01/05/21 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 PS
Th. Giu-se Thợ
Mt 13,54-58
GIÁ TRỊ CỦA LAO ĐỘNG
“Ông này không phải là con bác thợ mộc ư?” (Mt 13,55)
Suy niệm: Con Thiên Chúa Đấng Tạo thành khi xuống thế làm người, sống giữa loài người, đã được biết đến như là “Con bác thợ mộc”! Ngài thực sự đã đồng hoá với loài người, chia sẻ đời sống của loài người: làm việc để nuôi sống, để phát triển bản thân và xã hội. Việc Chúa tự hạ làm con người lao động thật đáng cảm kích. Và giá trị của lao động thật cao cả, vì nâng con người lên địa vị cao là con cái Thiên Chúa.
Mời Bạn: Ngày nay, con người thấy rõ giá trị của lao động và vai trò của minh trong chương trình “thống trị trái đất” (St 1,28) của Đấng Tạo Dựng, đặc biệt qua những thành tựu khoa học kỹ thuật… Tuy nhiên về phương diện xã hội và đạo đức, thì còn rất “chậm tiến”! Cứ xem những cuộc đấu tranh, lắm khi rất căng thẳng, thậm chí bạo động, xảy ra mọi nơi hiện nay, thì biết việc lao động của con người vẫn còn ở giai đoạn “kiếm sống”: hàng triệu người hiện nay vẫn đói đủ ăn!… Việc lao động để “thống trị trái đất” như Chúa muốn, phải thực sự giải phóng con người, phát triển con người toàn diện nhất là phần tâm linh.
Chia sẻ: Qua việc Thiên Chúa nhập thể làm người trong “giới lao động”, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại việc lao động của chúng ta có giúp cho tôi và anh em tôi được xích lại gần nhau hơn không!
Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc, dâng lên Chúa một lời nguyện xin Ngài thánh hoá việc lao động mình sắp làm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi ngày khi con bắt đầu công việc lao động, dù là lao động trí óc hay chân tay, xin giúp con biết làm việc không chỉ để kiếm sống mà còn để làm cho trái đất này được xinh đẹp hơn và phẩm giá anh em con được tôn trọng hơn.
02/05/21 CHÚA NHẬT TUẦN 5 PS – B
Ga 15,1-8
HOA TRÁI TỐT LÀNH
“Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.” (Ga 15,8)
Suy niệm: Cành nho chỉ sinh được nhiều hoa trái nếu gắn liền với cây nho, được cắt tỉa, vun tưới, chăm sóc. Đời sống người Ki-tô hữu cũng sinh nhiều hoa trái tốt lành thánh thiện nếu gắn kết với nguồn mạch sự sống của mình là Đức Ki-tô, mà hai đường huyết mạch cung cấp dưỡng chất thiêng liêng cho linh hồn là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Đồng thời cành nho linh hồn còn phải được cắt tỉa khỏi những rườm rà và sâu bệnh của tinh thần thế tục, hầu sự sống từ nơi Chúa không bị thất thoát nhưng được tập trung tối đa để sinh nhiều hoa trái tốt lành.
Mời Bạn: Nếu người nào tách ra khỏi Chúa, họ sẽ thiếu sức sống của Ngài, linh hồn trở nên èo uột, ốm yếu, và như một lẽ đương nhiên, mất dần khả năng đề kháng trước sự tấn công của vi-rút tội lỗi. Mời bạn mỗi ngày dành thời gian suy niệm Lời Chúa, để sống những giá trị Tin Mừng trước những mời mọc quyến rũ của thế gian. Và đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng linh hồn mình bằng lương thực thần linh là chính Thánh Thể Chúa Ki-tô.
Chia sẻ: Bạn có nhận ra giá trị tích cực của khó khăn, nghịch cảnh là việc Thiên Chúa “cắt tỉa” để bạn kết hợp với Chúa, lớn lên và nhờ đó, sinh hoa kết trái không?
Sống Lời Chúa: Củng cố mối liên kết bạn với Chúa bằng việc thường xuyên suy niệm Lời Chúa và rước Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn kết hiệp với Chúa, và xin Chúa thanh luyện con, con mạnh mẽ vượt qua những trở ngại bản thân, sống sung mãn nhờ sức sống của Chúa và chia sẻ cho người khác. Amen.
03/05/21 THỨ HAI TUẦN 5 PS
Th. Phi-líp-phê và Gia-cô-bê, tông đồ
Ga 14,6-14
BIẾT CHÚA CHA QUA CHÚA CON
“Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy.” (Ga 14,7)
Suy niệm: Nếu để ý quan sát, chúng ta sẽ thấy hình Chúa Cha do các họa sĩ vẽ khá giống hình Chúa Con. Vẽ như thế có lẽ vì họ đã dựa vào lời Chúa Giê-su mặc khải về tương quan giữa Chúa Giê-su và Chúa Cha: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy;” “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha;” và “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy;” “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.” Những lời mặc khải này cho ta hiểu rằng Chúa Cha đã dùng Chúa Con để nói, để làm, để biểu lộ Chúa Cha như thế nào. Chúa Con chính là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), nhìn vào Chúa Con là thấy được Chúa Cha. Vì thế, để biết Chúa Cha thế nào chúng ta cứ nhìn vào lời nói và việc làm của Chúa Con.
Mời Bạn: Thắc mắc của tông đồ Phi-líp-phê với tính thực tế của mình cho thấy ông chưa thực sự hiểu biết Thầy mình nhưng lại là dịp Chúa Giê-su mặc khải rõ hơn mầu nhiệm quan trọng về Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Nhờ đó chúng ta có thể biết được Chúa Cha. Thật là phải cám ơn Phi-lip-phê thật nhiều và tạ ơn Chúa Giê-su vô vàn, bởi vì nơi Ngài, Thiên Chúa trở nên hữu hình, gần gũi; cứ ở trong Chúa Giê-su là chúng ta có thể ở trong Chúa Cha.
Sống Lời Chúa: Gắn bó với Chúa Giê-su bằng việc rước lễ và đọc Kinh Thánh chúng ta sẽ biết và ở trong Chúa Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là hình ảnh trung thực nhất của Chúa Cha, xin ban cho chúng con lòng khao khát được gặp Chúa Cha bằng việc gắn bó với Chúa Con trong mọi sinh hoạt thường ngày của chúng con.
04/05/21 THỨ BA TUẦN 5 PS
Ga 14,27-31a
BÌNH AN TRONG TÌNH YÊU
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.”(Ga 14,27)
Suy niệm: Đứng trước viễn cảnh chia ly, Chúa Giê-su đã ban cho các môn đệ món quà vô giá là sự “bình an” của chính Ngài. Bình an Chúa ban không giống như kiểu thế gian, nghĩa là không chỉ là một lời chúc xã giao; nó cũng không phải là khoảng thinh lặng đáng sợ giữa hai cuộc chiến. Bình an của Chúa Giê-su là hoa trái của nỗ lực tìm kiếm, trung thành, và chu toàn ý định của Chúa Cha. Chính nhờ sống trong tình yêu kết hiệp mật thiết với Chúa Cha và Thánh Thần mà Chúa Giê-su sống dồi dào niềm vui, hạnh phúc, và bình an. Bởi thế, Chúa Giê-su, Hoàng tử Bình An, muốn trao ban nó cho các môn đệ để giúp các ông vượt qua mọi sợ hãi trước những gì sắp xảy ra và tiếp tục vững tin lời Thầy trước bao biến cố thăng trầm.
Mời Bạn: Theo thánh Bonaventura, để lớn lên trong bình an chúng ta cần yêu Chúa hết lòng. Càng yêu Chúa hết lòng, càng sống trào tràn bình an và càng khát khao chia sẻ nó cho mọi người. Đó chính là niềm vui Tin Mừng mà Chúa Giê-su muốn loan báo cho con người. Để sống trong bình an của Chúa, chúng ta cần cảm nhận mình được Chúa yêu thương bắt đầu từ những điều, những con người nhỏ bé nhất, gần gũi nhất với chúng ta. Và hơn nữa bình an khi cảm nghiệm tình yêu Chúa qua những khổ đau Chúa để cho xảy đến trong đời chúng ta.
