 THỨ NĂM TUẦN 19 TN
Thánh Louis Toulouse GM
Mt 18,21-19,1
THA THỨ VÌ ĐƯỢC THA THỨ
“Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,22)
Suy niệm: “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của kẻ mạnh” (M. Gandhi). Kẻ không tha thứ cho người khác là tù nhân của sự thù ghét, bị dày vò, hành hạ do lòng thù hận. Họ quên mất là chính mình đã được Thiên Chúa bao lần tha thứ vô điều kiện. Chân dung méo mó của họ được phác họa qua hình ảnh người đầy tớ không biết thương xót. Số nợ 10.000 nén vàng là một con số khổng lồ – ta thử so sánh với 900 nén vàng là lợi tức hằng năm của vua Hêrôđê Cả! – đem so với 100 quan tiền mà người bạn chỉ mắc nợ anh là tỉ lệ một với một triệu! Đang khi Thiên Chúa luôn tha thứ không mệt mỏi cho ta, thì sao ta lại hẹp hòi với người xúc phạm đến mình?
Mời Bạn: Lịch sử đời bạn là lịch sử của ơn tha thứ. Thiên Chúa, người Cha nhân lành, không ngừng tha thứ và quên đi mọi lầm lỗi của bạn xúc phạm đến Ngài. Tha thứ là lựa chọn duy nhất của bạn nếu bạn muốn làm môn đệ Đức Giêsu. “Kẻ không tha thứ cho người khác làm gãy cây cầu mà chính mình phải bước qua, bởi con người ai cũng cần tới sự tha thứ” (T. Fuller).
Sống Lời Chúa: Tối nay, trước khi đi ngủ, tôi sẽ xét xem đang thù ghét người nào, tôi sẽ dâng lời cầu nguyện cho họ và xin Chúa biến đổi lòng mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy rất rõ ràng và mạnh mẽ: Nước Trời của Chúa sẽ đóng lại với những ai không biết tha thứ cho người khác. Xin giúp chúng con ý thức rằng tha thứ là hai lần phúc lành: một lần phúc lành cho chúng con vì biết tha thứ theo Lời Chúa dạy; một lần phúc lành cho người được tha thứ. Amen.
13.08.21 THỨ SÁU TUẦN 19 TN
Thánh Pontianô, GHTĐ & Thánh Hippôlitô, LMTĐ
Mt 19,3-12
ĐỘC THÂN VÌ NƯỚC TRỜI
“Và có những người hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời.” (Mt 19,12)
Suy niệm: “Động lực duy nhất và đích thực cho việc độc thân là để trung tín trong việc hoàn toàn bắt chước Đức Giêsu Kitô… Việc độc thân thuộc lãnh vực tình yêu, mà tình yêu thì không thể giải thích hay lý luận” (Hồng y G. Daneels). Tại sao những cô gái chàng trai tuổi xuân phơi phới, với một tương lai đầy hứa hẹn, lại giã từ tất cả, tận hiến cho Thiên Chúa trong đời sống độc thân tu sĩ hay linh mục? Đúng là ta không thể tìm ra lý do để giải thích, chỉ cảm nhận rằng họ đang yêu, yêu Đấng vô hình, yêu Đấng đã chết và sống lại cho họ. Để diễn tả tình yêu ấy một cách cụ thể và triệt để, họ sẵn lòng khước từ hạnh phúc nam nữ, để sống độc thân vì Nước Trời như Đức Giêsu, đi theo Đức Giêsu, sống và chết như Ngài.
Mời Bạn: Lý tưởng đời tận hiến cao đẹp quá vì đi đến ngọn nguồn sự sống con người là noi gương Đức Kitô, sống tình con thảo với Chúa Cha và hết lòng phục vụ tha nhân! Bạn hãy cầu nguyện cho nhiều người quảng đại dấn thân trong đời sống cao đẹp này. Có khi chính bạn cũng được Chúa mời gọi dấn bước trên con đường cao cả này đấy! Ước gì bạn đừng từ chối.
Chia sẻ: Gia đình, cộng đoàn, đoàn thể… của tôi đã quan tâm đến việc gieo mầm cho ơn gọi tu trì chưa?
Sống Lời Chúa: Tìm một phương cách giúp mình tích cực góp phần vào việc phát triển ơn gọi linh mục và tu sĩ trong gia đình, đoàn thể hay xứ đạo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa nêu gương cho chúng con dành cả cuộc sống để loan báo và xây dựng Nước Trời. Xin cho chúng con noi gương Chúa, hiếu thảo với Chúa Cha và sống liên đới, yêu thương, phục vụ lẫn nhau. Amen.
14.08.21 THỨ BẢY TUẦN 19 TN
Thánh Maximilian Kolbe, LMTĐ
Mt 19,13-15
VƯƠNG QUỐC CỦA TRẺ THƠ
“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Mt 19,14)
Suy niệm: Danh tiếng của Thầy Giê-su đang lên, Ngài trở thành nhân vật quan trọng trong mắt mọi người. Vì thế, việc để các trẻ em đến quấy rầy, làm mất thời gian của Ngài là điều không thể chấp nhận được! Với suy nghĩ đó, các môn đệ đã ngăn cản các trẻ nhỏ đến gần Đức Giêsu, nhưng Ngài lại phản ứng ngược lại: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” Cũng như lần trước (x. Mt 18,1-10), Ngài muốn các ông thấu hiểu điều kiện thiết yếu để thuộc về Nước Thiên Chúa và được cứu độ: Nước Thiên Chúa là một hồng ân ban không, phải đón nhận với lòng đơn sơ, biết ơn và cảm phục của các trẻ thơ.
