01/04/21 THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Ga 13,1-15
PHỤC VỤ CHO ĐẾN HIẾN DÂNG
“Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14)
Suy niệm: Hầu như trong mọi nền văn hoá, mọi khung cảnh xã hội, không nơi nào có chuyện chủ rửa chân cho đầy tớ, cấp trên cho cấp dưới. Vậy mà, Đức Giê-su, “là Thầy và là Chúa”, lại quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ mình. Ngài dạy cho các ông một bài học khiêm nhường, quên đi chính mình để phục vụ cho đến cùng. Vì thế các môn đệ chỉ có thể đi trọn con đường thập giá khi họ mặc lấy trái tim khiêm nhường, tự hủy và hiến dâng chính mình, như thầy Giê-su chí thánh: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Mời Bạn: Thế giới và con người thời nay luôn tìm mọi cách giàu có hơn, quyền lực hơn… để khẳng định mình vượt trội hơn người khác. Bạn muốn theo Chúa Giê-su, hãy sống khiêm nhường và phục vụ cách vô vị lợi, để làm chứng cho đức tin của mình, như thánh Phao-lô đã nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô” (Gl 6,14).
Sống Lời Chúa: Bạn hãy nỗ lực vác thập giá với Thầy Giê-su bằng cách tự nguyện làm một công việc cụ thể để phục vụ cộng đoàn: tham gia một đoàn thể, làm công tác vệ sinh như quét sân nhà thờ, thu dọn sau những cuộc lễ, v.v.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa vốn dĩ là Thiên Chúa mà đã từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để mặc lấy thân nô lệ của chúng con. Chúa lại còn hạ mình vâng lời chịu chết trên cây thập giá để cứu chuộc chúng con (x. Pl 2,6-8). Xin cho chúng con biết noi theo con đường Chúa đã đi qua, là dấn thân phục vụ trong khiêm hạ. Amen.
02/04/21 THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Ga 18,1-19,42
ĐỨNG GẦN THẬP GIÁ CHÚA GIÊSU
Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người… Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” (Ga 19,25-27)
Suy niệm: Thập giá là điều mà “người Do Thái cho là ô nhục, dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23), thì qua cái chết của Đức Giê-su, đã biến thành thánh giá, biểu tượng của tình yêu tha thứ và đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại. “Đứng gần thập giá Chúa Giê-su” những người môn đệ Chúa được Mẹ Ngài là Mẹ của mình, trở nên một với nhau trong thân thể mầu nhiệm của Ngài là Hội Thánh.
Mời Bạn: Trên con đường đời của bạn không thiếu thập giá. Mỗi khi gặp đau khổ trong đời, bạn nhìn lên Thập giá Chúa Giê-su để học với Ngài: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Chúa Giê-su đã trải qua tất cả những khổ đau. Ngài hiểu bạn và yêu thương bạn. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Đến với Ngài, bạn sẽ có thêm sức mạnh nội tâm để đón nhận thập giá Chúa gửi đến, và bạn sẽ nhận ra thánh ý Chúa: “Đau khổ quả là điều hữu ích để cho con học biết thánh chỉ Ngài” (Tv 119,71). Và Ngài đã chẳng kêu gọi bạn: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” đó sao (Lc 9,23)?
Sống Lời Chúa: Đón nhận cách vui tươi những thập giá tự nhiên xảy đến cho bạn (những vất vả do công việc, khó chịu do thời tiết, do người khác làm phiền…) thay vì than vãn, bực tức…
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra thánh ý Chúa trong cuộc đời con và phó thác mọi sự cho tình yêu quan phòng của Chúa. Amen.
03/04/21 THỨ BẢY TUẦN THÁNH
Canh thức Phục Sinh
Mc 16,1-8
ĐÀNG SAU NHỮNG DẤU CHỈ
“Người đã trỗi dậy, không còn đây nữa.” (Mc 16,6)
Suy niệm: Ba bà Ma-ri-a Mác-đa-la, Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê và bà Sa-lô-mê ra mộ Đức Giê-su từ sáng sớm ngày thứ Nhất trong tuần với mục đích ướp lại xác Thầy mình. Điều làm các bà vừa ngạc nhiên vừa hoảng sợ là thấy tảng đá lấp cửa mộ Chúa đã bị lăn ra một bên. Các bà lại còn thấy một người thanh niên ngồi bên phải mộ mặc áo trắng. Nghe người thanh niên nói các bà lại còn ngạc nhiên hơn: “Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa.” Tảng đá lấp cửa mộ đã lăn ra một bên là dấu hiệu gì? Người thanh niên mặc áo trắng là dấu hiệu gì? Câu nói của người thanh niên: “Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa” là dấu hiệu gì? Trong tâm trạng “run lẩy bẩy, hết hồn hết vía” các bà chưa tìm được câu trả lời cho những vấn nạn trên.
Mời Bạn: Suốt cả 2.000 năm nay, những dấu hiệu mà những người phụ nữ được nói tới đã được “giải mã.” Chúng là bằng chứng Đức Giê-su đã phục sinh. Giáo Hội đã xác tín điều này và đưa vào Kinh Tin Kính mà chúng ta đọc thấy: “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết Người sống lại.” Việc Đức Giê-su đã sống lại không phải là điều gì khó khăn cho các tín hữu tin. Cái khó là chứng minh Đức Giê-su đã phục sinh qua đời sống của mình. Đây là thách đố mà tất cả các tín hữu được mời gọi trả lời.
Sống Lời Chúa: Niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh là chìa khoá giải mã mọi dấu chỉ trong cuộc sống: nếu ta cùng vác thập giá với Chúa, ta sẽ cùng Ngài sống lại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tin Chúa đã phục sinh. Xin giúp chúng con mạnh dạn làm chứng điều mình tin bằng việc làm cụ thể mỗi ngày.
04/04/21 CHÚA NHẬT PHỤC SINH – B
Ga 20,1-9
NIỀM VUI PHỤC SINH: “BÌNH AN CHO ANH EM”
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (Ga 20,1)
Suy niệm: Lời đầu tiên của Đức Ki-tô phục sinh nói với các môn đệ là lời chúc: “Bình an cho anh em.” Nếu chúng ta nhớ Đấng nói lời này cũng chính là Đấng trước khi chịu chết đã yêu thương các môn đệ và yêu tới cùng (x. Ga 13,1), thì chúng ta hiểu ra rằng tình yêu dẫn đến chấp nhận khổ giá thì phục sinh chính là tình yêu đem lại bình an cho người mình yêu. Tình yêu thúc đẩy bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ Chúa từ sáng sớm để than khóc; gặp được Đức Ki-tô phục sinh, than khóc đó đã trở thành niềm vui và bà được sai đi làm sứ giả đầu tien loan báo Tin Mừng bình an rằng Chúa đã sống lại thật rồi.
Mời Bạn: ĐTC Phan-xi-cô đã nói: “Có những Kitô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh” (Niềm vui Tin Mừng, số 6). Quả vậy, Chúa Ki-tô chịu đóng đinh sẽ chỉ là sự thất bại đáng nguyền rủa nếu như kết thúc tại Núi Sọ. Nhưng Ngài đã trỗi dậy và biến đau thương thập giá thành niềm vui phục sinh. Bạn có cảm nhận niềm vui phục sinh ấy thấm vào từng sớ thịt mạch máu của bạn, và biến bạn thành sứ giả loan báo tin mừng bình an không? Hay ngược lại, bạn vẫn sống trong lo lắng, sợ hãi, và buồn sầu như Đức Ki-tô chưa từng sống lại?
Sống Lời Chúa: Hãy chia sẻ cho một người bạn thân ngoài Công giáo về niềm vui và sự xác tín của bạn vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô Phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi con thành con người của niềm vui vì xác tín rằng Chúa đã phục sinh để con tiếp tục loan báo niềm vui ấy cho mọi người.