Sống Lời Chúa: Làm một việc để trợ giúp người đang gặp khó khăn hoặc một việc để bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ niềm vui để xây dựng bình an cho gia đình và người thân.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.
05/05/21 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 5 PS
Ga 15,1-8
CHẤP NHẬN “MẤT” ĐỂ “ĐƯỢC”
“Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (Ga 15,2)
Suy niệm: Chúa Giê-su chỉ ra 2 điều kiện để cành nho sinh được nhiều hoa trái: 1) phải gắn liền với cây nho; 2) là phải được cắt tỉa. Gắn liền với cây nho, đó là điều đương nhiên vì nếu cành nho bị tách lìa khỏi thân thì nó sẽ khô héo ngay. Còn việc cắt tỉa, đó là kỹ thuật chăm sóc cây của người trồng nho, chính là Thiên Chúa Cha. Cắt tỉa có nghĩa chấp nhận bỏ đi để đạt được nhiều thành quả hơn. Một cây nho cành lá sum sê um tùm, cần phải được cắt tỉa để cây khỏi phải nuôi quá nhiều cành lá dư thừa nhưng tập trung nhựa sống vào việc sinh nhiều hoa, kết nhiều trái ngon ngọt. Chuyện cây nho cũng là chuyện đời sống thiêng liêng trong mối tương quan giữa chúng ta với Chúa Ki-tô: chấp nhận “mất đi” cho tội lỗi để “được” hoa trái là hạnh phúc vĩnh hằng bên Chúa.
Mời Bạn: Cắt tỉa là chấp nhận chịu đau đớn, chịu thương tích để mất đi nhưng đó lại là điều kiện cần thiết để có được kết quả tốt hơn. Đời sống thiêng liêng của Bạn cũng vậy, muốn sinh được hoa trái tốt thì ngoài việc kết hiệp mật thiết với Chúa, Bạn còn phải để cho Lời Chúa cắt tỉa và uốn nắn từng ngày. Có thể Chúa muốn bạn ‘cắt tỉa’ đi những thói xấu, những tội lỗi, để chỉ giữ lại cho Bạn những gì là tốt đẹp nhất, những gì có thể sinh được hoa trái tốt lành mà thôi.
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm từ bỏ một thói xấu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết ngoan ngoãn để cho Chúa uốn nắn và sửa dạy qua mọi biến cố vui buồn của cuộc sống, nhờ đó con sẽ được kết hiệp với Chúa cách mật thiết hơn. Amen.
06/05/21 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 5 PS
Ga 15,9-11
Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CHÚA
“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,9)
Suy niệm: Để thể hiện tình cảm với nhau, người ta dùng nhiều cách thức: gởi thư thăm hỏi, nhắn tin, gởi quà, thăm viếng, có khi đến thăm và ở lại nữa… Những cách thức đó, dù có rất đậm đà, thân thiết, nhưng cũng chỉ là từ xa hoặc nhất thời. Chúa Giê-su muốn thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người cách đặc biệt khôn ví. Ba lần Ngài tha thiết mời gọi chúng ta ở lại trong tình yêu của Ngài. Ở lại trong Chúa không phải để bị Ngài “quấy rầy” mà là để được Ngài yêu thương, được thông ban sự sống thần linh, được trở nên con cái Chúa và nên một với Ngài, nghĩa là để hưởng “niềm vui của Chúa, niềm vui trọn vẹn,” và hưởng mãi mãi.
Mời Bạn: Chúa đã mời gọi bạn đến và ở lại với Ngài. Bạn đã nghe và đáp lại lời Ngài chứ! Mời bạn đến và ở lại với Ngài qua việc cầu nguyện liên lỉ, suy niệm Lời Chúa hằng ngày và tham dự Thánh lễ thường xuyên hơn. Một khi bạn ở lại trong tình yêu của Chúa, thì bạn đi đâu, làm gì, cũng có Chúa ở với bạn và bạn có thể đem Chúa đến với bất cứ ai mà bạn gặp gỡ tiếp xúc.
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, thường xuyên tham dự Thánh lễ và rước Chúa không chỉ trong ngày Chúa Nhật, luôn sẵn sàng chia sẻ phục vụ anh chị em, đó là những việc luôn phải có trong lịch trình đời sống hằng ngày của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con thêm lòng yêu mến và sự khát khao để chúng con biết tìm đến Chúa và ở lại trong Chúa như một nguồn sống và là cùng đích của cuộc đời chúng con. Amen.
07/05/21 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 5 PS
Ga 15,12-17
DI NGÔN TÌNH YÊU
“Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)
Suy niệm: Có những người biết mình sắp lìa bỏ cuộc đời nên đã để lại những lời trăng trối; đó có thể là những di ngôn cô đọng, những tâm tình lưu luyến nhất gửi cho người còn ở lại, những công trình dang dở mong được nối tiếp… để mình vẫn còn hiện diện dù đã ra đi. Chúa Giê-su, trong bữa Tiệc Ly, cũng đã nói với các môn đệ những lời yêu thương nhất, đã thực hiện những việc mà Ngài căn dặn các ông “hãy làm để tưởng nhớ đến Thầy”. Những điều đó như một bản đúc kết những lời nói việc làm của Chúa trong ba năm các môn đệ ở với Thầy, mà có lẽ các ông chưa đủ thẩm thấu, giờ đây được trối lại qua giới răn riêng của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em.”
Mời Bạn: Chúng ta là con cái được bố mẹ sinh ra cho đến khi lớn lên và bay xa tổ ấm, chưa chắc đã lãnh hội được những lời cha mẹ dạy, những việc cha mẹ làm cho mình và những hoài bão cha mẹ gửi gắm nơi cuộc đời mình. Ấy vậy mà có ba năm đi với Thầy, làm sao các môn đệ “khắc cốt ghi tâm” cho đủ đầy được. Do vậy Thầy vừa dặn dò vừa chỉ dẫn chi tiết. Và một xác quyết Đức Giê-su khẳng định với các môn đệ rằng: các ông không phải là tôi tớ mà là anh em, là bạn hữu nghĩa thiết thân tình. Bạn sống thân tình với Chúa hay giữa Chúa và bạn còn một khoảng cách?
Sống Lời Chúa: Hãy coi việc cầu nguyện với Chúa mỗi ngày như việc quan trọng nhất giúp bạn sống thân tình hơn với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn nhớ đến di ngôn của Chúa và đem ra thực hành trong đời mình hàng ngày. Amen.
08/05/21 THỨ BẢY TUẦN 5 PS
Ga 15,18-21
SỨC CĂNG VÔ HÌNH
“Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15,19)
Suy niệm: Trong Tin mừng Gio-an, hạn từ thế gian mang nhiều nghĩa: Có khi đó là thế gian mà “Thiên Chúa đã quá yêu” (x. Ga 3,16); nhưng ở đây “thế gian” có ý nói thế lực sự dữ chống lại đường lối Thiên Chúa, tiêu biểu nơi một số lãnh đạo Do Thái giáo. Họ thù ghét, kình chống và tìm cách hãm hại Đức Giê-su. Vì ghét Ngài nên họ ghét luôn các môn đệ (c.18), cũng tìm cách bắt bớ, giết hại các ông. Đang khi ấy, các ông lại được sai vào thế gian, thực thi sứ vụ biến đổi thế gian. Tư thế vừa ở trong thế gian, vừa được tách khỏi thế gian, đã tạo ra một ‘sức căng vô hình’ nơi các môn đệ. Tuy nhiên, bước theo Đức Giê-su là mặc nhiên chấp nhận đối diện với những thách đố, thậm chí là đối đầu không khoan nhượng với thế gian.
Mời Bạn: Chắc bạn cũng cảm thấy một ‘sức căng’ nào đó trên ơn gọi Ki-tô hữu của mình khi sống giữa thế gian này? Thế gian chuộng bóng tối và giả dối; còn bạn phải bước đi trong ánh sáng và sự thật. Như vậy, bạn đang ở trong cuộc chiến cam go, bất khoan nhượng với thế gian rồi. Dám sống khác biệt, dám hướng đến những lý tưởng khác với lý tưởng của thế gian mới là hướng đi dành cho bạn-người môn đệ Chúa, bất chấp cả việc bị thế gian ghét bỏ.