Mời Bạn: Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 định nghĩa Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa. Trong gia đình Thiên Chúa ấy, Thiên Chúa là Cha, Đức Kitô là Anh Cả, còn tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, là em của Chúa Kitô. Ước mong bạn ý thức tư thế người con cái Chúa ấy để luôn sống ngoan thảo với Thiên Chúa.
Chia sẻ: Điều gì ngăn cản tôi đến với Chúa trong tâm tình của người con cái?
Sống Lời Chúa: Như trẻ thơ đặt trọn niềm tin nơi Chúa, tôi sẽ thân thưa cùng Ngài: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dam tự hào Chúa ơi… Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui”. (Tv 130)
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tạo cho chúng con quả tim đơn sơ, quảng đại, để chúng con đón nhận ân sủng Chúa, rồi sẵn sàng trao ban cho những ai cần đến. Xin cho chúng con luôn sống với Chúa như người con ngoan thảo. Amen.
15.08.21 LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI
Lc 1,39-56
LÒNG MẸ VẪN CHƯA YÊN
“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả… Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1,49.52)
Suy niệm: Chúa đưa Đức Maria về trời cả hồn và xác, không chỉ vì muốn thưởng công Mẹ, không chỉ là đặc ân dành riêng cho Mẹ, nhưng còn vì Mẹ là người đầu tiên xứng đáng lãnh nhận tròn đầy hiệu quả tất yếu của Ơn Cứu Độ. Về trời “đoàn tụ” với Chúa Giêsu Con Mẹ, nhưng lòng Mẹ vẫn chưa yên, vì dưới chân Thánh Giá, Mẹ đã sinh ra Hội Thánh khi nhận Thánh Gioan làm con. Đoàn con này vẫn còn đang trên đường lữ hành, không ngừng réo gọi Mẹ. Càng hưởng vinh quang hạnh phúc cõi trời bên cạnh Chúa Giêsu, Mẹ càng nôn nao thao thức kêu gọi con cái kẻo chúng lạc đường. Đây phải chăng là mục đích của những lần Mẹ hiện ra đây đó, để thức tỉnh đoàn con. Muốn theo gót Mẹ về quê trời, chúng ta phải tiếp bước Mẹ trên đường dương thế. Bước đi khiêm tốn đầy tâm tình tạ ơn.
Mời Bạn: Trên đường lữ hành, bạn có biết: Mình đang đi về đâu? Ai là bạn đồng hành? Ai là người hướng đạo? Bạn đang ở vị trí nào và có đi đúng hướng không?
Chia sẻ: Khi Bạn tiếp tay làm đẹp thế giới này, đừng bao giờ quên rằng Thiên Chúa còn chuẩn bị cho Bạn một chỗ đẹp hơn. Hãy tỏ ra xứng đáng với Ơn Ngài.
Sống Lời Chúa: Cuộc sống này có thật đẹp, thật vui, cũng là để chuẩn bị cho một thế giới đẹp hơn mà chúng ta đang hướng về. Xin Mẹ cùng đồng hành.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ vinh quang, đầy tình Mẫu Tử Thần Thiêng, xin dẫn dắt chúng con trên con đường Mẹ đã đi qua, để chúng con cũng đạt tới cõi vĩnh hằng cùng với Mẹ, để ca tụng vinh quang Thiên Chúa cho đến muôn thuở muôn đời.
16.08.21 THỨ HAI TUẦN 20 TN
Thánh Têphanô Hung Gia Lợi
Mt 19,16-22
HƯỚNG VỀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
“Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” (Mt 19,16)
Suy niệm: Ưu tư của chàng thanh niên trong Tin Mừng có vẻ xa vời đối với những bận tâm của chúng ta ngày nay. Vì chưng, xã hội nhìn nhận giá trị con người qua tiền của, sang giàu hơn bất cứ cái gì khác. Cho nên, người ta phải lo tranh giành, tranh đấu, tranh đua và tranh chấp để chiếm cho được nhiều tiền của, dù phải dùng các phương tiện bất nhân, bất nghĩa hay bất lương. Thế nhưng, được tiền được của mà mất tha nhân và mất Chúa thì nào ích gì! (Mt 16,26). Chúa Giêsu nhắc nhở chàng thanh niên và cả chúng ta rằng thực thi điều răn mến Chúa yêu người là kiến tạo một xã hội đầy tình Chúa và tình người lâu bền và vững chắc. Đó cũng là điều kiện cần thiết để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Mời Bạn: Thiên Chúa ban các điều răn vì Ngài muốn giáo dục chúng ta về tự do đích thực, đồng thời xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa, một Vương Quốc của tình thương, công lý và bình an ngay ở trần thế này. Vì vậy, bạn hãy thi hành điều răn mến Chúa yêu người một cách triệt để và cụ thể trong đời sống. Đó là con đường ngắn nhất dẫn đưa mọi người đến hạnh phúc, bình an ngay ở đời này và được sự sống đời sau nữa.