05/04/21 THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS
Mt 28,8-15
CHÚNG TÔI XIN LÀM CHỨNG
Các thượng tế cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ hắn đã đến lấy trộm xác.” (Mt 28,12-13)
Suy niệm: Những người lính canh mộ phao tin các môn đệ trộm xác Chúa Giê-su vì họ được hai cái lợi: không bị phạt vì tội thiếu trách nhiệm mà lại được một số tiền lớn. Còn các môn đệ lại quả quyết rằng Chúa sống lại để rồi vì thế họ bị bắt bớ đánh đập và giết chết. Đức Giê-su có thực sự sống lại và hiện ra với các môn đệ thì các ông mới có cuộc lột xác kỳ diệu như thế: Từ chỗ sợ sệt lẩn trốn, các ông đã mạnh dạn loan báo cách công khai Đức Ki-tô Phục Sinh, bất chấp bị đánh đập cấm cản. Các ông còn khẳng khái tuyên xưng: “Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; về điều này tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,32).
Mời Bạn: Quả thật, rao giảng Tin Mừng bằng một đời sống chứng tá thì có giá trị hơn cả ngàn lời nói suông. Hơn nữa, hành vi làm chứng ở mức cao độ nhất chính là tử đạo, là làm chứng bằng chính máu và mạng sống của mình. Thời nay không có những cuộc tử đạo đổ máu như các cha ông chúng ta ngày xưa nhưng vẫn cần lắm nơi bạn những cuộc ‘tử đạo’ trong cuộc sống. Đó là khi Bạn dám chết đi cho tội lỗi, cho cái tôi ích kỷ và cho những thói xấu của mình. Chỉ khi đó lời chứng cho Tin Mừng của bạn mới thực sự có sức thuyết phục.
Sống Lời Chúa: Tôi quyết ‘tử đạo’ để làm chứng cho Chúa bằng cách thực thi những giá trị Tin Mừng (trung thực, khiết tịnh, tôn trọng sự sống…) dù gặp những khó khăn, thiệt thòi trong xã hội.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban ơn giúp sức để chúng con luôn luôn là chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa.
06/04/21 THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 20,11-18
GIỮ CHÚA Ở LẠI TRONG TA
Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: ‘tôi đã thấy Chúa’ và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 20,18)
Suy niệm: Khi Chúa Giê-su bị bắt, bị kết án tử hình thập giá, các môn đệ sợ hãi trốn chạy, thì bà Ma-ri-a Mác-đa-la, không phải là to gan lớn mật gì, nhưng tình yêu vượt thắng mọi nỗi sợ, bà lặng lẽ theo Thầy suốt chặng đường thập giá, đôi mắt đẫm lệ, cõi lòng tan nát. Bà cũng có mặt ở đó, gần thập giá Chúa Giê-su (Ga 19,25) cùng với Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa. Tảng đá lấp cửa mồ sau khi an táng Chúa cũng không thể dập tắt tình yêu bà dành cho Thầy. Vì thế, ngay từ sáng sớm tinh mơ, dù là đang lo sợ, bà đã tất tả đi ra mộ Chúa. Để làm gì? Chỉ để khóc thương Chúa. Thế nhưng Đức Ki-tô Phục Sinh đã hiện ra với bà, chúc lành và sai bà ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các môn đệ.
Mời Bạn: Bà Ma-ri-a là mẫu gương cho chúng ta trong tương quan với Chúa. Chúng ta yêu Chúa, giữ Chúa trong đời, và chúng ta không lìa xa, không để mất Chúa và phải mau mắn tìm kiếm Chúa khi Ngài đang ẩn mặt. Vì chính Ngài là hạnh phúc, là nguồn sống đời ta. Bao lần chúng ta cũng đã phải mất mát những điều quí giá nhất, những người thân yêu nhất. Với Chúa Giê-su, Ngài là nguồn sống đời ta. Ta hãy ôm lấy Chúa Giê-su, để Ngài hiện diện mãi mọi ngày trong đời sống mình để được Ngài sai đi chia sẻ niềm vui Phục Sinh cho anh chị em khác nữa.
Sống Lời Chúa: Thăm viếng an ủi một người thân, người hàng xóm đang có chuyện đau buồn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin gìn giữ chúng con luôn được ở trong tình yêu thương của Chúa để chúng con được sống mãi với Chúa suốt cả đời con.
07/04/21 THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,13-35
NHẬN RA
Mắt họ sáng ra và nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 0(Lc 24,31)
Suy niệm: Tin Mừng hôm nay thuật lại một câu chuyện thật đẹp với một kết thúc có hậu. Hai môn đệ buồn bã rời Giê-ru-sa-lem hoa lệ đi trên con đường làng về quê. Hẳn họ không chỉ oán trách các thượng tế và thủ lãnh đã giết hại Đức Giê-su mà còn thất vọng vì giấc mơ vinh hoa phú quý của họ nay đã thành “mộng vàng tan bay”. Vừa khi ấy Người Khách Lạ nhập cuộc, hỏi những câu mà họ cho là vô tình chẳng quan tâm gì thế sự. Thế là được dịp họ tuôn ra tất cả nỗi “tấm tức” và thất vọng của mình. Đến lượt Chúa Giê-su trách ngược lại họ rằng họ không hiểu và chậm tin vào lời các ngôn sứ; Ngài “gỡ rối” cho họ bằng cách khởi đi từ Kinh Thánh: “Nào Đức Ki-tô chẳng phải chịu khổ hình rồi mới vào vinh quang sao?” Hai ông như “uống từng lời”, lòng các ông ấm lại. Các ông không còn chỉ nghe bằng đôi tai mà còn bằng cả tâm hồn của mình. Dù chưa nhận ra tông tích Người Khách Lạ này, nhưng lòng họ đã bừng cháy lên và khao khát được Người Khách này dừng chân ở lại và dùng bữa tối với họ. Chỉ đến lúc ấy, khi đồng bàn với hai ông, Người bẻ bánh và họ thực sự nhận ra Người.
Mời Bạn: Trước những biến cố xảy đến trong đời bạn, những thông tin bạn nhận được trong cuộc sống, bạn có để tâm suy gẫm và nhận ra Chúa hiện diện đó đồng hành với bạn và nhận ra sứ điệp Ngài muốn nói với bạn không?
Chia sẻ về một lần bạn nhận ra Chúa qua những biến cố trong đời bạn.
Sống Lời Chúa: Đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để nhận ra Chúa đồng hành trong cuộc sống của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết nhận ra Chúa khi đọc những biến cố đời con qua ánh sáng Lời Chúa.
08/04/21 THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,35-48
BÌNH AN CHO ANH EM!
Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,36)
Suy niệm: Khi chào nhau bằng hai tiếng “Shalom Aleichem,” nghĩa là “Bình an ở cùng bạn,” người Do Thái cho thấy bình an là thứ quí giá nhất trong cuộc sống. Các môn đệ của Thầy Giê-su đang thiếu thứ bình an quý giá ấy hơn bao giờ hết từ ngày Thầy mình chịu chết. Bởi vì bóng ma của sợ hãi, bất an đang bao trùm, khiến các ông co cụm lại trong bốn bức tường của căn phòng đóng kín. Đúng lúc đó, Đức Giê-su phục sinh hiện ra giữa các ông và trao ban bình an. “Bình an cho anh em” là lời ân sủng đầu tiên của Chúa Phục sinh. Bình an này là bình an đích thực, chứ không phải thứ bình an tạm bợ của thế gian. Chúa hiện diện giữa các ông, giúp các ông thoát khỏi bóng ma sợ hãi, củng cố thêm đức tin. Bình an này sẽ đi với các ông trong suốt hành trình sứ vụ, giúp các ông lướt thắng mọi sợ hãi, dù phải đối mặt với bao gian nan, thử thách, thậm chí cả gông cùm và cái chết.