Sống Lời Chúa: Dám sống quảng đại, trung thực và can đảm lên tiếng cho bất công nơi bạn đang sống hay làm việc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê–su, xin cho con biết xa rời những giả trá của thế gian, để bước đi theo đường lối Chúa, dầu phải chịu ghét bỏ, chống đối, hay thiệt thân, hầu mỗi ngày chúng con nên giống Chúa hơn. Amen.
09/05/21 CHÚA NHẬT TUẦN 6 PS – B
Ga 15,9-17
LIÊN ĐỚI TRONG TÌNH YÊU
Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. (Ga 15,9)
Suy niệm: Chúa Giê-su nói những lời trên trong bối cảnh chia tay các môn đệ để đi nộp mình chịu chết. Chúa biết, việc Ngài làm, lúc ấy các môn đệ chưa hiểu, nhưng sẽ không bao giờ hiểu nếu vẫn là những ‘người ngoài’. Vì thế, Ngài tha thiết mời gọi họ hãy ở lại trong tình thương của Ngài. Một tình thương mang tính huyền nhiệm. Tình thương dám vượt qua mọi tính toán hẹp hòi để chấp nhận hiến dâng: tình thương Chúa Cha dám trao ban Con Một yêu dấu; tình thương Chúa Con dám hiến dâng mạng sống; và chỉ những ai liên đới trong tình thương yêu ấy mới biết phải làm gì cho anh chị em của mình.
Mời Bạn: Tình thương của Thiên Chúa không phải là một khái niệm trừu tượng, mà nó được hiện thực hóa bằng những hành động rất cụ thể: như là bênh vực những người cô thế cô thân, là đem niềm an ủi cho những kẻ yếu hèn, ốm đau, bệnh tật… và cao điểm của tình thương là hiến dâng mạng sống. Cách thế để ta ở lại trong tình thương của Ngài chính là giữ các giới răn của Ngài, hay nói cách khác, là hãy thực hiện cho người anh em điều mà chính Chúa đã làm cho mỗi chúng ta.
Sống Lời Chúa: Chúa Ki-tô hằng sống, vì thế, Ngài vẫn hằng phục vụ ta, đặc biệt nơi các Bí tích. Hãy cho mình cơ hội để ở lại trong tình thương của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô Phục sinh, Chúa hứa rằng sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin cho con biết ở lại trong Chúa như cành nho gắn liền với thân nho để đời sống con sinh được nhiều hoa trái. Amen.
10/05/21 THỨ HAI TUẦN 6 PS
Ga 15,26-16,4a
LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
“Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.” (Ga 15,26b)
Suy niệm: “Sự thật là gì?” Ông Phi-la-tô đã từng hỏi Chúa Giê-su câu đó nhưng ông đã không đủ “kiên nhẫn” để nghe câu trả lời trực tiếp từ Chúa Giê-su, hơn nữa ông đã chẳng nhận thấy Chúa Giê-su chính là Sự Thật (x. Ga 14,6) đang đứng trước mắt ông đây. Chúa Thánh Thần là “Thần Khí sự thật” được Chúa Cha “sai đến để làm chứng” cho Đức Ki-tô là Sự Thật, và là “Sự Thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Sự Thật toàn vẹn là Đức Ki-tô vượt xa sự thật của thế gian, là những sự thật tương đối và phiến diện. Sự Thật toàn vẹn chính là Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa, đã nhập thể làm người, đã hiến thân chịu chết và đã phục sinh; đó là điều Thần Khí Sự Thật được sai đến để làm chứng.
Mời Bạn: Để nhận biết và nhận được sức mạnh và quyền năng của Thần Khí sự thật, con người cần có lòng yêu mến và khát khao tuân giữ giới răn của Chúa Giê-su như Người đã từng nói: “Người thuộc về sự thật thì nghe tiếng Ta.” Thần Khí sự thật làm chứng cho Chúa Giê-su, là bảo đảm cho đức tin của chúng ta, cho chúng ta sức mạnh để thực thi điều Chúa Giê-su dạy “là tin vào Đấng Người đã sai đến.” Và tới lượt chúng ta cũng thực thi sứ mạng Đức Ki-tô giao phó: “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy” (Ga 15,27).
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện để lắng nghe lời chứng của Chúa Thánh Thần và để tiếp tục làm chứng cho Chúa trong đời sống của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến soi sáng và thêm sức cho chúng con để chúng con được thuộc về Chúa và can đảm làm chứng cho Sự thật toàn vẹn là Đức Ki-tô.
11/05/21 THỨ BA TUẦN 6 PS
Ga 16,5-11
SỐNG TRONG THÁNH THẦN
“Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em.” (Ga 16,7)
Suy niệm: Chúa Giê-su về với Chúa Cha, nhưng không để các môn đệ mồ côi. Người sai Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công cuộc cứu độ vốn đã khởi đầu. Chúa Thánh Thần hoạt động âm thầm nhưng rất mãnh liệt trong đời sống và sứ vụ của các môn đệ. Ngài khai lòng mở trí để các môn đệ hiểu giáo huấn của Chúa Giê-su và dẫn đưa họ đến sự thật toàn vẹn. Ngài an ủi, chữa lành và biến đổi những con người yếu đuối, nhút nhát ấy trở nên can trường, mạnh mẽ. Ngài hướng dẫn, đồng hành với các ông trong công cuộc loan báo Tin mừng cho các dân tộc… Tắt một lời, sau khi Chúa Giê-su về trời, Thánh Thần được ban trào tràn cho các môn đệ. Chính nhờ quyền năng vô song của Thánh Thần mà các ông sống dồi dào và thi hành sứ vụ đầy hiệu quả.
Mời Bạn: Giáo hội đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần, nhưng tiếc thay Ngài là vị Thiên Chúa ‘dễ bị lãng quên’. Thật quan trọng việc xin ơn Thánh Thần hằng ngày để Ngài giúp chúng ta đi sâu hơn vào mầu nhiệm Đức Ki-tô. Nhờ Thánh Thần đổ vào lòng mỗi người mà ta được biến đổi tận gốc rễ, được lớn lên trong tình yêu và được dẫn dắt theo những nẻo đường đẹp ý Chúa.
Sống Lời Chúa: Bắt đầu mỗi việc, hãy sốt sắng xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn bằng cách đọc Kinh Đức Chúa Thánh Thần hoặc Kinh Sáng Soi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, Thánh Thần là hồng ân lớn lao mà Chúa trao ban cho mỗi người chúng con. Xin biến đổi tâm hồn chúng con nên đơn sơ mềm mỏng để biết ‘buông mình cho Chúa Thánh Thần’.
12/05/21 THỨ TƯ TUẦN 6 PS
Th. Nê-rê-ô và A-khi-lê-ô, tử đạo
Ga 16,12-15
SỐNG THEO THẦN KHÍ SỰ THẬT
“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (Ga 16,13)
Suy niệm: Nhìn thế giới với cái nhìn đa chiều, mỗi chiều kích lại cho ta thấy một loại sự thật khác nhau: sự thật toán học, sự thật lịch sử, sự thật triết học, tôn giáo,… Muốn đạt tới một sự thật toàn vẹn theo nghĩa bao trùm mọi chiều kích như thế hầu như là không tưởng. Sự thật mà Thần Khí dẫn các môn đệ tới là “Sự Thật Toàn Vẹn,” Sự Thật đó được hiện thực nơi Đức Giê-su Ki-tô: Ngài là Con Thiên Chúa, nhập thể làm người, chịu chết và sống lại. “Sự Thật Toàn Vẹn” còn là sự thật đem lại ơn cứu độ, vì ai tin vào Đức Ki-tô, người ấy sẽ được cứu. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng, hướng dẫn các môn đệ để họ nhận biết Sự Thật Toàn Vẹn, sống và làm chứng cho sự thật đó bằng đời sống của mình.