Chia sẻ: Có nên giúp đỡ người nghèo khổ bằng vật chất cụ thể không?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ điều chỉnh lại bậc thang giá trị cuộc sống của mình bằng cách coi trọng Thiên Chúa và tha nhân hơn tiền của vật chất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đốt lửa tình yêu sưởi ấm tâm hồn chúng con, để chúng con biết can đảm khước từ tính ích kỷ, cầu an, hầu sẵn sàng phục vụ Chúa và tha nhân hết tình, hết mình. Amen.
17.08.21 THỨ BA TUẦN 20 TN
Mt 19,23-30
THEO CHÚA, MẤT GÌ? ĐƯỢC GÌ?
“Đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ítraen.” (Mc 19,28)
Suy niệm: Lời Tin Mừng hôm nay chính là lời giải đáp cho vấn nạn “Theo Chúa, mất gì? Được gì?” Nhưng đó mới là cái “được;” còn “cái mất” khi theo Chúa cũng không nhỏ: cha mẹ, vợ con, ruộng đồng, cơ nghiệp… Nhưng cái mất sẽ thành cái được, không chỉ ở đời sau mà còn ngay cả đời này: được lại những tín hữu, đứa con tinh thần, chỗ dựa cho cuộc sống của người dấn thân theo Chúa. Những điều ấy luôn là sự hỗ trợ, khích lệ cho những người đang và sẽ chọn con đường tu trì cũng như cho những Kitô hữu giáo dân sống giữa đời mà không dính bén đến chuyện đời. Nói cách khác, họ là những người biết từ bỏ sự đời có thể cản trở họ trên con đường đến với Chúa và cuộc sống đầy hứa hẹn mai sau.
Mời Bạn: Kinh nghiệm cho thấy -dù ở bậc sống nào- nếu biết từ bỏ những gì là không chính đáng theo bậc sống của mình cũng sẽ tìm thấy ý nghĩa và hạnh phúc của nó. Sống khiết tịnh, tiết độ trong hôn nhân hay từ bỏ thói quan liêu, xa hoa… trong đời thánh hiến, chúng ta sẽ được nhiều hơn là mất!
Sống Lời Chúa: Tâm niệm câu Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được” (câu 26).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã giải quyết khúc mắc cơ bản cho các môn đệ. Lời giải đáp này trở thành tia sáng soi rọi bước đường chúng con đang đi tới. Xin ban cho chúng con ơn can đảm bước theo Chúa và tìm thấy niềm vui trong bậc sống mà mỗi chúng con đang theo đuổi. Amen.
18.08.21 THỨ TƯ TUẦN 20 TN
Thánh Gioanna Phanxica Chantal, nữ tu
Mt 20,1-16a
CÔNG BẰNG VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT
“Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,15)
Suy niệm: Những người thợ làm vườn nho được ông chủ trả tiền công theo giá đã thỏa thuận từ trước. Ông chủ không làm gì bóc lột hay lỗi đức công bằng với họ cả. Thế nhưng họ lại ghen tức trước việc ông đối xử tốt bụng với người đến làm giờ sau cùng. Đúng lý ra lòng thương xót giúp duy trì sự công bình, và sự công bình là bước đầu để chứng tỏ lòng thương xót. Nhưng trong dụ ngôn này lại xảy ra việc xung đột về quyền lợi, sự cố đáng tiếc ấy do lòng ghen tị của những người thợ đến trước, không muốn thấy ai hơn mình. Đó cũng là thói xấu cố hữu của chúng ta: quyền lợi thì tranh đấu cho bằng được, còn bổn phận thì thoái thác.
Mời Bạn: Chúng ta thường đòi hỏi công bằng, nhưng xử sự công bằng quá mức “một một, hai hai” có thể dẫn đến thái độ lỗi đức bác ái. Vì bác ái, lắm khi ta phải “chín bỏ làm mười.” Nếu ông chủ chia tỷ lệ tiền theo số giờ mà người đến sau phải nhận thì anh ta có gì mang nuôi gia đình ngày hôm ấy, buộc lòng ông chủ phải đối xử với anh bằng lòng thương xót. Ông đâu có gì sai trái ở điểm này.
Chia sẻ: Không phải chúng ta thường xin lòng thương xót của Thiên Chúa nhiều hơn là xin Ngài xử sự công bình với ta đó sao?
Sống Lời Chúa: Tôi ngắm nhìn tấm lòng thương xót của Thiên Chúa và tập vui với người vui, chứ không ganh tị, ghen ghét với người hơn mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi, vì nếu Chúa cứ xử sự công bình với chúng con thì nào ai đứng vững trước tôn nhan Ngài! Amen.
19.08.21 THỨ NĂM TUẦN 20 TN
Thánh Gioan Êuđê, LM
Mt 22,1-14
DỰ TIỆC CƯỚI, MẶC ÁO CƯỚI!
Bấy giờ nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.” (Mt 22,13-14)
Suy niệm: Nhà vua trong dụ ngôn hôm nay chắc chắn là cảm thấy bị mất mặt, thậm chí bị xúc phạm nặng nề. Dọn tiệc cưới cho con, nhưng khách mời lại không chịu đến. Để cứu vãn tình hình, ông đành ra lệnh mời tất cả mọi người ngoài đường phố vào dự tiệc. Tuy nhiên, trong số những khách được mời bất chợt này vẫn có người không chịu mặc y phục thích hợp được chuẩn bị cho lễ cưới. Ông buộc phải ra lệnh tống người đó ra ngoài. Tiệc cưới cho hoàng tử, nhưng niềm vui của vua đã không được trọn vẹn vì khách mời đã coi thường bữa tiệc vui quan trọng này.