Mời Bạn: ‘Bóng ma’ nào đang ‘ám’ bạn, khiến bạn sợ hãi và thất vọng trong cuộc sống? Đến với Chúa Ki-tô đi! Người sẽ giúp bạn xua tan mọi nỗi sợ hãi, ưu phiền, và bạn sẽ lại được bình an trong Người.
Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn tham dự Thánh lễ để khi gặp Chúa Giê-su, bình an của Người sẽ ở cùng bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, các môn đệ sợ hãi, bất an vì mất niềm tin, thất vọng, nhất là thiếu vắng Chúa, nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn bóng ma. Xin cho chúng con biết siêng năng gặp gỡ Chúa, nhất là trong Bí tích Thánh Thể, để chúng con được bình an, không còn sợ hãi vì biết Chúa hằng luôn ở cùng chúng con. Amen.
09/04/21 THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 21,1-14
TÌNH THẦY GIÊ-SU
Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa… Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” (Ga 21,9.12)
Suy niệm: Các môn đệ vất vả suốt đêm đánh cá, đâu có ngờ Thầy Giê-su chăm chú dõi theo và hỏi han ân cần: “Anh em không có gì ăn ư?” Chỉ vẽ cho các môn đệ kéo được một mẻ cá to rồi, Ngài còn dọn sẵn cho các ông một bữa ăn sáng thú vị: bánh mì ăn với cá nướng trong hơi sương se lạnh lúc bình minh trên bãi biển. Họ nhớ lại mẻ cá lạ lùng năm xưa đã khiến họ bỏ thuyền bỏ lưới mà theo Thầy (x. Lc 5,1-11). Ngài chia bánh và cá cho các ông: Khác nào trong lần hoá bánh ra nhiều hay trong bữa Tiệc Ly, từ cung cách cử chỉ đến lời lẽ đều cho thấy chính Thầy đó, không thể lầm với ai được. Và cũng không thể lầm được mối tình thâm của Thầy đã yêu các môn đệ thì Ngài yêu đến cùng: bữa Tiệc Ly nay được tiếp diễn trên bãi biển này. Chúa Ki-tô phục sinh lại càng quyến luyến gắn bó các môn đệ của Ngài hơn nữa vì giờ đây, nơi bí tích Thánh Thể, Thầy có thể ở cùng các môn đệ yêu dấu mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).
Mời Bạn nghiền ngẫm đoạn Tin Mừng hôm nay; và bạn nhắm mắt, thinh lặng để thấy mình cũng có chỗ bên cạnh Thầy Giê-su, cùng với “người môn đệ được Ngài thương mến,” để lòng bạn rộn lên, rung động vì hạnh phúc, vì tình yêu dạt dào mà Thầy Giê-su dành cho bạn. Và nếu bạn có nghe tiếng Ngài hỏi: “Con có mến Thầy hơn những người này không?” thì bạn đừng ngần ngại trả lời: “Thưa Thầy có. Thầy biết con mến Thầy.”
Sống Lời Chúa: Trong ngày, dành ít phút lặp lại những tâm tình bạn có trong phút cầu nguyện vừa qua.
Cầu nguyện: Dâng lên Thầy Giê-su những tâm tình của riêng bạn.
10/04/21 THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS
Mc 16,9-15
TÌNH YÊU CHÚA KHÔNG GIỚI HẠN
Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được người trừ cho khỏi bảy quỷ. (Mc 16,9b)
Suy niệm: Người Do Thái thời bấy giờ tin rằng người bị quỷ ám là người tội lỗi, là thành phần nguy hiểm, bị mọi người xa lánh. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la không chỉ bị một mà tới bảy quỷ ám, một tình trạng khốn khổ đến cùng cực, chẳng khác gì anh người xứ Ghê-ra-da bị cả một đạo quân quỉ ám. Nhưng tình yêu Chúa không vì thế mà bị giới hạn. Chúa vẫn thương chữa lành cho bà. Vì thế, bà đã dành trọn tình thương cho Chúa. Bà đã theo Chúa trên các nẻo đường truyền giáo, bà có mặt trong cuộc thương khó của Chúa, dưới chân thập giá. Bà gắn bó với Chúa như thế, nên ngay khi phục sinh, “Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà.” Tình thương của Chúa đã phục hồi bà, một con người tội lỗi trở về nguyên trạng và còn hơn thế nữa là người đầu tiên được Chúa trao sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
Mời Bạn: Tội lỗi chúng ta xúc phạm tới Chúa thật nặng nề, nhưng không vì thế mà Chúa không yêu thương, không cứu độ. Chẳng những Ngài xoá bỏ tội lỗi chúng ta mà còn sai chúng ta đi làm sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Mỗi người chúng ta đều được mời gọi tín thác vào tình yêu của Ngài, một tình yêu không giới hạn, để cảm nhận tình yêu của Ngài trong từng biến cố lớn nhỏ của đời mình. Và chúng ta cũng được mời gọi mặc lấy tâm tình của Ngài để cũng yêu thương anh chị em mình bằng một tình yêu không so đo, không tính toán.
Sống Lời Chúa: Để yêu như Chúa yêu, bạn hãy có cái nhìn tích cực về tha nhân với những ưu điểm của họ.
Cầu nguyện: Xin cho con cảm nghiệm tình Chúa yêu con để con cũng yêu anh chị em con như Chúa đã yêu. Amen.
11/04/21 CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – B
Kính Lòng Chúa Thương Xót
Ga 20,19-31
VẾT THƯƠNG CỦA TÌNH YÊU
Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20,27)
Suy niệm: Chúa Giê-su đã trỗi dậy từ cõi chết nhưng những vết thương của cuộc khổ nạn vẫn còn in dấu trên thân thể phục sinh của Người. Khi hiện ra với các môn đệ, Chúa cho phép Tô-ma xem những dấu đinh nơi tay chân mình, và mời gọi ông chạm vào cạnh sườn bị mũi giáo đâm thấu trái tim. Những vết thương ấy là bằng chứng hùng hồn về tình yêu vô bờ bến của Chúa Giê-su. Chính vì yêu thương đến cùng những kẻ thuộc về mình mà Người sẵn sàng mang thương tích. Đó là những vết thương của tình yêu! Vì thế, khi Chúa bảo Tô-ma sờ chạm vào những vết thương thì cũng là lúc Người mời gọi ông hãy tin tưởng vào tình yêu của Người.
Mời Bạn: Tin không chỉ là đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính hay làm một số việc đạo đức nào đó. Nhưng tin là cho phép tình yêu vô điều kiện của Chúa Giê-su chiếm hữu và chinh phục mình. Tình yêu ấy muôn trùng lớn hơn sự hiểu biết của trí năng. Bạn được mời gọi vượt quá sự hiểu biết của lý trí để gieo mình cho biển trời yêu thương của Chúa. Bấy giờ, bạn sẽ cảm nghiệm niềm hạnh phúc ngập tràn, vì được bao phủ và được nhận chìm bởi tình yêu ấy.
Sống Lời Chúa: Dành vài phút thinh lặng để chiêm ngắm những vết thương của Chúa Giê-su trên thập giá, và để tình yêu của Người biến đổi mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương, Chúa chịu mang thương tích để chữa lành thương tích tội lỗi chúng con. Xin lấy khỏi chúng con trái tim chai đá và ban lại trái tim thịt mềm, để chúng con tin tưởng vào tình yêu Chúa.