Mời Bạn: Người môn đệ Chúa Ki-tô đã được dẫn tới Sự Thật Toàn Vẹn rồi thì phải làm chứng cho Sự Thật đó bằng cả đời sống của mình. Những quanh co giả dối nhỏ nhặt trong cuộc sống của bạn dập tắt hoạt động của “Thần Chân lý” trong tâm hồn bạn. Mỗi khoảnh khắc cụ thể trong đời bạn được mời gọi tiến bước trong ‘sự thật toàn vẹn’, và trở thành “người truyền đạt” sự thật của Chúa. Xây dựng cuộc sống trên sự thật là con đường dẫn bạn đến với Thiên Chúa. Bằng cách sống sự thật, Ki-tô hữu để cho Tin Mừng thấm đậm và thánh hóa môi trường văn hóa xã hội của mình.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm sống để xây dựng sự thật và lên tiếng bảo vệ sự thật.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, mỗi ngày xin giúp con sống theo sự thật trong tình bác ái, để con không bao giờ đánh mất bất cứ cơ hội nào làm danh Chúa hiển vinh. Amen.
13/05/21 THỨ NĂM TUẦN 6 PS
Đức Mẹ Fatima
Ga 16,16-20
NỖI BUỒN TRỞ THÀNH NIỀM VUI
“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy…Thật, Thầy bảo thật anh em, anh em sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,16.20)
Suy niệm: Có một sự tương phản giữa những khoảnh khắc “một ít lâu nữa”: tương phản giữa thời gian hiện tại và thời gian tương lai, giữa thế gian và những người môn đệ Chúa: “thế gian” thì “vui mừng” còn những môn đệ Chúa “khóc lóc”; một sự tương phản đầy kịch tính vì tính cách khẩn cấp, quyết liệt, một mất một còn vì đó là thời điểm chuyển tiếp, thời điểm “vượt qua” của Đức Ki-tô. Chúa Giê-su không dấu diếm các môn đệ về thời điểm “vượt qua” của Ngài, nhưng đồng thời Ngài cũng hé mở cho các ông niềm hy vọng đầy xác tín rằng chính tại thời điểm “nhạy cảm” này, tình thế sẽ đảo ngược: nước mắt sẽ biến thành nụ cười, nỗi buồn sẽ được chuyển thành niềm vui.
Mời Bạn: Điểm “nhạy cảm” để chuyển hoá nỗi buồn thành niềm vui mà Chúa hứa nằm tại chính thập giá của Đức Ki-tô, nơi Ngài thực hiện cuộc “vượt qua”. Muốn đạt được niềm vui Chúa hứa đó, mời bạn hãy cùng Đức Ki-tô thực hiện cuộc “vượt qua” nơi thập giá.
Chia sẻ: Sự “tương phản đầy kịch tính” giữa thế gian và các môn đệ Chúa ngày nay là gì?
Sống Lời Chúa: Cảm nhận được niềm vui thánh thiện khi làm một điều tốt: một việc hy sinh, phục vụ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là nguồn vui đích thực của con, niềm vui không ai có thể cướp đi được. Xin cho con biết tìm thấy Chúa trong các công việc bổn phận hằng ngày và trong việc dấn thân phục vụ các anh chị em của con. Amen.
14/05/21 THỨ SÁU TUẦN 6 PS
Th. Mát-thi-a, tông đồ
Ga 15,9-17
PHẢI CHĂNG LÀ ĐẠO TẠI TÂM?
“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,10)
Suy niệm: Để biện minh cho lối sống phóng đãng, lơ là trong việc thực hành đạo, người ta thường đưa chiêu bài rằng: “Đạo tại tâm ấy mà!” Rằng: các điều răn giới luật làm tôn giáo trở nên cồng kềnh nặng nề, tự do cá nhân bị đánh cắp, v.v… Như một lời giải cho quan niệm ấy, Chúa Giê-su đưa ra giới răn quan trọng mà Ngài gọi là “điều răn của Thầy”, đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (c. 12). Đối với Chúa, giữ giới răn là thực hành yêu thương và nhờ đó ở lại trong tình yêu thương, và ngược lại vì yêu nên giữ giới răn. Khi tuân giữ giới răn vì yêu thương như thế, con người sẽ không bị trói buộc mà trái lại trở nên tự do. Họ không còn bị những đam mê dục vọng chế ngự. Và, khi tình yêu đầy tràn tại tâm của họ, đương nhiên hành động bên ngoài sẽ thấm đượm tình bác ái. Như thế mới đích thực là Đạo tại tâm.
Mời Bạn: Trong thời đại chạy theo vật chất và thích hưởng thụ như hiện nay, tuân giữ các giới răn của Chúa quả là điều không phải dễ. Mời bạn dám từ bỏ qua những đam mê trần tục đã bám rễ sâu trong tâm hồn mình, mà cố gắng sống đường hoàng mỗi ngày nên tốt hơn.
Sống Lời Chúa: Dành ít phút trong ngày để kiểm điểm lại những lần bê trễ biếng nhác trong việc bổn phận của mình, đồng thời quyết tâm từ bỏ một tính xấu lớn đang làm đời sống thiêng liêng của mình bị tê liệt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết biến đổi con người cũ của mình, lánh xa dịp tội, để có thể cảm nhận được tình thương của Chúa trong cuộc đời của con. Amen.
15/05/21 THỨ BẢY TUẦN 6 PS
Ga 16,23b-28
ĐẤNG TRUNG GIAN DUY NHẤT
“Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.” (Ga 16,23b)
Suy niệm: Trong các lời kết nguyện, chúng ta thường đọc: Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Như thế, mọi kinh nguyện Ki-tô giáo đều được dâng lên Chúa Cha qua Chúa Giê-su. Lời cầu xin của Ki-tô hữu đáng được Chúa Cha chấp nhận khi cậy nhờ đến công nghiệp của Con Một yêu dấu là Đức Giê-su. Ngài đích thực là đấng Trung gian duy nhất, “vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Chúa Giê-su là Trung Gian không chỉ là nhịp cầu kết nối giữa Thiên Chúa và con người; hơn thế, chúng ta chỉ đến được với Chúa Cha ở nơi và trong Chúa Ki-tô, cũng như Chúa Cha yêu thương cứu độ chúng ta ở nơi và trong Con Yêu dấu của Ngài. “Không ai có thể đến với Cha mà không qua Thầy” bởi vì “Thầy và Cha Thầy là một” (x. Ga 10,30;17,22).
Mời Bạn: Nhờ Đức Ki-tô, chúng ta có thể gặp Thiên Chúa trực tiếp nơi Đức Ki-tô. Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy nhân danh Ngài mà cầu xin Chúa Cha, và Chúa Cha chắc chắn sẽ nhận lời (Ga 15,16). Vậy bạn còn ngần ngại gì mà không kết hiệp với Chúa Con để cầu xin Chúa Cha ban cho bạn điều quí giá nhất là sự sống đời đời ở nơi Chúa?
Sống Lời Chúa: Bồi dưỡng đời sống đạo bằng việc gắn bó với Đức Giê-su trong Lời Chúa và Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin hãy kiện toàn lòng tin của chúng con, giúp chúng con kiên trì sống niềm tin đó mỗi ngày thêm vững mạnh hoàn hảo hơn. Nhờ đó chúng con sẽ được sống mật thiết với Chúa và qua đó được kết hợp với Chúa Cha trong Chúa.
16/05/21 CHÚA NHẬT TUẦN 7 PS – B
Chúa Thăng Thiên
Mc 16,15-20
TẤT CẢ ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Tin Mừng theo thánh Mác-cô kết thúc thật ngắn gọn nhưng với mệnh lệnh thật rõ ràng: “Hãy đi loan báo Tin Mừng.” Trong bối cảnh Chúa Giê-su sắp “được đưa lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa”, mệnh lệnh ấy mang tính cách tối hậu với những chiều kích rộng lớn nhất: 1/ Tin vào Tin Mừng Phục sinh là con đường thiết yếu để được ơn cứu độ; 2/ Tin Mừng phải được loan báo đến mọi ngõ ngách của cuộc sống trần gian này; 3/ Đối tượng phải được nghe Tin Mừng không chỉ là mọi người thuộc mọi dân tộc mà còn là “mọi loài thọ tạo” nữa. Chúa giao cho các môn đệ sứ mạng trọng đại như thế, không phải là “đem con bỏ chợ”. Ngài ban cho họ nhiều quyền năng và nhất là Ngài vẫn “ở lại với họ mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) để “cùng hoạt động với các ông” (Mc 16,20).
Mời Bạn: Chúa lên trời không phải là lìa xa chúng ta mà trái lại Ngài hiện diện với chúng ta cách sâu xa hơn và hoạt động nơi chúng ta cách hiệu quả hơn. Chính tình yêu Chúa thúc bách chúng ta lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa và rước Thánh Thể để được “Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa”.