Mời Bạn: Ông bà chúng ta vẫn dạy rằng “Học ăn, học nói, học gói, học mở,” nghĩa là cần biết tùy hoàn cảnh mà cư xử và sống cho đúng, cho phải với mọi người. Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta thái độ thích hợp cần có khi đến dự tiệc Chúa. Y phục tiệc cưới chính là thái độ nội tâm xứng hợp với Bí tích Thánh Thể.
Chia sẻ: Bạn vẫn thường chuẩn bị tâm hồn thế nào khi đến với bí tích Thánh Thể?
Sống Lời Chúa: Nhớ lời Chúa cảnh báo: “Vì kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít,” để cảnh giác bản thân trong lối sống cho xứng hợp tư cách người khách mời Tiệc Cưới Nước Trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chuẩn bị bàn tiệc Thánh Thể để chúng con đến dự. Xin giúp cho chúng con luôn biết tỉnh thức để đáp lại lời mời gọi của Chúa, và chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đến tham dự bàn tiệc của Chúa. Amen.
20.08.21 THỨ SÁU TUẦN 20 TN
Thánh Bênađô, Viện phụ tiến sĩ
Mt 22,34-40
YÊU NHƯ CHÚA YÊU
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37-39)
Suy niệm: Có người nói rằng có thể dùng từ “yêu mến” để giải thích tất cả giáo lý Công giáo. Bốn Phúc Âm, nói rộng hơn, cả bộ Tân ước và thâm chí toàn bộ Thánh Kinh đều có thể tóm tắt trong một từ đó. Bài học duy nhất mà Đức Giêsu muốn dạy cho chúng ta, những học trò của Ngài tại trường Giêsu cũng là bài học yêu mến. Bí quyết làm nên cuộc đời Giêsu, một cuộc đời hiếu trung với Chúa Cha và phục vụ con người không mệt mỏi, cũng là yêu mến. Yêu mến theo Đức Giêsu không phải là thứ tình cảm bồng bột, nhưng là quyết định gắn bó với hoàn toàn với Chúa, để Ngài toàn quyền chi phối cuộc đời mình.
Mời Bạn: Ý thức yêu mến là điều quan trọng số một trong cuộc đời bạn. Muốn biết cuộc đời bạn thành công hay thất bại, bạn chỉ có một tiêu chuẩn để phân định, đó là bạn đã sống yêu mến chưa?
Chia sẻ: Tôi đã yêu mến Chúa chưa? Dấu hiệu để nhận biết là tôi có để Ngài có quyền trên cuộc đời tôi không?
Sống Lời Chúa: Tôi tập sống yêu mến Chúa qua việc yêu mến anh em, mà cụ thể là quan tâm đến những nhu cầu của người lân cận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ba Ngôi, là mẫu mực tình yêu tinh ròng, xin cho các Kitô hữu chúng con biết yêu nhau như Chúa yêu chúng con để chúng con trở thành trái tim cho thế giới đang khô cằn vì thiếu tình yêu. Xin cho chúng con biết sống với tha nhân và cho tha nhân bằng cách quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Amen.
21.08.21 THỨ BẢY TUẦN 20 TN
Thánh Piô X, Giáo hoàng
Mt 23,1-12
SOI GƯƠNG ĐỂ BIẾT MÌNH
“Anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.” (Mt 23,8)
Suy niệm: Mỗi ngày ta thường soi gương vài ba lần, ít nhất trước khi ra đường. Nhìn vào gương, ta nhận ra khuôn mặt, vóc dáng quen thuộc của mình. Lời Đức Giêsu hôm nay như tấm gương mời gọi ta soi vào để biết chân dung con người thật của mình qua ba tương quan: (1) với bản thân: tôi có “nói mà không làm” không? (2) với tha nhân: tôi có coi “tất cả anh em đều là anh em với nhau” không? và (3) với Thiên Chúa: tôi có xác tín “vì anh em chỉ có một người lãnh đạo, là Đức Kitô” không? Sau khi soi gương thật kỹ, chúng ta được mời gọi “giải phẩu thẩm mỹ chân dung” của mình cũng qua ba tương quan. Với mình, ta làm những gì mình nói, và không nói những gì mình không làm. Với người khác, ta thành tâm nhìn nhận họ là anh em, chị em với ta, cùng mang tính độc đáo, quan trọng như nhau. Cuối cùng, với Thiên Chúa, tôi xác tín chỉ có Thiên Chúa là chủ tể, Đức Kitô là vị Thầy số một của mình.
Mời Bạn: Tin Mừng của Đức Giêsu luôn đòi hỏi, mời gọi bạn “cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới.” Mời bạn can đảm tiến hành “cuộc giải phẫu” tinh thần ấy để sống trung thực với tư thế người con cái Chúa.