12/04/21 THỨ HAI TUẦN 2 PS
Ga 3,1-8
ĐƯỢC SINH RA LẦN NỮA
“Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” (Ga 3,3)
Suy niệm: Nhiều người ao ước trong niềm tiếc nuối rằng giá như họ có thể sinh lại một lần nữa, họ sẽ sống khác, sẽ không hành động sai trái… như đã làm trong hiện tại. Đối với người Pha-ri-sêu, việc đó thì… miễn bàn, bởi vì họ tin rằng họ đương nhiên mình quyền sở hữu Nước Thiên Chúa vì họ là con cháu ông Áp-ra-ham. Có lần Chúa cho biết là con cháu Áp-ra-ham theo huyết thống mà thôi thì chưa đủ, mà còn phải làm những việc ông Áp-ra-ham làm (x. Ga 8,39). Đó chính là điều Chúa Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô hôm nay: Muốn được vào Nước Thiên Chúa, phải “sinh ra lần nữa bởi ơn trên” nghĩa là được tái sinh “bởi Nước và Thần Khí”, đó là lãnh nhận bí tích Rửa Tội, nghĩa là cùng chịu mai táng với Đức Ki-tô để cùng sống lại với Người (Rm 6,4).
Mời Bạn: Có thể bạn đã được tái sinh qua bí tích Rửa tội. Nhưng ơn tái sinh “bởi Nước và Thần Khí” chỉ được chứng thực và thực sự phát huy tác dụng khi bạn từ bỏ những việc thuộc xác thịt để làm những việc thuộc Thần Khí. Đó là khi bạn để cho Thánh Thần hướng dẫn trong mọi suy nghĩ, tâm tình cũng như hành động của bạn.
Sống Lời Chúa: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22). Bạn hãy có hành động để phát sinh ít là một trong những hoa trái đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban quyền năng Thánh Thần để tái sinh chúng con trong Chúa Giê–su Ki–tô; xin rộng mở tâm trí và cõi lòng con, giúp con lớn lên trong sự thánh thiện.
13/04/21 THỨ BA TUẦN 2 PS
Th. Mác-ti-nô I, giáo hoàng, tử đạo
Ga 3,7b-15
LÊN TẦM CAO MỚI
“Như ông Mô-sê đã giương con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,14-15)
Suy niệm: Hầu như mọi người ai cũng thích ở trên cao để được thoáng mát và thấy được mọi sự dưới đất. Vì thế có người đã và đang muốn du lịch lên không gian vũ trụ, chinh phục độ cao… Chúa Ki-tô đã chinh phục một độ cao khác, độ cao của cây thập giá. Và Chúa cho chúng ta một phương thế để không những không choáng ngợp bởi độ cao thập giá mà còn chinh phục được nó; đó là tin vào Ngài để được sống đời đời.
Mời Bạn: Đức tin là phương thế giúp chúng ta nhìn ra nơi những sự việc bình thường hằng ngày lại chứa đựng những dấu chỉ của tình thương Chúa. Thập giá… đâu là chuyện lạ! Nhưng nhìn lên Thánh giá Chúa ta biết được tình Chúa yêu ta, và từ trên đỉnh cao Thánh giá ta có được tâm tình yêu thương nhân loại như Chúa yêu thương. Mời bạn nhìn lại những sự việc xảy ra hằng trong đời bạn bằng con mắt của Chúa nhìn từ trên cao, hay nói cách khác, đặt những sự kiện đó vào trong “khung” Lời Chúa để thấy được ý Ngài muốn bạn làm gì.
Chia sẻ: Cảnh vật được nhìn từ trên cao cho bạn một cảm giác mới. Nhìn bằng cái nhìn của Đức Ki-tô từ trên tầm cao thập giá cho bạn cảm giác gì?
Sống Lời Chúa: Nhiều lần chúng ta dửng dưng hay bỏ qua những việc tưởng như vô nghĩa, vô hại đến mình: nỗi buồn sâu thẳm, bệnh tật dai dẳng của người anh chị em, sự va chạm với người hàng xóm. Bạn hãy nhìn lại chúng bằng con mắt của Chúa Ki-tô và điều chỉnh chúng cho hợp với tinh thần Phúc Âm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho con, để con mau chóng nhận ra ý Chúa trong đời sống hằng ngày.
14/04/21 THỨ TƯ TUẦN 2 PS
Ga 3,16-21
ƠN CỨU ĐỘ DÀNH CHO TÔI
“Thiên Chúa đã sai con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ.” (Ga 3,17)
Suy niệm: Từ “thế gian” dễ làm cho người ta có cảm tưởng mình bị mất hút trong đám cư dân hơn 7 tỷ rưỡi người trên thế giới ngày nay. Trong một tập thể đông đúc như thế, ơn cứu độ của Thiên Chúa như một món quà chung chung cho mọi người nhưng không riêng cho một ai. Mỗi cá nhân trở nên mờ nhạt như đồng xu trong túi nhà tỷ phú đô la! Nhưng như thế thì phải chăng bạn đã quên câu chuyện dụ ngôn Chúa kể về một người mục tử để 99 con chiên ở lại trên núi mà đi tìm chỉ một con chiên đi lạc? Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người, nhưng mỗi một người đều được mời gọi “tin vào Con của Người để được sống muôn đời” (c.16). Nhớ rằng thánh Phao-lô đã viết: “Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1Tm 1,15).
Mời Bạn: Có nhiều ki-tô hữu khi bị ‘bứng’ khỏi môi trường thân quen đó để sống giữa một ‘thế gian’ mà chỉ một mình mình là ki-tô hữu thì cảm thấy đức tin bị lung lay thậm chí mất hẳn. Bạn nhớ rằng chúng ta cùng nhau tuyên xưng cùng một đức tin nhưng mỗi người đều nói: “Tôi tin kính…”, và mỗi người đều phải kết hiệp với Chúa cách thân tình và cá vị trong Đức Giê-su Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Để có thể vững đức tin ‘trên đôi chân của mình’, ngoài những việc đạo đức chung trong cộng đoàn, bạn cần dành thời gian cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa cách riêng tư và thân tình, một mình bạn với Chúa mà thôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra Chúa thương con nhiều, để con có thể nỗ lực đổi mới cuộc đời, hầu xứng đáng với ơn cứu độ Chúa ban.
15/04/21 THỨ NĂM TUẦN 2 PS
Ga 3,31-36
TIN VÀO CON THIÊN CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
“Ai tin vào Người Con thì được sự sống đời đời.” (Ga 3,36)
Suy niệm: Có thể tưởng tượng rằng sống trên đời mà không cần có niềm tin không? Ngay những thông tin nhỏ nhất, những kiến thức cơ bản nhất, bạn đâu có thể tận tay tận mắt kiểm chứng được mà phải “tin” vào “lời chứng” của người mà bạn được bảo đảm rằng người đó nói đúng sự thật và không hề có ý đánh lừa bạn. Nếu ở đời này mà còn cần phải có niềm tin mới sống được thì huống gì là để sống đời đời, con người càng cần phải có niềm tin. Niềm tin để được cứu độ thuộc trật tự siêu nhiên. “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13), đó là chính Đức Giê-su. Bởi thế, ai tin vào “lời chứng” của Đức Giê-su, hơn nữa, ai tin vào chính Ngài là Con Thiên Chúa làm người thì mới được cứu độ.
Mời Bạn: Thánh Phao-lô đã khẳng định điều đó: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9). Mà tin vào Đức Giê-su là gắn bó với Ngài, là phó thác mọi sự cho Ngài và sống theo giáo huấn của Ngài. Dấu hiệu bạn thực sự có niềm tin là suy nghĩ và hành động theo tinh thần đức tin đó như thánh Gia-cô-bê viết: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Bạn đã thật sự tin vào Đức Giê-su chưa?
Sống Lời Chúa: Siêng năng suy niệm Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích để sống theo Lời Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn kiên vững trong niềm tin để chúng con sống niềm tin ấy mỗi ngày một hoàn thiện hơn.