Sống Lời Chúa: Lời Chúa và Thánh Thể là động lực và sức mạnh cho bạn lên đường loan báo Tin Mừng. Mời bạn siêng năng đến với Chúa qua những phương thế đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết để cho tình yêu của Chúa lôi kéo và cho con biết lắng nghe và sống theo Giáo huấn của Chúa, ngõ hầu trở nên một con người thực sự có Chúa hiện diện, có tình yêu của Đức Ki-tô đồng hành mà làm chứng cho muôn dân.
17/05/21 THỨ HAI TUẦN 7 PS
Ga 16,29-33
CON ĐƯỜNG VỀ TRỜI
Đức Giê-su nói: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16,33)
Suy niệm: Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, “vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”. Ngài xuống thế với mục đích rõ ràng là để cứu độ chúng ta. Ngài không cứu chúng ta bằng sự can thiệp kỳ diệu như trong những câu chuyện thần tiên. Ngài cũng không cứu chúng ta theo kiểu Thánh Gióng với roi sắt ngựa thần để nhấc bổng chúng ta bay về trời sau khi hoàn tất sứ mạng. Trái lại Ngài đã đi qua con đường thập giá để cứu độ chúng ta, chúng ta cũng phải đi qua con đường thập giá ấy để về trời với Ngài. Vì thế, gian nan khốn khó là điều tất yếu phải có đối với Ki-tô hữu khi còn ở thế gian; đồng thời, gian nan khốn khó cũng là những nấc thang để đưa Ki-tô hữu về trời. Đức Ki-tô đang đợi chúng ta ở nấc thang trên cùng. Ngài luôn động viên chúng ta rằng: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!”
Mời Bạn: “Không rập theo thói đời này” (Rm 12,2) nhưng vâng phục thánh ý Chúa Cha là con đường mà Chúa Giê-su đã đi qua để chiến thắng thế gian. Đó cũng là con đường chúng ta phải đi để đến được với Ngài.
Chia sẻ: Có cách nào để lẩn tránh gian nan khốn khó không?
Sống Lời Chúa: Đừng tìm sự dễ dãi đến độ hèn nhát. Hãy can đảm đối diện sự thật, để sự thật giải phóng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa bảo rằng: “Ngày nào có cái khổ của ngày đó”. Xin cho con đừng phàn nàn khi đối diện đau khổ, nhưng biết nhìn lên Chúa để được tiếp thêm sức mạnh, hầu có thể ‘chiến đấu’ đến cùng.
18/05/21 THỨ BA TUẦN 7 PS
Th. Gio-an I, giáo hoàng, tử đạo
Ga 17,1-11a
ĐỊNH HƯỚNG LỜI CẦU NGUYỆN
“Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha, theo quyền năng Cha đã ban cho Người trên mọi phàm nhân để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người.” (Ga 17,1-2)
Suy niệm: Tin Mừng hôm nay là đoạn mở đầu cho lời nguyện được gọi là “lời nguyện hiến tế” của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su cầu nguyện cho Người và các môn đệ. Những lời cầu thật chân tình thống thiết, một bên là tâm tình thảo hiếu với Cha trên trời, một bên là tình thương của Thầy đối với các môn đệ là những người tin vào Chúa. Chúa Giê-su cầu nguyện cho vinh quang Thiên Chúa và mưu ích cho sự sống và phần rỗi con người là sự sống đời đời.
Mời Bạn: Phần chúng ta, khi cầu nguyện chúng ta thường qui hướng về điều gì? Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu xin trước tiên cho vinh quang Thiên Chúa và khi cầu xin những lợi ích cho bản thân và cho tha nhân thì cũng là để cho vinh danh Chúa và để chúng ta đạt được hạnh phúc muôn đời. Chúng ta hãy bắt chước Chúa Giê-su cầu nguyện, và hãy mở rộng tâm hồn, để chúng ta biết quan tâm đến nhu cầu của người khác qua việc cầu nguyện, và nhất là bằng sự trao ban, chia sẻ, cảm thông.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy cầu nguyện với kinh “Lạy Cha” và áp dụng trong cuộc sống thường ngày những lời Chúa Giê-su dạy nơi kinh đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết cầu nguyện và sống tinh thần con thảo như Chúa để khi đón nhận những hồng ân Chúa trao ban trong cuộc sống, chúng con cũng biết sử dụng tất cả để đem lại lợi ích cho phần rỗi chúng con, cho tha nhân, và để làm vinh danh Chúa. Amen.
19/05/21 THỨ TƯ TUẦN 7 PS
Ga 17,11b-19
HIỆP NHẤT THẮNG XUNG ĐỘT
“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.” (Ga 17,11b)
Suy niệm: Đức Chúa Giê-su đến trần gian với sứ mệnh đem lại sự hiệp nhất giữa con người với nhau, và giữa con người với Thiên Chúa. Ngài đã chết và phục sinh và trao ban Thánh Thần để mọi ngăn cách được tháo gỡ và mọi người trở thành anh em chị em với nhau trong Ngài. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã cầu xin Chúa Cha ban ơn hiệp nhất cho các môn đệ: “Xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.” Ngài mang đến sự hiệp nhất sâu xa trong Thiên Chúa và mong muốn sự hiệp nhất đó được thể hiện trong cộng đoàn các môn đệ, tức là trong Giáo hội của Ngài. Như vậy mọi thành phần trong Giáo hội có bổn phận phải xây dựng sự hiệp nhất.
Mời Bạn: Tiếng Việt có kiểu nói “chung đụng”, cái gì “chung” thì dễ bị “đụng”: khó tránh khỏi xung đột trong cuộc sống giữa những con người “bá nhân bá tính”. Có thứ xung đột giúp mở rộng tầm nhìn và giúp nhau thăng tiến. Nhưng cũng có thứ xung đột phá hoại và làm suy yếu lẫn nhau. Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô mời gọi chúng ta không tránh né, hay cố thủ trong xung đột, nhưng can đảm đối diện và tìm cách giải quyết nó theo nguyên tắc: “Hiệp nhất lớn hơn xung đột” (Niềm vui của Tin Mừng, 226).
Sống Lời Chúa: “Điều làm ta hiệp nhất mạnh mẽ nhiều hơn điều làm ta chia rẽ” (Gio-an XXIII). Tôi nói những lời đem bình an, hòa giải cho anh em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con sống hiền lành khiêm nhường theo gương Chúa để con trở thành chiếc cầu nối kết anh em trong Chúa. Amen.
20/05/21 THỨ NĂM TUẦN 7 PS
Th. Bê-na-đi-nô Xi-ê-na, linh mục
Ga 17,20-26
SỨC MẠNH CỦA HIỆP NHẤT
“Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta.” ( Ga 17,21)
Suy niệm: Mỗi khi nói đến sức mạnh của sự đoàn kết người Việt Nam không ai lại không nhớ đến câu chuyện trong kho tàng văn học dân gian, đó là câu chuyện “Bó đũa”: những chiếc đũa yếu ớt nhưng nếu được ghép lại thành bó lại có một sức mạnh thần kỳ mà không một chiếc đũa riêng lẻ nào có thể có được. “Bó đũa” thiêng liêng chính là Hội Thánh, là thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô được hiệp nhất theo nguyên lý “ở trong nhau”: “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ ở trong chúng ta”, nhờ đó không phải chỉ có “bó đũa” mới có sức mạnh, mà mỗi một “cây đũa” cũng có thể có được thông phần sức mạnh của toàn thể “bó đũa”: mỗi một tín hữu dù nhỏ bé, nhưng được hiệp nhất trong Chúa thì cũng nên một với nhau. Lúc đó, “tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Mời Bạn chiêm ngắm sự hiệp nhất của “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”, và bạn cũng được mời gọi phản chiếu hình ảnh của Chúa Giê-su bằng cách sống yêu thương và vâng phục như Người để nên một với Chúa Cha.
Chia sẻ: Sự hiệp nhất giữa Chúa Giê-su và Chúa Cha là sự hiệp nhất trong tình yêu thương và sự vâng phục, và đó là sự hiệp nhất mật thiết nhất. Bạn có sống sự hiệp nhất này trong gia đình, trong cộng đoàn mà bạn đang sống không?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy để Chúa biến đổi mình trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất bằng cách phục vụ và mở rộng trái tim đến với tất cả mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn hiệp nhất với nhau nên một trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.