Sống Lời Chúa: Thử soi mình vào tấm gương Lời Chúa hôm nay để nhận dạng rõ chân dung con người Kitô hữu của mình, rồi thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện, nhắm đặc biệt đến tương quan nào mình yếu kém nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã ban tặng chiếc gương Lời Chúa để chúng con soi vào và biết sự thật về mình. Xin giúp chúng con không ngừng đổi mới theo Lời Chúa dạy. Amen.
22.08.21 CHÚA NHẬT TUẦN 21 TN – B
Ga 6,60-69
SỐNG THEO THẦN KHÍ
“Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.” (Ga 6,63)
Suy niệm: Xác thịt sẽ bị huỷ hoại, Thần Khí mới làm cho sống. Phúc Âm thánh Gioan ghi lại lập luận này của Chúa Giêsu trong bối cảnh người Do Thái và cả các tông đồ “choáng” vì những lời Chúa nói mà họ cho là chói tai: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời.” Với văn phong chuyên đặt song song các cặp đối lập, như ánh sáng bóng tối, sự sống sự chết, ở đây thánh sử Gioan lại một lần nữa nêu lên cặp đối lập Thần Khí, xác thịt. Quả thật ăn uống là chuyện của xác thịt; nhưng ăn thịt và uống máu Chúa là chuyện của Thần Khí. Đặt đối lập như thế để có thể phân định cách rạch ròi, đâu là tốt, đâu là xấu và nhờ đó đi đến một chọn lựa và quyết định đúng đắn. Và hơn nữa chính Thần Khí làm cho bánh và rượu kia trở nên Thịt và Máu Chúa.
Mời Bạn: Để không còn là xác thịt thì phải sống theo Thần Khí. Nhưng thế nào là hành động theo Thần Khí? Lời Chúa là Thần Khí và sự sống; thế nên sống theo Thần Khí trước tiên hệ tại việc lắng nghe Lời Chúa, và cầu nguyện với Lời Chúa trong tâm hồn thanh tịnh.
Chia sẻ: Hãy liệt kê một số việc phải làm mà ta chưa hay không làm; và một số việc lẽ ra không nên làm mà ta đã làm, qua đó ta sẽ có cách thức sửa sai.
Sống Lời Chúa: Chọn tham dự một thánh lễ thay vì ngồi tán gẫu, nói hành nhau; làm một việc hiến thân phục vụ thay vì hưởng thụ thú vui ích kỷ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, hôm nay con muốn lặp lại với Chúa lời của thánh Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (c. 68).
23.08.21 THỨ HAI TUẦN 21 TN
Thánh Rôsa Lima, trinh nữ
Mt 23,13-22
LỜI NÓI ĐI ĐÔI VỚI VIỆC LÀM
“Các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào các người cũng không để họ vào.” (Mt 23,13)
Suy niệm: Các kinh sư và người Pharisêu tự cho rằng mình công chính hơn những người khác nhưng họ đã bị Chúa Giêsu kết án là những kẻ giả hình. Lẽ ra họ là những người dẫn đưa người khác đến với Chúa nhưng họ lại là những kẻ dẫn đường mù quáng. Họ chỉ dạy người khác với nhiều lời lẽ hay nhưng cách sống của họ lại phản chứng. Đã có lần Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Thật vậy, Nước Trời chỉ dành cho những người biết kết hợp giữa lời nói và việc làm: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Mời Bạn: Thánh nữ Mônica là người biết kết hợp giữa lời nói và việc làm. Thánh nữ đã hy sinh cầu nguyện đêm ngày cho con mình là Âu-tinh bỏ đường lầm lạc trở về với Chúa và trở thành vị thánh lớn của giáo hội. Bạn cũng được mời gọi sống chứng nhân bằng những việc làm cụ thể giúp đỡ người khác, chứ không chỉ dừng lại ở việc đọc kinh đi lễ. Bạn góp phần thăng tiến gia đình, hội đoàn, những người nghèo khổ…, dẫn đưa họ đến với Chúa là nguồn hạnh phúc thật.
Sống Lời Chúa: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con thật sự là người của Chúa.
24.08.21 THỨ BA TUẦN 21 TN
Thánh Batôlômêô, tông đồ.
Ga 1,45-51
ĐẤNG THẤU SUỐT MỌI SỰ
Đức Giêsu nói: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” (Ga 1,48)
Suy niệm: Cây cối luôn mang một ý nghĩa tượng trưng trong các nền văn hóa: tham thiền nhập định dưới gốc cây bồ đề của nhà Phật, cây trúc của người quân tử Nho giáo, nhánh cây ôliu trong tay các chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình… Với người Do Thái cũng vậy, cây vả tiêu biểu cho hòa bình khi người ta thư thái ngồi yên ổn dưới bóng mát của cây này để suy gẫm. Nathanaen hay Batôlômêô kinh ngạc không phải vì Đức Giêsu thấy ông ngồi dưới gốc cây vả, nhưng Ngài thấu suốt điều ông đang suy nghĩ, ước mơ, khao khát. Ông tâm phục khẩu phục vị ngôn sứ đọc được tâm tư của mình. Là người trung thực, ông nhanh chóng nhận ra Ngài có thể đáp ứng mọi khát vọng, chờ đợi của mình.