16/04/21 THỨ SÁU TUẦN 2 PS
Ga 6,1-15
PHÉP LẠ TÌNH YÊU MỖI NGÀY
Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phát cho mọi người… ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. (Ga 6,11)
Suy niệm: Còn nhớ lần ma quỷ cám dỗ Chúa biến cục đá thành tấm bánh để ăn vì Ngài đang đói và để thể hiện mình là Con Thiên Chúa, Ngài đã bác bỏ ngay mà không chút do dự. Thế nhưng lần này thì khác: “Thấy đông đảo dân chúng đến với mình,” giữa nơi hoang vắng mà trời thì đã chiều muộn, dù có hai trăm quan tiền cũng chẳng biết tìm đâu mà mua đủ bánh cho ngần ấy người ăn, Chúa không đợi ai khẩn cầu, chính Ngài khởi xướng ý định cứu giúp: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Phép lạ hoá bánh ra nhiều khởi phát từ trái tim yêu thương của Chúa: Ngài chạnh thương trước sự chân thành của đoàn lũ dân chúng đi theo Ngài, khao khát tìm nghe lời Ngài đến nỗi ngay cả việc ăn uống, họ cũng không màng.
Mời Bạn: Ngày hôm nay, không thấy Chúa làm phép lạ khi mà biết bao người vẫn đang đói, khi mà biết bao tai hoạ vẫn đang ập xuống nhân loại. Phải chăng Chúa đã thôi không còn chạnh lòng thương xót? “Phải chăng Ngài giận mãi không thôi, đời lại đời cứ nuôi cơn thịnh nộ?” (Tv 85,6). Có thể nói, hơn bao giờ, Chúa vẫn chạnh lòng thương xót; và nơi cuộc sống bản thân mỗi người cũng như nơi cộng đoàn, phép lạ vẫn đang diễn ra. Nhưng Ngài đang mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài bằng đời sống bác ái, cảm thông và chia sẻ, giống như các môn đệ Chúa, để chúng ta trao tận tay những người bé mọn đang cần đến tấm bánh yêu thương đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận được rằng phép lạ không phải là điều lạ thường và xa vời, mà nó rất thân quen, và ở ngay bên cạnh con, khi con sống bác ái với tha nhân.
17/04/21 THỨ BẢY TUẦN 2 PS
Ga 6,16-21
THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!
Biển động, vì gió thổi mạnh… Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ!” (Ga 6,18-20)
Suy niệm: Các môn đệ Chúa Giê-su quả là có nhiều lý do để sợ. Một con thuyền nhỏ tròng trành trong đêm tối giữa Biển Hồ mênh mông, bên dưới thì chao đảo vì sóng lớn, bên trên thì gió to mây mù che phủ, không ngọn hải đăng, không một ánh sao. Đã hoảng sợ họ lại càng hoảng sợ hơn: Thầy mình đang đi trên mặt nước đến với họ, chưa kịp định thần để nhận ra Thầy mình họ lại hốt hoảng lên vì tưởng mình thấy ma.
Mời Bạn: Những môn đệ của Đức Ki-tô ngày nay cũng lâm vào tình huống tương tự: không điểm tựa giữa biển trần gian, trong đêm tối của đức tin. Này nhé, nếu bạn nói “Ta biết có Thiên Chúa nhờ nhìn xem trời đất muôn vật” thì cũng có khối người cũng dựa vào vũ trụ vật chất này để phủ nhận rằng không có Thiên Chúa. Toàn bộ niềm tin dựa trên cơ sở là Đấng Cứu Thế đã chết nay sống lại (x. 1Cr 15,14-19); thế mà tất cả chứng cứ chỉ là một ngôi mộ trống và mấy miếng vải liệm, còn chính Ngài thì không thấy (x. Lc 24,24). Các môn đệ đã hết sợ khi họ nhận ra Chúa và để Ngài đồng hành với họ. Như các môn đệ, bạn hãy mời Ngài lên cùng thuyền với mình.
Chia sẻ: Có bao giờ bạn thấy đức tin của mình bị chao đảo? Và bạn tìm lại được sự bình an trong niềm tin như thế nào? Mời bạn chia sẻ kinh nghiệm ấy.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy kết hợp thường xuyên với Ngài bằng cách siêng năng rước lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa hứa ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế, con xin được đến ở với Chúa mọi giây phút trong suốt đời con.
18/04/21 CHÚA NHẬT TUẦN 3 PS – B
Lc 24,35-48
VƯƠN TỚI SIÊU NHIÊN
Chúa Giê-su nói: “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ?… Chính Thầy đây mà !” (Lc 24,38)
Suy niệm: Người chết sống lại là một biến cố thực sự gây hốt hoảng, khó tin. Khi Chúa hiện đến, các tông đồ đã kinh hồn bạt vía vì tưởng là ma. Chúa Giê-su đã trấn an các tông đồ và minh chứng cho việc phục sinh trước hết bằng các thương tích trên thân xác và ăn uống trước mặt các ông.
Mời Bạn: Chúng ta không phải là thiên thần và càng không là ma quỉ để làm cho người khác phải hốt hoảng ngờ vực về những việc khác thường. Nhiều khi chúng ta lầm tưởng phải là siêu nhân mới có thể làm được những việc siêu nhiên. Con Thiên Chúa đã hoàn tất chương trình cứu độ bằng chính cuộc sống như chúng ta. Sống cuộc đời thường của chúng ta nhưng sống thật hoàn hảo theo tinh thần Tin Mừng, trong niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh, chúng ta đã bước vào lãnh vực siêu nhiên, chúng ta đã có thể cùng Chúa Giê-su mang ơn cứu độ đến cho thế giới.
Chia sẻ: Thân phận con người yếu đuối của chúng ta đã được Con Thiên Chúa vực dậy bằng cách đóng đinh nó vào thánh giá và phục sinh nó trong địa vị người con của Thiên Chúa. Vững tin vào tình yêu của Đấng Phục Sinh, chúng ta sẽ bước đi từng bước vững vàng.
Sống Lời Chúa: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này”. Chúng ta đã làm gì để là chứng nhân cho Đấng Phục Sinh?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã phục sinh để dạy chúng con sống thật tốt cuộc sống Chúa đã trao ban hôm nay. Xin giúp chúng con chu toàn cùng với Ơn Thánh Chúa ban.
19/04/21 THỨ HAI TUẦN 3 PS
Ga 6,22-29
LƯƠNG THỰC THƯỜNG TỒN
“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6,27)
Suy niệm: Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đi tìm đến với Chúa Giê-su để tôn Ngài lên làm vua, mong rằng trên cương vị đó, Ngài giúp họ giải quyết cách dễ dàng nhu cầu cơm áo hàng ngày của họ. Nhưng họ thất vọng hoàn toàn bởi vì đó không phải là nhiệm vụ Chúa Giê-su. Chúa không đến để đáp ứng các nhu cầu vật chất, thể lý của con người nhưng để đem lại cho con người sự sống vĩnh cửu đã mất đi do tội nguyên tổ. Ngài mời gọi họ hãy ra công làm việc để có “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27).
Mời Bạn: ‘Cơm áo gạo tiền’ là nhu cầu cơ bản nhưng không phải là tất cả những gì cần cho đời sống con người. Cám dỗ và sai lầm của con người qua mọi thời đại là chỉ lo cơn đói vật chất, quên đói tinh thần, chỉ nghĩ đến cuộc sống tạm bợ đời này quên mất cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Từ đó họ rất dễ sống ích kỷ, xao lãng việc cầu nguyện, không màng chi tới chuyện sống đức bác ái hay sứ vụ tông đồ, mở rộng Nước Chúa. Lời dạy của Chúa Giê-su thật đáng cho ta ghi nhớ hầu chấn chỉnh đời sống.
Sống Lời Chúa: Thỉnh thoảng trong lúc làm việc, tôi dừng lại một giây lát để hướng lòng về Chúa, dâng lên Ngài một lời nguyện vắn tắt, đơn sơ, bày tỏ tâm tình yêu mến Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su! Chúa đã chết và sống lại để trao ban cho con đời sống mới và niềm hạnh phúc vĩnh cửu. Xin Chúa luôn đồng hành với con trên đường đời; đừng để con mải mê thế sự nhưng luôn tỉnh thức, sống cho Chúa, khắc khoải tìm Chúa và mong được niềm vui trong nhà Chúa trên trời.