21/05/21 THỨ SÁU TUẦN 7 Ps
Th. Ki-tô-phô-rô Ma-ga-la-nét, linh mục tử đạo
Ga 21,15-19
ĐƯỢC TRAO QUYỀN TRÊN NỀN TẢNG ĐỨC MẾN
“Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,17)
Suy niệm: Rộng lượng quên tất cả lầm lỗi của người môn đệ đã ba lần chối Thầy, đã bỏ mặc Thầy trong cơn nguy khốn, Chúa Giê-su muốn cho dành cho Phê-rô cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời. Giờ đây chỉ cần Phê-rô bày tỏ lòng yêu mến đối với Thầy là Đức Giê-su không ngần ngại trao quyền lãnh đạo Giáo hội cho ông. Phê-rô cũng vậy, ông cần phải có lòng yêu mến Thầy để chu toàn sứ mạng nặng nề này. Chúa biết sau lần vấp ngã ấy, Phê-rô không còn dám vỗ ngực tự hào mình hơn các anh em khác, ông khiêm tốn, vui mừng khi được Thầy tha thứ, tin tưởng vâng lời gánh vác việc Chúa trao phó. Với ông, lúc này được Thầy trao sứ vụ không phải chỉ là vinh dự, nhưng quan trọng hơn, là trách nhiệm phải chu toàn để chứng tỏ lòng mến đối với Thầy chí thánh.
Mời Bạn: Hai mặc cảm cực đoan bạn cần phải tránh khi thi hành sứ vụ Chúa giao phó: tự ti và tự tôn. Khi bạn tự ti cho rằng mình tội lỗi và đánh mất lòng trông cậy Chúa bạn có thể bỏ mất cơ hội quí báu để dấn thân cho một lý tưởng cao đẹp. Ngược lại lòng tự tôn có thể khiến bạn cậy sức mình, làm theo ý riêng, làm hại sứ vụ của Hội Thánh thay vì góp phần xây dựng. Đâu là cung cách của bạn khi làm công tác tông đồ?
Sống Lời Chúa: Nhìn nhận con người thật của mình, cậy trông vào tình yêu của Chúa, và cố gắng đáp trả lại tình yêu ấy là con đường đẹp nhất để hoàn thành sứ vụ Chúa trao.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và biết con, cũng như nhận ra tình yêu Chúa dành cho con. Nhờ đó, con có thể trung thành với ơn Chúa kêu gọi làm tông đồ của Chúa giữa đời.
22/05/21 THỨ BẢY TUẦN 7 PS
Th. Ri-ta Ca-xi-a, nữ tu
Ga 21,20-25
PHẦN ANH, HÃY THEO THẦY
“Giá như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” (Ga 21,22)
Suy niệm: Đức Ki-tô gọi và chọn các môn đệ đi theo Ngài và giao sứ mạng mỗi người một vẻ, nhưng tất cả đều phục vụ một mục đích chung là loan báo Ngài đã phục sinh và xây dựng một Hội Thánh duy nhất là Thân Thể mầu nhiệm của Ngài. Chúa Giê-su bảo Phê-rô: “Phần anh, hãy theo Thầy” là nhắc nhở ông thắt chặt mối tương quan thân thiết cá vị giữa ông với Chúa trong khi thực thi sứ vụ nhắm đến mục đích chung ấy, thay vì tự tôn tự phụ hoặc soi mói anh em bằng cặp mắt ghen tỵ.
Mời Bạn: Niềm vui và hy vọng của người Ki-tô hữu là biết rằng Đấng Phục sinh quyền năng, Vua trời đất, luôn đồng hành, ở cùng ta mọi ngày. Ngài hướng dẫn, bảo vệ, chăm sóc từng người từng cá vị, chứ không phải như một con số trong tập hợp vô hồn, một con ốc trong một cỗ máy. Câu trả lời của Chúa Giê-su với thánh Phê-rô: “Phần anh, hãy theo Thầy” giúp ta thêm xác tín trong việc chọn Chúa Giê-su Phục sinh là Chủ, là Chúa đời mình, cũng như thêm nhiệt thành bước theo Ngài. Thật vậy, lắm lúc chúng ta đi lệch hướng khi qui hướng về mình để rồi tự phụ về thành quả, công trạng của mình trong khi ghen tỵ, xét đoán, lên án người khác. Hôm nay, Chúa cũng nhắc nhở chúng ta: “Phần anh, hãy theo Thầy” để chúng ta chu toàn sứ mạng như một người môn đệ trung tín của Chúa.
Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là gia nghiệp đời con. Xin cho con trung kiên theo Chúa và chọn Chúa suốt đời con.
23/05/21 CHÚA NHẬT – CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG – B
Ga 20,19-23
KHAO KHÁT CHÚA THÁNH THẦN
Nói xong, Đức Giê-su thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,22)
Suy niệm: Có một ngày các linh mục đồng loạt xách va-li rời khỏi giáo xứ; giáo dân gia nhập các đoàn thể Công giáo chỉ để mua vui; mỗi lần cầu nguyện, các Ki-tô hữu cảm thấy khó khăn vì Thiên Chúa với họ thật ngàn trùng xa cách và xa lạ; Đức Giê-su chỉ là một nhân vật của quá khứ, xa xưa; các sách Tin Mừng với những dòng chữ chết khô, đọc mãi chẳng thấy một sức mạnh nào; các tu sĩ hoạt động trong các bệnh viện, trại phong… chán nản trước các công việc nhàm chán mỗi ngày; Giáo Hội như một bảo tàng viện gồm những nghi thức cũ kỹ lạc hậu… Đó là một ngày không có Chúa Thánh Thần. May mắn thay, ngày ấy đã không xảy ra! Vì từ ngày Hiện xuống trên các tông đồ, Chúa Thánh Thần luôn ở mãi trong thế giới.
Mời Bạn: Ghi nhớ lời của Charles Spurgeon, một nhà truyền giáo nổi tiếng của Mỹ: “Nếu chúng ta không có Thánh Thần, chúng ta nên đóng cửa các nhà thờ. Nếu các giáo sĩ không có Thánh Thần, tốt hơn họ đừng rao giảng Lời Chúa và giáo dân nên ở nhà mà ngủ”. Thế nhưng, có Thánh Thần, mọi sự đã đổi khác. Bạn có nhận ra sự hiện diện âm thầm và mạnh mẽ của Thánh Thần trong đời bạn không?
Chia sẻ: Làm thế nào để nhận ra sự hiện diện tác động của Thánh Thần?
Sống Lời Chúa: Bắt đầu một ngày sống với một tư tưởng tích cực: khao khát những giá trị Tin Mừng, khao khát một cuộc sống người môn đệ Chúa Ki-tô. Nhờ sự khao khát này, Thánh Thần sẽ đến, đem lại hứng khởi cho cuộc sống.
Cầu nguyện: Sốt sắng đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi”.
24/05/21 THỨ HAI TUẦN 8 TN
Đức Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh
Ga 19,25-34
CON CÓ MẸ
Đức Giê-su nói với thân mẫu: “Thưa bà, đây là con bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19,26-27)
Suy niệm: Hôm qua chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sinh nhật của Hội Thánh. Hôm nay chúng ta mừng lễ Đức Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh. Việc phụng vụ cử hành hai ngày lễ này cho thấy Hội Thánh nhận thức được vai trò lớn lao của Đức Ma-ri-a trong đời sống của mình. Hội Thánh được Chúa Giê-su thiết lập, được khai sinh từ cạnh sườn bị đâm thủng, máu và nước chảy ra. Trong giây phút bị treo trên thập giá, Đức Giê-su đã giao phó Tông đồ Gio-an làm con Đức Mẹ, một hình ảnh biểu trưng cho việc Hội Thánh thật sự là con của Đức Ma-ri-a. Chúa Giê-su muốn Mẹ mình chăm nom Hội Thánh, Người không để Hội Thánh mồ côi, nhưng có Mẹ luôn ở bên cạnh trên hành trình là dụng cụ và hình ảnh của Nước Trời an bình và yêu thương.