Mời Bạn: Bạn có nhiều mơ ước tốt đẹp cho mình và người thân. Bạn muốn tìm một ý nghĩa đích thực cho đời mình. Bạn mong ước đem an vui, hạnh phúc đến cho người bất hạnh. Mời bạn đến với Đức Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa là con người này có thể giúp bạn toại nguyện. Ở với Ngài, học với Ngài, đi theo Ngài, sống như Ngài và rồi cuộc đời của bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.
Chia sẻ: Là môn đệ Chúa Giêsu nhiều năm qua, tôi nhận thấy cuộc đời mình đã đổi mới chưa? Nếu chưa, tại sao?
Sống Lời Chúa: Tin tưởng mình đã tìm ra đúng Đấng đáp ứng được mọi khát vọng của đời người, tôi sẽ dành thời gian để học hỏi, tìm hiểu và noi theo gương sống của Chúa Giêsu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con vui mừng, hạnh phúc vì được có Chúa trong cuộc đời. Xin cho chúng con chuyên cần tìm hiểu, học tập đời sống và lời dạy của Chúa mỗi ngày. Amen.
25.08.21 THỨ TƯ TUẦN 21 TN
Thánh Lu-y, vua & Thánh Giuse Calasanz, LM
Mt 23,27-32
HÃY TRAU CHUỐT BÊN TRONG
“Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23,27)
Suy niệm: Nhờ sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ làm hàng giả hàng nhái ngày càng tinh vi. Chưa bao giờ người tiêu dùng nơm nớp lo sợ vì mua phải hàng dỏm như hiện nay: nhìn bên ngoài thì giống hệt như hàng thật, hàng chính hãng, nhưng mua về xài chưa được mấy bữa thì đã rơi vào cảnh ‘bỏ thì thương, vương thì tội’. Tình trạng đó cũng song hành trong đời sống đạo. Một khi chuộng cái mã bên ngoài hơn là trau chuốt nét đẹp bên trong, người ta sẽ tạo cho mình một vỏ bọc đạo đức và tự hài lòng về vỏ bọc ấy. Lúc đó, “chất” Tin Mừng chỉ đọng lại ở những việc đạo đức hình thức chứ không thấm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Như thế phải chăng tình trạng giả dối trong xã hội vừa nói trên đây không phải là hậu quả tất yếu của sự giả dối trong đời sống tâm linh, đời sống đức tin hay sao?
Mời Bạn: Chúng ta thường chuẩn bị một bộ cánh tươm tất cho những ngày đại lễ: quần áo, giầy dép! Và cả những nghi lễ hoành tráng! Nhưng kết quả sau đó là gì? Cuộc sống chẳng khá hơn, con người vẫn cứ cũ mèm! Mời bạn đổi mới con người cũ bằng cách loại bỏ tính hư tật xấu là những thứ “ô uế” bên trong, và “chuốt” lại tâm hồn mình bằng một cuộc sống thánh thiện thực sự.
Sống Lời Chúa: Chọn một nhân đức của vị thánh mình yêu thích để bắt chước.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con sống như thế nào. Xin thêm sức để con có thể canh tân cuộc sống của chính mình cho hợp với thánh ý Chúa. Amen.
26.08.21 THỨ NĂM TUẦN 21 TN
Mt 24,42-51
“NẾU CHỦ NHÀ BIẾT…”
“Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.” (Mt 24,43)
Suy niệm: Trong cuộc sống, biết bao lần người ta phải thốt lên: “Nếu biết thế, thì…”, “nếu biết trước, thì …”. Vâng, nào có ai hiểu được hết chữ “ngờ” và “bất ngờ”? Thế nhưng có những điều hoàn toàn có thể “ngờ” được, thế mà chúng ta vẫn để mình bị bất ngờ vì chúng. Quả thật, ai trong chúng ta lại không biết mình sẽ chết, thế mà mấy người có thể chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết của mình?! Những cái “bất ngờ” như thế, sẽ trở nên có thể “ngờ” nếu cuộc sống ta luôn biết chuẩn bị và sẵn sàng cho tất cả.
Mời Bạn: Đã có khi nào bạn phải “trả giá đắt” cho những “bất ngờ”? Có khi nào bạn hớ hênh để “kẻ trộm” đào ngạch khoét vách nhà bạn và “rinh” kho tàng của bạn đi mất không? Kho tàng của bạn không phải là những thứ mà xã hội duy vật thực dụng này cung cấp, mà là gia đình bạn, là ơn gọi Chúa dành cho bạn, là sự sống đời đời Chúa hứa ban cho bạn; nói tóm lại, kho tàng đó là chính Chúa, gia nghiệp của bạn. Bạn có phát hiện “những kẻ trộm” đang đe doạ kho tàng của bạn không? Chúng có thể là những tính hư tật xấu đang mai phục ngay trong tâm hồn bạn, chúng có thể là tinh thần thế tục trong cách quan hệ, tiêu xài, giải trí đang tiêm nhiễm trong gia đình bạn. Bạn có cách nào đối phó để không bị bất ngờ vì những kẻ trộm đó không?
Sống Lời Chúa: Dành thời giờ cho Chúa qua việc cầu nguyện và dành thời giờ để quan tâm chăm sóc gia đình bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng và xin gìn giữ kho tàng của con mãi cho đến hạnh phúc vĩnh hằng.
27.08.21 THỨ SÁU TUẦN 21 TN
Thánh Mônica, Bổn mạng các bà mẹ.