20/04/21 THỨ BA TUẦN 3 PS
Ga 6,30-35
KẾT NỐI VỚI CÕI TRƯỜNG SINH
“Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta sẽ không hề phải đói; ai tin vào Ta, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)
Suy niệm: Thế giới hôm nay đề cao hưởng thụ vật chất khiến cho con người thời đại dường như quên mất khát vọng cơ bản mà họ vẫn không ngừng tìm kiếm đó là hạnh phúc vĩnh cửu. Con người mãi vật lộn với cái ăn cái uống. Ăn uống hoài mà vẫn còn đói còn khát. Bởi vì điều hữu hạn chỉ có thể đem lại hạnh phúc hữu hạn. Chỉ có Đấng là sự sống vĩnh cửu mới có thể đem lại hạnh phúc vĩnh cửu mà con người khao khát. Đức Ki-tô phục sinh mở ra cho chúng ta cổng kết nối giữa cuộc sống hữu hạn đời tạm này với cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, đó là chính Thân Mình Ngài trong bí tích Thánh Thể. Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Chúng ta được nuôi dưỡng bằng chính Đức Giê-su trong bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Đón nhận Ngài, chúng ta có thể cảm nếm ngay ở đời này cuộc sống trường sinh của Chúa đời sau.
Mời Bạn: Bạn đón nhận Thánh Thể là bạn đang tham dự vào chính sự sống của Chúa. Đến lượt bạn, bạn cũng sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho người khác.
Chia sẻ: Bạn có quý trọng sự sống trường sinh mà Chúa Giê-su ban tặng cho bạn không? Bạn có cảm nghiệm được đâu là hạnh phúc đích thực của đời sống con người không?
Sống Lời Chúa: Bạn cố gắng thu xếp công việc để tham dự thánh lễ thường ngày và mỗi lần dự lễ, bạn đều dọn mình để rước lễ thật sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa giải thoát chúng con khỏi những ích kỷ vụ lợi và cho chúng con biết kết hiệp với Chúa trong bí tích Thánh Thể để lãnh nhận sự sống của Chúa.
21/04/21 THỨ TƯ TUẦN 3 PS
Th. An-sen-mô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 6,35-40
CHỈ CHO BIẾT Ý CHÚA CHA
“Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời.” (Ga 6,40)
Suy niệm: Chúng ta thật diễm phúc vì được biết rõ ràng chương trình, dự định, ý muốn của Chúa Cha qua lời mặc khải của Chúa Giê-su: để được cứu rỗi, hạnh phúc muôn đời, ta cần thực hiện ba động tác “đến” với Chúa Giê-su, Người Con Một của Thiên Chúa, để được “thấy” và “tin” vào Ngài. “Đến” với Chúa thường xuyên qua lời cầu nguyện, thánh lễ. “Thấy” là nhận ra Ngài đang hiện diện giữa ta, đặc biệt qua Bí tích Thánh Thể và các bí tích, cũng như qua người anh em, nhất là nơi người kém may mắn. “Tin” là xác tín Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ gian trần, để ý muốn của Ngài là chuẩn mực quyết định mọi chọn lựa lớn nhỏ của mình.
Mời Bạn đến với Chúa Giê-su cách thường xuyên hơn để có thể thấy và tin vào Ngài. Mỗi khi đọc Tin Mừng, bạn đang đến với Ngài, nhận thấy Ngài hiện diện với mình, và thêm niềm tin vào Ngài. Khi dâng thánh lễ, bạn đến với Ngài, nhận ra Ngài nơi tấm bánh chén rượu, cộng đoàn phụng vụ, và đức tin bạn càng được củng cố hơn. Bạn đừng lo đến mà không gặp được Chúa vì trước khi về Trời, Ngài đã hứa với các môn đệ rằng sẽ hiện diện giữa chúng ta mọi ngày cho đến ngày tận thế (Mt 28,20).
Sống Lời Chúa: Thực hành lộ trình ba bước “đến-thấy-tin” Chúa Ki-tô để sự sống phục sinh được triển nở phong phú nơi bạn và để bạn truyền thông sự sống ấy cho người khác nữa.
Cầu nguyện: Lạỵ Chúa, xin hướng dẫn con trong chân lý của Chúa, để con có thể thấy và tin những điều Chúa và Giáo hội tiếp tục dạy dỗ con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
22/04/21 THỨ NĂM TUẦN 3 PS
Ga 6,44-51
TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT
“Bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51)
Suy niệm: “Tôi muốn con tôi sống”. Đó là ước nguyện của bà Suzanna khi bà và đứa con gái 4 tuổi bị lấp vùi dưới đống gạch vụn trong cuộc động đất ở Liên Xô năm 1987. Nghe đứa bé kêu than: “Mẹ ơi con khát quá!” bà đau lòng lắm nhưng biết lấy đâu ra nuớc! Tình mẫu tử đã gợi cho bà ý tuởng táo bạo, lấy máu của mình cho con uống. Bà cắt lần lượt đầu ngón tay của mình và đút vào miệng bảo con nút. Sau khi được cứu sống bà nói: “Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết nhưng tôi muốn con tôi được sống.” Câu chuyện cảm động trên gợi lên cho ta Tình Yêu Cao Cả của Chúa Giê-su đối với nhân loại. Vì yêu, Ngài đã hy sinh chính mạng sống của mình, chịu chết trên thập giá, đổ ra đến giọt máu cuối cùng. Hơn thế nữa, Ngài còn ban tặng chính thịt máu mình làm của ăn của uống trường sinh cho ta qua Bí Tích Thánh Thể. Ước mong của Ngài là con người được sống và sống trong tình yêu.
Mời Bạn: Phải chăng rất nhiều lần chúng ta lên rước lễ mà không có một cảm xúc nào? Bạn hãy hình dung mình đang đến với Đấng đã xẻ thịt, trích máu của chính Ngài để cho bạn khỏi đói, khỏi khát. Với tâm tình đó, mời bạn đến với Bí Tích Thánh Thể nơi mà Chúa Giê-su ban cho bạn tình yêu là chính Mình và Máu của Ngài, bạn hãy nếm và cảm nghiệm tình yêu của Ngài.
Sống Lời Chúa: Siêng năng tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, mỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa, xin cho con cảm nghiệm được tình thương và sự hiện diện của Chúa. Xin cho con tin rằng Bí Tích Thánh Thể là nguồn sống đích thực của đời con.
23/04/21 THỨ SÁU TUẦN 3 PS
Th. A-đan-be-tô, giám mục, tử đạo
Ga 6,52-59
RƯỚC CHÚA VÀO NHÀ TÂM HỒN
Khi ấy, người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52)
Suy niệm: Đâu có phải hễ ai ngồi dưới ánh trăng ngọc ngà cũng đều cảm được vẻ đẹp huyền ảo của trăng. Vẫn biết trăng là của muôn người, nhưng thưởng thức trăng chỉ dành cho những ai có tâm hồn như tâm hồn người nghệ sĩ. Con mắt và tâm hồn nghệ sĩ giúp họ khám phá dáng vẻ mượt mà, êm ả của trăng. Ấy cũng là lúc trăng đến trọ trong lòng và gợi hứng cho đời họ. Cũng vậy, trong khi việc ăn Mình Thánh Chúa là cớ vấp phạm cho nhiều người, thì đối với các môn đệ, họ khám phá tình yêu táo bạo của Thiên Chúa. Vì yêu thương, Thiên Chúa trở nên của ăn cho con người. Đón nhận Thánh Thể là đón nhận Chúa đến trú ngụ trong tâm hồn.