Mời Bạn: Hội Thánh là tất cả chúng mình, những người tin, cử hành và sống mầu nhiệm cứu độ của Đức Giê-su, con của Đức Mẹ. Bổn phận của chúng ta là “rước Mẹ về nhà mình,” để Mẹ cưu mang và sinh chúng ta trong lòng Hội Thánh. Bạn có quan tâm đến điều đó không?
Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm rằng chúng ta may mắn có Mẹ Hội Thánh đồng hành, chúng ta cần nỗ lực để Hội Thánh ấy phát triển.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a là Mẹ chúng con, xin cho chúng con biết “xin vâng” như Mẹ trong mọi biến cố của cuộc đời. Nhờ đó, chúng con có thể cộng tác với Chúa trong việc sinh thêm nhiều con cái cho Hội thánh bằng đời sống chứng nhân truyền giáo của mình. Amen.
25/05/21 THỨ BA TUẦN 8 TN
Th. Bê-đa Khả Kính
Mc 10,28-31
THEO CHÚA, TA ĐƯỢC GÌ?
“Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em… vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này không nhận lại được… gấp trăm, cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10,29-30)
Suy niệm: Khi chấp nhận bỏ nghề nghiệp, gia đình, trở nên môn đệ của Chúa, Phê-rô vốn mong muốn sẽ có một cuộc “đổi đời”. Thế nhưng, theo Chúa mãi mà chẳng thấy tín hiệu “đổi đời” đâu cả, lại còn nghe Chúa loan báo về cuộc Khổ nạn tại Giê-ru-sa-lem, Phê-rô vô cùng hoang mang, nghi ngại, nên muốn biết chắc về tương lai đời mình. Thầy Giê-su bảo đảm với ông rằng đừng sợ thiệt thòi khi theo Chúa, theo đuổi các giá trị Tin Mừng, sống hết mình cho Ngài. Thiên Chúa sẽ ban cho người ấy không chỉ được gấp trăm ở đời này, mà còn được ân thưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp. Tuy nhiên, cùng với phần thưởng gấp trăm đó, người theo Chúa cũng sẽ phải đón nhận sự ngược đãi cùng thái độ thù nghịch của thế gian.
Mời Bạn: Thiên Chúa luôn quảng đại với mọi người. Ngài biết rất rõ ta cần gì và sẽ ban cho những gì vượt xa lòng mong đợi của ta. Bạn đừng sợ thiệt thòi, hay mất thời gian vì dấn thân cho việc nhà Chúa. Chỉ cần bạn và tôi sống hết lòng với Chúa, hết tình với người thân cận, mọi việc khác Thiên Chúa sẽ chăm lo cho chúng ta. Bạn có thực sự tin như thế không?
Sống Lời Chúa: Tham gia vào một hội đoàn, một giới, một phong trào trong giáo xứ để tích cực hoạt động tông đồ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, để chúng con không tính toán, nhưng quảng đại cho đi, dấn thân cho các hoạt động tông đồ. Nhờ đó, chúng con có Chúa là gia nghiệp đời đời. Amen.
26/05/21 THỨ TƯ TUẦN 8 TN
Th. Phi-líp-phê Nê-ri
Mc 10,32-45
“ĐẾN ĐỂ PHỤC VỤ”
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,43-45)
Suy niệm: Sau lần thứ ba loan báo về cuộc khổ nạn sắp chịu, Chúa Giê-su cùng các môn đệ tiến về Giê-ru-sa-lem. Thế mà, trong khung cảnh đó, các môn đệ lại tưởng rằng sắp tới lúc được hưởng vinh hoa phú quí. Gia-cô-bê và Gio-an “tranh thủ” đến gặp Chúa Giê-su để xin được ngồi bên hữu bên tả trong vinh quang của Chúa. Các môn đệ khác cũng “tham-sân-si” chẳng kém gì hai người con ông Giê-bê-đê kia. Bằng chứng là các ông cũng tức giận trước “hai tên phá bĩnh” này. Đối lại thái độ đó, Đức Giê-su dạy các ông lối hành xử của Ngài: Muốn làm lớn thì phải làm tôi tớ. Và Ngài không đến để bắt người khác phục vụ, nhưng để phục vụ mọi người. Khi chọn con đường cứu chuộc bằng thập giá, Chúa Giê-su đã muốn sống tinh thần phục vụ.
Mời Bạn: Phục vụ không phải là những mỹ từ để hô hào, quảng cáo mà phải là cuộc sống thực: là “rửa chân cho nhau”, là “chịu đóng đinh thập giá”; có thế mới cứu độ được thế giới. Vậy bạn hãy trả lời cho Chúa: “Con có uống nổi chén đắng mà Thầy sắp uống đây không?”
Chia sẻ: Làm gì để việc phục vụ của bạn trở thành cuộc sống thực chứ không chỉ là những mỹ từ?
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ cụ thể, khiêm tốn cho một ai đó sống gần bạn đang cần đến.
Cầu nguyện: Hát “Kinh Hoà Bình” hoặc “Bài Ca Phục Vụ”
27/05/21 THỨ NĂM TUẦN 8 TN
Th. Âu-tinh Can-tơ-bơ-ri, giám mục
Mc 10,46-52
NHỜ TIN ĐƯỢC CỨU ĐỘ
“Lòng tin của anh đã cứu anh. Tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Ngài.” (Mc 10,52)
Suy niệm: Bất chấp sự cản trở của đám đông vây quanh Chúa Giê-su, anh mù Ba-ti-mê làm mọi cách để có thể giáp mặt Ngài: tới không được thì anh kêu lớn tiếng: “Lạy ông Giê-su, con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Bằng cách đó, anh đã được Chúa đoái nhìn: Ngài nghe tiếng anh kêu, gọi anh đến và chữa cho anh được thấy. Khao khát của anh cuối cùng cũng được đền đáp: không phải nhờ tiền bạc, sức lực, hay thế lực nào mà chỉ nhờ lòng tin kiên vững thể hiện qua những nỗ lực phi thường của anh. Lòng tin ấy tiếp tục được thể hiện qua việc anh “vất áo choàng lại, đứng phắt dậy và đến gần Ngài” để được chữa lành. Chưa hết, đức tin của anh không hề vụ lợi, kiểu hết rên quên thầy: Sau khi lành bệnh, anh tháp tùng theo Ngài trên con đường Ngài đi.
Mời Bạn: Bạn nhớ Chúa có nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc,” nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Đức tin không phải là cây đèn thần giúp giải quyết mọi nan đề của cuộc sống, mà là sức mạnh giúp bạn đứng vững trước mọi thử thách và vượt qua mọi nghịch cảnh. Bạn đã xác tín như vậy chưa? Mời bạn suy gẫm hành vi của anh mù Ba-ti-mê này để có xác tín như vậy, bạn nhé!
Sống Lời Chúa: Để thực hành niềm tin của mình, trước khi làm việc gì, bạn nhớ tới Chúa và xin Ngài thánh hoá việc bạn sắp thực hiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban ơn đức tin cho con, để con nhận biết Chúa và thờ phượng Chúa trong cuộc đời. Xin thêm lòng tin cho con, nhất là những lúc khó khăn. Amen.
28/05/21 THỨ SÁU TUẦN 8 TN
Mc 11,11-26
TRỔ SINH HOA TRÁI
Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. (Mc 11,13b)
Suy niệm: Có hai điều kỳ lạ trong bản văn Tin Mừng này: Đức Giê-su tìm trái vả trên cây dù không phải là mùa vả; Ngài đánh đuổi những người buôn bán trong hành lang Đền thờ, dù họ ‘được phép.’ Cả hai đều là cử chỉ ngôn sứ, mang tính biểu tượng. Cây vả là hình ảnh quen thuộc được ví với dân Ít-ra-en; mặc cho Thiên Chúa chờ đợi, họ vẫn không sinh hoa trái. Với Đền thờ, Đức Giê-su kết án nền phụng tự trống rỗng, qua việc chống lại những lạm dụng, thiếu trách nhiệm của giới tư tế trong sự tôn trọng nơi thánh. Do đó, Thiên Chúa thiết lập một đền thờ mới với nền phượng tự mới qui tụ mọi dân tộc trên trần gian. Từ đền thờ ấy chảy ra một dòng sông mà hai bên bờ, cỏ cây quanh năm sinh hoa kết trái (x. Ed 47,1-12).