Mt 25,1-13
CHÂM DẦU YÊU THƯƠNG
“Còn những cô khôn vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.” (Mt 25,4)
Suy niệm: “Lý trí cho ta biết điều cần phải tránh, chỉ có con tim mới cho ta biết điều nên làm” (J. Joubert). Chúng ta được ví như các cô phù dâu cho chàng rể là Chúa Giêsu: chỉ có quả tim gắn bó với Ngài, mới thúc đẩy chúng ta biết điều người môn đệ Ngài cần phải làm, đó là giữ ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng. Ngọn đèn ấy được cháy sáng liên tục trong cuộc đời nhờ từng giọt dầu nhỏ được thấm không ngừng. Dầu ấy là gì? Thưa, những giọt dầu của các công việc bé nhỏ, âm thầm trong đời sống hằng ngày: những lời nói tử tế, những cử chỉ nhân hậu, hy sinh thầm lặng, nghĩa cử phục vụ vui tươi, lòng trung thành… Những giọt dầu ấy tuy bé nhỏ nhưng thật thiết yếu bởi vì nếu thiếu chúng, ta sẽ bị loại khỏi Nước Trời đấy!
Mời Bạn: Ngày nào bạn quên châm thứ dầu này vào ngọn đèn đức tin, ngày ấy bạn trở thành người khờ dại, do lơ là bổn phận chính yếu của đời bạn! Năm cô khôn và năm cô dại tượng trưng cho hai loại người Kitô hữu. Chỉ có con tim yêu mến Đức Giêsu mới mách bảo và thúc đẩy bạn trở thành loại người và lối sống khôn ngoan đích thật.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu trở thành người khôn theo Lời Chúa dạy: châm dầu yêu thương vào đèn đức tin bằng cách tận dụng mọi biến cố trong ngày sống để có một lời nói tử tế, một lối ứng xử tốt đẹp, hay một hy sinh nhỏ bé nhằm làm chứng cho Nước Trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật khờ dại vì lơ là bổn phận số một của mình, đó là quên châm dầu yêu thương vào ngọn đèn đức tin. Xin giúp chúng con trở thành những Kitô hữu khôn ngoan thật sự qua các nghĩa cử yêu thương và quên mình. Amen.
28.08.21 THỨ BẢY TUẦN 21 TN
Thánh Augustinô, GM tiến sĩ
Mt 25,14-30
SIÊNG NĂNG VIỆC ĐỨC CHÚA TRỜI, CHỚ LÀM BIẾNG
“Cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,14-15)
Suy niệm: Dụ ngôn là những bản văn Tin Mừng “dễ đọc” nhất cho con người hiện đại. Nghe như câu chuyện đăng trên chuyên mục kinh doanh của một tập san tạp chí nào vậy! Chúa nói về những chuyện “thời sự,” nào là tiền bạc, vốn, đầu tư, nào là ngân hàng, sổ sách kế toán… Càng “dễ đọc” vì điểm nhấn của nó cũng chính là mối quan tâm đệ nhất của con người: sinh lời! Tuy nhiên, mục đích của dụ ngôn này không phải là ở đó, mà là mời gọi chúng ta đầu tư vào cuộc kinh doanh với Chúa, đó là: ra sức làm việc, tuỳ theo khả năng Chúa ban, để sinh lời cho Nước Trời.
Mời Bạn: Sứ điệp ấy thật “hợp thời” cho chúng ta tại thời điểm đầu tháng chín này, thời điểm bắt đầu một năm học mới, một quí mới, một tài khoá mới. “Hợp thời” để cảnh báo cho chúng ta đề phòng những lời dỗ ngọt của con ma lười biếng. Có khi chúng ta cũng “ra công làm việc” thật đấy, nhưng chỉ để tìm kiếm “lương thực mau hư nát” (x. Ga 6,27). Đừng quên “Ai không làm việc thì không đáng ăn!” (2Tx 3,10). Nhất là đừng quên rằng Chúa Giêsu luôn xác nhận Cha của Ngài làm việc liên lỉ và Ngài cũng vậy (Ga 5,17).
Sống Lời Chúa: Thực hành lời dạy trong kinh Bảy Mối Tội Đầu: “Siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết siêng năng làm việc theo khả năng, dù ít hay nhiều, mà Chúa ban cho chúng con để xây dựng Nước Chúa.
29.08.21 CHÚA NHẬT TUẦN 22 TN – B
Mc 7,1-8.14-15.21-23
SẠCH TỪ TRONG ĐẾN NGOÀI
“Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,23)
Suy niệm: Những trái cam vàng ửng, những chùm nho mọng mướt trông thật ngon lành, nhưng người tiêu dùng vẫn không thể yên tâm vì mối nguy hiểm do dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản,… ngấm ngầm trong đó biến chúng thành những thứ thuốc độc hại chết người. Cái bẩn từ bên ngoài như bụi đất có thể rửa sạch được; còn những thứ ô nhiễm từ bên trong làm hư hỏng sự vật ngay từ bản chất, thì khó lòng gột rửa được. Chúa Giêsu nhấn mạnh những dục vọng bất chính từ lòng người xuất phát ra mới thực sự làm người ta ra dơ bẩn. Bị dơ bẩn từ trong tâm mà chỉ tẩy rửa bên ngoài mà thôi thì không thể sạch được. Chúa dạy ta muốn làm sạch phải làm sạch từ cái tâm: “Hãy bố thí những gì ở bên trong thì mọi sự sẽ trở nên trong sạch” (x. Lc 11,41).