Mời Bạn: Chính các môn đệ đồng bàn với Chúa trong bữa ăn Tiệc Ly được chứng kiến tận mắt và nghe tận tai lời quả quyết của Ngài: “Này là Mình Ta… Này là Máu Ta… Các con hãy làm việc này để nhớ đến Ta.” Trong thánh lễ qua lời linh mục đọc và nhờ quyền năng thánh hoá của Chúa Thánh Thần, lời Đức Giê-su lại một lần nữa phát sinh hiệu lực: bánh và rượu trở thành Mình Máu Thánh Ngài. Chính nhờ đó, bạn có thể tin nhận Đức Giê-su hiện diện thực sự trong Thánh Thể. Bạn có tin nhận như thế và mong muốn được Ngài đến cư ngụ trong lòng bạn không?
Sống Lời Chúa: Sau khi rước Mình Thánh Chúa, bạn nhớ cám ơn Chúa. Nếu vì ngăn trở không được rước Chúa, bạn nhớ khao khát rước lễ thiêng liêng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến và chọn tâm hồn con làm nơi Chúa ngự. Lạy Chúa, xin hãy đến và xin hãy ở lại trong linh hồn con.
24/04/21 THỨ BẢY TUẦN 3 PS
Th. Phi-đen Dích-ma-ring-ngân, linh mục, tử đạo
Ga 6,60-69
“BỎ THẦY, CON BIẾT THEO AI?”
“Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai? Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6,68)
Suy niệm: Ai trong chúng ta lại không biết câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”? Cũng thế, hẳn chúng ta cũng biết rằng Phê-rô, tông đồ trưởng của Chúa Giê-su, vốn có khả năng ‘thiên phú’ – được Chúa Cha mạc khải (x. Mt 16,17) – cũng đã phát biểu một câu ‘để đời’: “Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai!” Một ngư phủ bộc trực như Phê-rô lại có thể nói lên những lời dạt dào cảm xúc giữa đám đông dân chúng đang bất bình vì lời của Chúa mà họ cho là chướng tai khiến cả các môn đệ khác cũng nao núng. Bất chấp tất cả những phản ứng đối nghịch ấy, bất chấp những yếu đuối nông nổi, bất chấp cái nhìn còn nặng tinh thần thế tục của mình, Phê-rô vẫn luôn thể hiện là một môn đệ say mê gắn bó với Thầy; đối với ông, Thầy Giê-su chính là Con Thiên Chúa, và chỉ “Thầy mới có lời ban sự sống đời đời.”
Mời bạn: Người ta thường nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư;” trong cuộc đời, chúng ta qua tay biết bao người thầy. Nhưng với bạn, bạn coi Đức Giê-su là người thầy dạy chữ dạy nghề như bao người thầy khác hay đó là vị Thầy mà bạn sẽ thốt lên “bỏ Thầy con biết theo ai” bởi vì chỉ mình Ngài mới “có lời ban sự sống đời đời”?
Sống Lời Chúa: Được làm môn đệ Thầy Giê-su, bạn hãy “vâng nghe Lời Ngài” bằng cách siêng năng suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ở lại với con, vì con cần có Chúa. Xin ban cho con ánh sáng của Chúa để con bước đi theo đường lối Chúa. Xin giữ con ở lại trong Chúa, vì bỏ Chúa con biết theo ai, chỉ mình Chúa mới có lời ban sự sống đời đời. Amen. (Rabbouni)
25/04/21 CHÚA NHẬT TUẦN 4 PS – B
Ga 10,11-18
MỤC TỬ VÀ ĐOÀN CHIÊN
“Tôi chính là Mục tử nhân lành, Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi.” (Ga 10,14)
Suy niệm: Mọi người đã được rửa tội đều được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng, nhưng có một số người được Chúa đặc biệt sai đi để dấn thân triệt để hơn cho đoàn chiên Chúa: những người sống đời tu. Thay vì xây dựng tổ ấm như bao người trẻ khác, họ muốn con tim mình được trọn vẹn thuộc về Chúa, để việc phụng sự Ngài và phục vụ đoàn chiên. Vì thế, giữa đoàn chiên và người mục tử có những mối dây thân thiết, những nghĩa vụ tương ứng. Đoàn chiên biết người mục tử để luôn tôn trọng, thông cảm với những mỏng dòn yếu đuối của một con người, nhất là có tinh thần xây dựng, giúp mục tử chu toàn nhiệm vụ thánh của mình; ngược lại, người mục tử cũng phải đối xử với đoàn chiên cách nhân từ, khoan hậu, sống chết với đoàn chiên như Thầy của mình. Đoàn chiên cố gắng sống đạo tốt và cầu nguyện để Giáo Hội có được những mục tử như lòng Chúa mong ước.
Mời Bạn: Hãy nâng đỡ các linh mục, tu sĩ, bằng lời cầu nguyện, bằng sự hỗ trợ, để họ sống xứng đáng là những mục tử nhân lành như Chúa Giê-su.
Chia sẻ: Bạn có ưu tư khi thấy con số linh mục, tu sĩ trong Giáo Hội ngày càng giảm sút?
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi sẽ sốt sắng cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ đáp lại lời Chúa mời gọi sống đời tu.
Cầu nguyện: Hát hoặc đọc: “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: ‘Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt.’ Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành, để Nước Chúa rộng lan khắp nơi. Xin Chúa ban cho đoàn chúng con nên tông đồ thiện toàn mở Nước Chúa Trời”.
26/04/21 THỨ HAI TUẦN 4 PS
Ga 10,1-10
ĐỂ CHIÊN ĐƯỢC SỐNG DỒI DÀO
“Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10)
Suy niệm: Mối quan hệ “biết nhau” giữa chủ chiên và chiên không dừng lại ở lãnh vực tri thức, mà chủ chiên và chiên “biết nhau” đến mức độ trở thành sự sống của nhau. Chủ chiên “biết” chiên khi chủ chiên làm cho chiên “được sống và sống dồi dào”: khi chủ chiên lấy chính “máu thịt” mình làm lương thực nuôi sống chiên. “Máu thịt” của chủ chiên trở nên một với “máu thịt” của chiên. Ngược lại chiên “biết” chủ chiên khi chiên tiếp nhận “máu thịt” của chủ chiên nhờ đó chiên được sống nhờ sự sống của chủ chiên.
Mời Bạn: Bạn hãy bắt mạch chính mình xem sự sống dồi dào của Đức Ki-tô chủ chiên có đang chảy tràn trào trong huyết mạch của bạn chưa. Thật uổng phí biết bao nếu như nguồn mạch sự sống ấy được trao ban dồi dào như thế lại không thể thấm vào từng đường gân thớ thịt của bạn! Và cũng thật phụ lòng Chúa Giê-su đáng mến biết bao nếu bạn để cho máu thịt châu báu của Con Thiên Chúa trở nên uổng phí như thế!
Sống Lời Chúa: Làm gì để khỏi uổng phí “máu thịt” của Con Thiên Chúa ư? Đơn giản thôi. Bạn hãy siêng năng lãnh nhận, kết hiệp, yêu mến “Máu Thịt” Ngài nơi Bí tích Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, trên thập giá, Chúa đã khao khát một cơn khát mà không gì có thể làm dịu được, đó là hiến trao chính Mình Máu Chúa để cho chúng con được sống dồi dào. Con xin hiến dâng cuộc sống con để làm dịu cơn khát của Chúa, để con yêu Chúa với trọn cả tấm lòng con.
27/04/21 THỨ BA TUẦN 4 PS
Ga 10,22-30
HÀNH ĐỘNG MINH CHỨNG NHÂN THÂN
“Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.” (Ga 10,25)
Suy niệm: Trước sự cứng lòng của dân chúng, đặc biệt là giới Kinh sư và Pha-ri-sêu, Chúa Giê-su phải nại đến việc làm để minh chứng cho sứ vụ của mình. Không chỉ là một vài công việc, mà là rất nhiều việc làm trong suốt thời gian hoạt động công khai. Những việc làm tốt đẹp ấy là hoa trái của lòng hiếu thảo với Chúa Cha, cũng như của tình yêu thương con người như chữa lành mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền, cho kẻ chết sống lại, trừ khử ma quỷ… Việc kinh thiên động địa nhất là Ngài đã chết và đã sống lại. Vậy mà Ngài đã báo trước điều đó đến ba lần! Cũng có nhiều người đã, đang, và sẽ vẫn tin vào Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật. Những người này được Chúa gọi là các con chiên của Ngài, được gìn giữ, bảo vệ để không một ai phải hư mất. Họ được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Mời Bạn: Niềm tin của bạn vào Chúa Giê-su cũng phải được minh chứng, không phải chỉ qua lời nói, lý lẽ, nhưng còn bằng hành động là hoa trái của niềm tin, thể hiện qua cả cuộc sống yêu thương, cảm thông, hiền hòa, nhiệt thành, khiêm tốn, dấn thân… Bạn đã có được những hoa trái ấy chưa?