Mời bạn: Bạn luôn được mời gọi dành cho Thiên Chúa một vị trí ưu tiên trong tâm hồn và đời sống mình. Đức tin là một hồng ân vô điều kiện Thiên Chúa ban cho con người. Nhờ đức tin, bạn có thể “chuyển núi dời non” qua việc thực hành đức tin ấy trong đời sống hằng ngày, để trổ sinh hoa trái. Hoa trái là việc phục vụ những người nghèo khổ, người đói khát cơm bánh cũng như đói niềm tin, niềm hy vọng, niềm vui sống.
Sống Lời Chúa: Gia tăng những giây phút tĩnh nguyện với Chúa, đồng thời quan tâm giúp đỡ người bên cạnh bạn, để cây đức tin đời bạn sinh thêm hoa trái là các việc lành phúc đức.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì hồng ân đức tin Chúa ban. Xin cho con mỗi ngày ý thức hơn về hồng ân vô cầu này trong ơn gọi và sứ mạng của mình. Nhờ đó, sẽ có thêm nhiều tâm hồn nhận biết và yêu mến Chúa.
29/05/21 THỨ BẢY TUẦN 8 TN
Th. Phao-lô VI, giáo hoàng
Mc 11,27-33
ĐỐI THOẠI TRONG TÔN TRỌNG VÀ CHÂN LÝ
“Ông lấy quyền gì mà làm điều đó?” (Mc 11,28)
Suy niệm: Trong tập thơ “Truyện Ngụ Ngôn” của La Fontaine có kể câu chuyện “đối thoại” giữa con chó sói và con cừu non. Hai con lời qua tiếng lại, nhưng dù nói gì đi nữa, kết cuộc con chó sói cũng “có lý” để ăn thịt con cừu non. Câu thơ mở đầu cũng là lời đúc kết thật chua chát: “Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng.” Tin Mừng hôm nay thuật lại các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đã mở đầu cuộc “đối thoại” bằng lời chất vấn: “Ông lấy quyền gì mà làm điều đó?” Họ chất vấn về việc Chúa đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Dường như Chúa “thiếu thiện chí đối thoại” khi Ngài không chịu trả lời họ nếu họ không trả lời vấn nạn của Ngài trước đã: “Phép rửa của Gio-an do Thiên Chúa hay do người ta?” Trả lời cho câu hỏi này là điều kiện dẫn đến câu trả lời kia. Những người Do Thái biết điều đó nên họ mới thực sự là thiếu thiện chí khi họ lập kế hoãn binh, lảng tránh câu trả lời của chân lý bằng cách trả lời “không biết”. Sự thiếu thiện chí ấy, một ngày kia sẽ lộ diện thành một thứ “lý kẻ mạnh”: thượng tế Cai-pha sẽ xé áo mình, nhân danh Thiên Chúa để kết án tử hình Đức Giê-su.
Mời Bạn: Để đối thoại chẳng những phải tôn trọng người đối thoại mà còn phải tôn trọng chân lý. Có chăng trong cộng đoàn chúng ta những sự căng thẳng, xào xáo, đổ vỡ? Phải chăng chúng ta đang thiếu tôn trọng lẫn nhau, thiếu tôn trọng chân lý?
Sống Lời Chúa: Loại bỏ những lời nói, cử chỉ nóng giận, khiếm nhã và thể hiện tinh thần tôn trọng, lắng nghe đối với mọi người nhất là những người nhỏ bé, yếu đuối.
Cầu nguyện: Hát “Kinh Hoà Bình”.
30/05/21 CHÚA NHẬT TUẦN 9 TN – B
Chúa Ba Ngôi
Mt 28,16-20
HIỆP THÔNG TRONG CHÚA BA NGÔI
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần.” (Ga 14,6)
Suy niệm: “Lúc khởi nguyên, Ba Ngôi đã phán: “Ta hãy tạo dựng con người.” Khởi đầu Tin Mừng, Ba Ngôi dường như cũng phán: “Ta hãy cứu độ con người” (J. Ryle). Cám ơn Hội thánh đã nghĩ ra việc làm dấu Thánh giá trên thân xác, vừa tuyên xưng Ba Ngôi, đồng thời xác tín ơn cứu độ ta gắn kết với Ba Ngôi. Ta vẫn tin rằng “Thiên Chúa là Tình Yêu,” thế nhưng, câu Ngài là Tình Yêu chỉ có ý nghĩa khi Ngài không đơn độc. Thế mà theo mặc khải của Đức Giê-su, Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị: Cha, Con, và Thánh Thần. Vì là Tình yêu, Ba Ngôi cùng hiệp thông trong việc sáng tạo cũng như trong việc cứu độ con người.
Mời Bạn: “Ma quỷ muốn Đức Ki-tô chứng tỏ mình là Thiên Chúa bằng cách biến đá thành bánh; nhưng Thánh Thần cho thấy Thần tính của mình qua việc biến đá thành xác thịt (Ed 36,26)” (T. Watson). Biến quả tim chai đá thành quả tim bằng thịt biết rung cảm, yêu thương, quên mình, là công việc Thánh Thần vẫn âm thầm làm mỗi ngày trong đời ta. Bạn đã làm gì để cộng tác tích cực với công việc gian khó này của Ngài?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm dấu Thánh Giá, tôi ghi nhớ công trình Ba Ngôi thực hiện trong đời mình, nỗ lực biến quả tim chai đá thành quả tim bằng thịt với ơn Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, cảm tạ Chúa ban cho con ơn lớn nhất là được hiện hữu trên đời, được làm con Chúa, nhận biết Ngài, và nay đang đưa dẫn con đến hạnh phúc muôn đời trong hiệp thông với Ngài. Amen.
31/05/21 THỨ HAI TUẦN 9 TN
Đức Ma-ri-a thăm viếng Bà Ê-li-sa-bét
Lc 1,39-56
THĂM VIẾNG VỚI NIỀM VUI
“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.” (Lc 1,49)
Suy niệm: “Các cuộc thăm viếng luôn để lại niềm vui, nếu không phải lúc đến, thì cũng lúc ra về” (Ngạn ngữ Bồ Đào Nha). Chắc chắn cuộc thăm viếng của Đức Ma-ri-a ở Ain-Karim đem lại niềm vui lớn lao cho bà Ê-li-sa-bét khi mới đến, cũng như trong suốt thời gian ba tháng sau đó. Khi mới gặp Đức Ma-ri-a, Bà Ê-li-sa-bét đã kêu lớn tiếng, cảm thấy vinh dự được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm mình. Niềm vui ấy đạt đến đỉnh điểm khi thai nhi Gio-an nhảy mừng trong lòng mẹ, được “giáp mặt” thai nhi Giê-su, được ơn khỏi tội nguyên tổ từ giây phút đặc biệt này. Niềm vui ấy tiếp tục lan tỏa trong mái nhà ông bà Gia-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét ba tháng ròng rã khi Đức Ma-ri-a mang danh phận là Mẹ Thiên Chúa, nhưng sống phận nữ tì phục vụ bà mẹ Ê-li-sa-bét trong những ngày chuẩn bị sinh nở người con đầu lòng của mình.
Mời Bạn: Có lẽ thời gian bên gia đình, điện thoại, máy vi tính, thư giãn, tán gẫu… chiếm khá nhiều quỹ thời gian của bạn. Bạn cũng hãy sắp xếp để quan tâm hơn đến bao người đang cần sự viếng thăm thân tình của bạn: người cao tuổi, bệnh nhân, người nghèo… trong giáo xứ.
Sống Lời Chúa: Mỗi tuần tôi dành một giờ đi thăm viếng những người “bé nhỏ” (người nghèo, người đau ốm, neo đơn…) đang cần sự thăm viếng, nâng đỡ, khích lệ của tôi để sống niềm tin.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ nêu gương cho con khi danh là Mẹ Thiên Chúa, nhưng lại sống phận nữ tì của Ngài qua việc thăm viếng phục vụ bà Ê-li-sa-bét. Xin cho con nhạy bén trước nhu cầu của những người chung quanh, để con vui vẻ, sẵn lòng dành thời gian thăm viếng họ. Amen.