Mời Bạn: Tất cả mọi việc làm cho con người ra dơ bẩn đều là con đẻ của những “ý định xấu.” Mời bạn thanh tẩy cõi lòng mình bằng cách loại bỏ lòng tham lam, ước muốn hưởng thụ vô độ, ích kỷ, óc tự tôn và thay vào đó là tinh thần phục vụ, khiêm tốn, và hiền lành theo mẫu gương Chúa Giêsu.
Chia sẻ: Những loại văn hoá phẩm đồi truỵ từ các loại băng đĩa và mạng internet đang đầu độc tâm hồn người ta, nhất là giới thanh thiếu niên. Mời bạn và nhóm của bạn cùng quyết tâm và đưa ra sáng kiến để loại bỏ chúng.
Sống Lời Chúa: Ngay từ đầu ngày, hướng tới một ý tưởng, hay hình ảnh cao thượng, thánh thiện để tâm niệm suốt ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tạo cho con trái tim trong sạch, và đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. (Tv 50,12)
30.08.21 THỨ HAI TUẦN 22 TN
Thánh Phêlixi, LM
Lc 4,16-30
CHIA SẺ LỜI CHÚA
“Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh”. ( Lc 4,16)
Suy niệm: Không cần phải lý luận dài dòng về tầm quan trọng của Lời Chúa. Ai cũng biết đó là lời ban sự sống, lời ánh sáng, lời giải thoát và cứu độ… Nhưng có lẽ vấn đề đặt ra là làm sao để việc đọc lời Chúa – đọc cách trang trọng và nghiêm túc và coi đó như một việc đạo đức, một điểm hẹn để gặp gỡ Chúa Kitô không thể thiếu được – trở thành một thói quen sáng tối trong các gia đình, một việc làm bình thường tự nhiên trong các lớp giáo lý, các cuộc họp tổ, hay trong đời sống riêng tư hằng ngày. Rồi cũng phải làm sao để trong mỗi nhóm có ít nhất một hai người đọc Lời Chúa xong còn có khả năng để gợi ý cầu nguyện, chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa, tìm ra những cách thức cụ thể để áp dụng Lời Chúa.
Mời Bạn: Hiện nay việc đọc Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa, chung hay riêng đã được nhân rộng thêm nhưng có lẽ tại nhiều xứ đạo trong giáo phận, việc đó như thể dành cho một số ưu tuyển và là việc xa xỉ dư thừa đối với một số người.
Chia sẻ: Bạn và tôi, chúng ta làm gì để phổ biến việc đọc Lời Chúa, cải tiến việc chia sẻ Lời Chúa?
Sống Lời Chúa: Trung thành với việc đọc và suy niệm Lời Chúa 5 phút mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, mỗi lần đọc Lời Chúa là con gặp được Chúa, con nghe Chúa nói với con. Con yêu mến Chúa, xin cho con chăm chỉ đọc Lời Chúa, đọc cho con và đọc cho anh em con.
31.08.21 THỨ BA TUẦN 22 TN
Thánh Raimunđô, LM
Lc 4,31-37
ĐEM ĐẠO VÀO ĐỜI
Trong hội đường có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giê-su Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Lc 4,33-34)
Suy niệm: Các kiểu nói như “đem đạo vào đời, thánh hóa các thực tại trần thế” mới được nói nhiều đến trong những thập niên cuối thế kỷ trước. Nhưng từ thời Chúa Giê-su, việc đó đã khởi sự. Bởi lẽ sứ mạng của Chúa Giê-su là nhập cuộc vào thế gian này để giang tay cứu độ hết muôn người và dẫn họ về với Chúa Cha. Ma quỷ không muốn thế. Để giảm thiểu tầm hoạt động của Chúa, nó đề nghị giải pháp “qui hoạch” “khoanh vùng” mà thực tế là để nó tự do tung hoành: “Chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” Đối với nó việc Chúa đến để tiêu diệt nó là một việc “dài tay”, ngoài phận sự, tốt nhất chuyện ai nấy làm.
Mời Bạn: Cảnh giác với tinh thần tục hóa có đặc điểm là coi vật chất tự nó đủ cho con người, không cần ơn cứu độ của Chúa Giê-su, không liên hệ gì với sự thiêng thánh; coi những giáo huấn của Chúa không dính dáng gì đến trần thế. Chúng ta được mời gọi đem “đạo” vào “đời”, lấy Phúc Âm Chúa Giê-su thấm nhiễm các thực tại trần thế.
Chia sẻ: Bạn gặp khó khăn nào khi phản ứng lại sự ác đang hoành hành nơi bạn sinh sống, làm việc? Sự hiện diện của bạn ở giữa anh em lương dân có trở thành một lời mời gọi mọi người hướng tới sự thánh thiện không?
Sống Lời Chúa: Tham gia phục vụ công ích với tinh thần Phúc Âm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su xin cho con theo chân Chúa trên khắp nẻo đường truyền giáo để lấy Tin Mừng soi sáng và cứu độ tha nhân.