Sống Lời Chúa: Một khi nhận thấy tác động của Lời Chúa, những việc Chúa làm nhân danh Chúa Cha, tôi sẽ phấn khởi thực thi Lời Chúa dạy, hy vọng hoa quả là đời sống đơm hoa kết trái nhân đức.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con để chúng con luôn biết cùng nhau ca ngợi Danh Thánh Chúa. Xin cho chúng con minh chứng niềm tin qua các hoa trái tốt đẹp. Amen.
28/04/21 THỨ TƯ TUẦN 4 PS
Th. Lu-y Gri-nhông Mông-pho, linh mục
Ga 12,44-50
ÁNH SÁNG DỊU ÊM
“Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.” (Ga 12,46)
Suy niệm: Bài Tin Mừng hôm nay có thể tóm tắt tất cả sứ vụ của Đức Giê-su, sứ vụ cứu độ nhân loại theo chương trình ngàn đời của Chúa Cha. Đức Giê-su đến trần gian, mạc khải cho chúng ta hình ảnh của Đấng Tạo hóa là Cha của Ngài, Người Cha dịu dàng và đầy lòng thương xót. Ngài được Chúa Cha sai đến để mang tình yêu, ơn cứu độ cho thế giới, cho những ai tin vào Ngài. Ngài là Ánh sáng, và bởi vì phát xuất từ Chúa Cha, nên Ánh sáng ấy là Ánh sáng dịu êm, mang sức mạnh của sự dịu dàng. Ánh sáng ấy diễn đạt với cả con tim, là chìa khóa mở ra cánh cửa cung lòng Thiên Chúa, đưa ta đi vào trong tương quan thân thiết với Chúa Ba Ngôi, hé mở những gì thánh thiện và ẩn giấu.
Mời bạn: “Ánh sáng Chúa Ki-tô.” Đang khi không gian chìm ngập trong bóng tối, đoàn rước tiến vào nhà thờ với ánh sáng từ cây Nến Phục sinh, rồi mọi người thắp sáng cây nến của mình. Ánh sáng Chúa Ki-tô đẩy lui bóng tối, chiếu sáng thế gian. Mỗi Ki-tô hữu nhận được Ánh sáng ấy trong ngày lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, được mời gọi lan tỏa Ánh sáng ấy trong mọi môi trường và đời sống của mình.
Chia sẻ: Bạn đã cảm nhận và đã lan tỏa Ánh sáng của đức tin, đức cậy, đức ái như thế nào?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm thực thi một giá trị Tin Mừng (hiền hoà, nhẫn nại, bao dung, tha thứ…) với những người tôi gặp gỡ hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, lắm khi con vẫn chìm trong bóng tối của tội lỗi. Xin cho con mở lòng đón nhận Ánh sáng của Tình thương Chúa, và can đảm dấn thân cho Ánh sáng dịu êm này. Amen.
29/04/21 THỨ NĂM TUẦN 4 PS
Th. Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT
Ga 13,16-20
TÌNH THÂN THIẾT THẦY-TRÒ
“Thật Thầy bảo thật anh em: Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Ga 13,20)
Suy niệm: Trong bầu khí yêu thương thân tình giữa Thầy và trò sau khi Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ, chúng ta cảm nhận được sự bồi hồi xao xuyến của Ngài trước lúc chia tay. Đây là lúc mà không còn lúc nào khác để Chúa nói với các môn đệ những lời tâm huyết nhất: Ngài cho biết mối tương quan giữa Ngài với các môn đệ trở nên khăng khít vì được liên kết với mối tương quan khăng khít không thể tách rời giữa Ngài với Chúa Cha: Ai đón tiếp các môn đệ là đón tiếp Chúa Giê-su và đón tiếp Ngài như vậy cũng tương đương như là đón tiếp chính Chúa Cha.
Mời Bạn: Hiểu được tâm tình của Đức Giê-su, bạn có cảm thấy được đánh động sâu xa cả con người của bạn không? Biết mình trở nên quan trọng với Chúa như thế, được liên kết chặt chẽ với Ngài như thế, bạn quyết tâm là người môn đệ trung thành của Thầy, thực hành tới từng chấm từng phẩy lời Thầy dạy chứ? Bạn được Thầy tuyển chọn và sai đi tiếp tục sứ mạng của Ngài, bạn sẽ sống xứng đáng với sự tin tưởng của Thầy, để mọi người có thể nhận ra Ngài nơi đời sống của bạn chứ?
Chia sẻ: Bạn nhìn lại những biến cố xảy ra trong cuộc đời bạn. Bạn có nhận ra sự chăm sóc ân cần của Chúa dành cho bạn, và sự tín nhiệm của Ngài đối với bạn khi Ngài trao cho bạn sứ mạng làm ngôn sứ, chứng nhân cho Ngài không? Mời bạn chia sẻ cảm nghiệm đó.
Sống Lời Chúa: Để tình thân thiết Thầy-trò giữa Chúa và bạn ngày càng sâu đậm bạn đừng quên dành thời giờ tâm sự với Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.
30/04/21 THỨ SÁU TUẦN 4 PS
Th. Pi-ô V, giáo hoàng
Ga 14,1-6
LÀ CON ĐƯỜNG SỰ SỐNG
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14,6)
Suy niệm: “Con đường có thể đẹp hay xấu, dễ hay khó đi, bằng phẳng hay gồ ghề, điều đó không quan trọng; điều quan trọng nhất là con đường ấy đưa bạn đi đến đâu” (M. Idan). Đức Giê-su là con đường đưa ta đến đích điểm là Chúa Cha, đi vào thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi; cả con đường lẫn đích đến đều hội tụ nơi con người Giê-su. Ngài là con đường đưa ta đến Nước Trời hạnh phúc, nhưng cũng chính là Nước Trời hạnh phúc ấy. Ngài đến trần gian mặc khải cho ta biết sự thật trọn vẹn về Thiên Chúa và con người. Đi theo, đồng hành với Ngài trên con đường Giê-su, ta có được sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa, vui hưởng sự sống dồi dào của Thiên Chúa ngay trong cuộc đời này. Thế nhưng, đừng quên rằng con đường mang tên Giê-su là con đường thập giá, hy sinh quên mình. Chỉ có con đường thập giá ấy mới dẫn đưa ta đến sự sống viên mãn của Thiên Chúa.
Mời Bạn: “Tại sao mọi con đường rốt cuộc thu hẹp vào một điểm ở chân trời? Vì đó là nơi có điểm đến” (Nhà văn Mỹ V. Nazarian). Điểm đến của đời bạn là hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, hiệp thông phần nào khi tại thế, và trọn vẹn trong thế giới mai sau. Bạn đã xác định rõ ràng điểm đến cuộc đời mình chưa? Bạn làm gì để hiệp thông với Ngài trong đời sống mỗi ngày?
Sống Lời Chúa: Tôi tập sống hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc mỗi ngày chiêm ngắm Chúa Giê-su trong sách Tin Mừng, Bí tích Thánh Thể, và nơi các sự kiện mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là con đường đưa con đến hạnh phúc vĩnh cửu; nơi Chúa, con được cảm nếm sự sống viên mãn, sự thật toàn vẹn.